Thứ Hai, 29/09/2014 06:40

Xếp hàng đăng ký trợ cấp thất nghiệp

Cảnh xếp hàng chờ đăng ký bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp diễn ra hằng ngày tại Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM.

Người lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM - Ảnh: Lê Thanh

“Cho em đăng ký thất nghiệp”

Chúng tôi đến Phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM) vào một buổi sáng cuối tháng 9 thấy có rất đông người ngồi điền những thông tin cá nhân cần thiết vào tờ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hầu hết những người đến đây đều: “Cho em đăng ký thất nghiệp”.

Chim Thị Trường An (23 tuổi) cho biết: “Trước đây mình làm nhân viên phục vụ một quán cà phê ở Q.Bình Thạnh (lương 2,9 triệu đồng/tháng) nhưng đã bị thất nghiệp lâu rồi. Mình dự định nộp đơn đăng ký hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp để kiếm một số tiền xoay xở tạm thời rồi sẽ tính tiếp. Chắc sắp tới mình cũng đi kiếm một số công việc liên quan đến bưng bê, phục vụ thôi vì mình chỉ mới học đến lớp 12”.

Theo ông Nguyễn Cao Thắng, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định như sau: Nếu có từ 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp thì hưởng được 3 tháng lương; nếu đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, hưởng được 6 tháng lương; nếu đủ 72 tháng đến dưới 140 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, hưởng 9 tháng lương... Mức lương trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định.
Còn Hoàng Anh Dũng, từng làm tài xế xe tải chở hàng cho một công ty giao nhận ở Q.Gò Vấp thì tâm sự nghe mà não nề: “Ngày nào cũng xách xe máy chạy kiếm việc khắp nơi mấy tháng nay nhưng chẳng có kết quả. Nếu không tìm ra việc chắc tôi phải ra chợ phụ vợ bán hàng rau kiếm sống qua ngày”.

Không chỉ những người lao động phổ thông hoặc công nhân bình thường bị thất nghiệp mà những bạn trẻ có trình độ, tay nghề cũng rơi vào tình cảnh bi đát.

Hơn 80% là lao động trẻ

Ông Nguyễn Cao Thắng, Phó giám đốc Trung tâm giới thiệc việc làm TP.HCM cho biết từ tháng 1 đến tháng 8.2014 đã có 79.261 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, trong đó độ tuổi từ 40 trở xuống chiếm tỷ lệ hơn 80%.

Lý giải về tình trạng nhiều người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, ông Thắng nói: “Do tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp biến động, hàng hóa sản xuất cầm chừng nên nhiều khi họ nghỉ chỗ này để xin qua chỗ khác tìm cơ hội mới. Cũng có trường hợp họ xin nghỉ để về quê hoặc tự tạo việc làm cho mình”. Theo ông Thắng, khi người lao động đến làm đơn xin trợ cấp thất nghiệp, tất cả đều được cung cấp một số thông tin để giới thiệu việc làm và thông thường có đến 30% số người tìm kiếm được việc làm sau đó. Ngoài ra, trung tâm còn tư vấn cho người lao động học nghề để chuyển đổi công việc. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 7.000 người sau khi được hưởng trợ cấp thất nghiệp được học nghề tại 25 cơ sở đào tạo. Theo đó, mọi người đăng ký học nghề từ 3 tháng trở xuống sẽ được hỗ trợ trọn gói 3 triệu đồng/khóa (miễn phí hoàn toàn). Đối với những người học nghề từ 3 tháng trở lên sẽ được hỗ trợ 600.000 đồng/tháng và được hỗ trợ trong 6 tháng.

Những ngành nghề sẽ có nhu cầu tuyển dụng nhiều

Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, quý 4/2014 thị trường lao động TP.HCM có nhu cầu khoảng 60.000 chỗ làm việc ổn định (tháng 10: 18.000; tháng 11: 20.000; tháng 12: 22.000) và 35.000 nhu cầu lao động thời vụ. Về trình độ chuyên môn được tuyển dụng: ĐH và trên ĐH (15%), CĐ (14%), trung cấp (22%), công nhân kỹ thuật (7%), sơ cấp nghề (7%), lao động phổ thông (35%). Nhu cầu tuyển dụng tiếp tục xu hướng vào nguồn lao động có trình độ, tay nghề. Tuy nhiên, những tháng cuối năm nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng cao về lao động phổ thông để phục vụ sản xuất và các hoạt động dịch vụ cuối năm.

Nhu cầu tuyển dụng nhiều là những ngành nghề kinh doanh, dịch vụ - phục vụ, công nghệ thông tin, dệt may - giày da, du lịch, tư vấn - bảo hiểm, cơ khí, điện tử, điện - điện công nghiệp - điện lạnh, kinh doanh bất động sản, xây dựng - kiến trúc...

Đặc biệt, nhu cầu lao động thời vụ tập trung ở các nhóm ngành như: kinh doanh - bán hàng, dệt may, dịch vụ du lịch - nhà hàng khách sạn, dịch vụ phục vụ (bảo vệ, giúp việc nhà...).

Nhu cầu nhân lực của thị trường lao động TP.HCM có xu hướng ổn định và phát triển trong những tháng cuối năm 2014. Tuy nhiên tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm ngay được việc làm phù hợp hoặc phải làm việc trái ngành nghề đào tạo vẫn tiếp tục ở mức 40% tổng số nhu cầu tìm việc làm.

Bích Thanh


Lê Thanh

thanh niên

Các tin tức khác

>   Kinh tế đã ổn định nhưng còn mong manh (27/09/2014)

>   Kinh tế đã ổn định nhưng còn mong manh (27/09/2014)

>   GDP tăng cao nhất 3 năm (26/09/2014)

>   Đến 2014, tái cơ cấu vẫn còn là kỳ vọng (26/09/2014)

>   ADB hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam 2014 và 2015 (25/09/2014)

>   ILO lý giải năng suất lao động Việt Nam ở nhóm kém nhất khu vực (24/09/2014)

>   ANZ: Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam quay đầu giảm (24/09/2014)

>   GDP Việt Nam có thể tăng tới 15% nếu FTA Việt Nam-EU được ký kết (24/09/2014)

>   CPI cả nước tăng cao nhất 7 tháng (24/09/2014)

>   Công trình “đội vốn” và gánh nặng nợ công (23/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật