Kinh tế năm 2015: Lạc quan tăng trưởng
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8% trong năm nay sẽ thành hiện thực. Nhiều chuyên gia kinh tế lạc quan nhận định, trong năm 2015, nền kinh tế sẽ phục hồi tốt hơn với mức tăng trưởng có thể đạt tới 6 - 6,2%. Nhiều gợi ý về chính sách đã được đưa ra cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Khó hoàn thành chỉ tiêu
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến hết tháng 9/2014, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 5,54%, trong đó, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,17%; công nghiệp và xây dựng tăng 6,12%; dịch vụ tăng khoảng 6,02%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 6,7%; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 109,6 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013. Con số được Bộ Công Thương đưa ra cũng khá khả quan khi đến cuối tháng 9, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Tuy nhiên, dựa trên toàn cảnh nền kinh tế, nhất là những yếu tố giúp tăng trưởng ổn định như tổng cầu, sự phục hồi của các doanh nghiệp, chỉ số quản trị mua hàng… nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, mục tiêu tăng trưởng 5,8% của nền kinh tế năm 2014 khó đạt được. Tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2014 vừa được tổ chức, Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cho rằng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế khó đạt mức 5,8% như chỉ tiêu, lạm phát sẽ không vượt quá 4,5%, xuất khẩu có khả năng vượt kế hoạch. Đồng quan điểm này, GS.TS Trần Thọ Đạt - Trường Đại học Kinh tế quốc dân và các cộng sự - cũng bày tỏ: Tăng trưởng kinh tế ước đạt trung bình 5,69% và tỷ lệ lạm phát dự báo đạt khoảng 4,5% trong năm nay. Hầu hết các tổ chức quốc tế và trong nước đều dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2014 nhỏ hơn chỉ tiêu mà Chính phủ đặt ra.
Hy vọng tăng trưởng kinh tế năm 2015 sẽ cao hơn năm 2014 như nhiều chuyên gia kinh tế dự báo
Lạc quan với tăng trưởng năm 2015
Đánh giá cao những yếu tố sẽ giúp kinh tế Việt Nam năm 2015 hồi phục vững chắc như: môi trường kinh doanh được cải thiện, các hiệp định mậu dịch tự do đang đàm phán nhiều khả năng sẽ hoàn thành giúp thu hút đầu tư và xuất khẩu tăng ổn định, các chuyên gia kinh tế đều có chung quan điểm: Tăng trưởng kinh tế nước ta năm 2015 sẽ cao hơn năm nay. Theo ông Trương Đình Tuyển, kinh tế Việt Nam năm 2015 có mức phục hồi cao hơn và có khả năng đạt mức tăng trưởng từ 6-6,2%; dự báo lạm phát không quá 6,5%. Kỳ vọng tăng trưởng nhưng ở mức thấp hơn, GS.TS Trần Thọ Đạt đã đưa ra dự báo tỷ lệ tăng trưởng trong năm tới khoảng 6,04%, lạm phát khoảng 5,6- 6%.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm 2015, theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ cần có những giải pháp cụ thể trong ngắn hạn và dài hạn. Theo đó, bên cạnh đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết nợ xấu, trong điều kiện tổng cầu yếu, lạm phát thấp và đang xuất siêu, xem xét khả năng điều chỉnh hạ giá VND khoảng 3% để khuyến khích xuất khẩu và phát triển công nghiệp hỗ trợ. “Về dài hạn, tái cơ cấu nền kinh tế vẫn là yêu cầu quan trọng nhất, trong đó xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại dựa trên ba trụ cột thị trường, nhà nước và xã hội, coi đây là tiền đề quyết định để tái cơ cấu nền kinh tế" - ông Trương Đình Tuyển bày tỏ. Đặc biệt, cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong sản xuất và quản lý. Đây chính là giải pháp cơ bản để nâng cao hiệu suất sử dụng vốn, giảm hệ số ICOR trong đầu tư. Ngoài ra, cần phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện thoát dần sự phụ thuộc về nguyên liệu đầu vào và sản phẩm trung gian vào Trung Quốc.
Thùy Linh
công thương
|