Thứ Sáu, 26/09/2014 16:12

Đến 2014, tái cơ cấu vẫn còn là kỳ vọng

Hàng trăm đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, đại biểu quốc hội, học giả, và chuyên gia kinh tế sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2014 với chủ đề “Tái cơ cấu nền kinh tế: Kỳ vọng chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản” tại tỉnh Ninh Bình vào ngày 27 và 28/9.

Đặt tên cho diễn đàn như vậy, có lẽ các nhà tổ chức đã ngầm hàm ý rằng, tái cơ cấu nền kinh tế mới chỉ dừng lại ở “kỳ vọng” trong tương lai, dù đây là trọng tâm trong điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ này.

Trên thực tế, những hành động mang tính “tái cơ cấu” chỉ được ghi nhận rất ít ỏi ở cả ba lĩnh vực trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đầu tư công, và hệ thống ngân hàng thương mại.

Những người lạc quan thì nói: "Cần có thời gian chứ, ít nhất là để tạo hành lang pháp lý cho tái cơ cấu?”.

Song, những người có cái nhìn phê phán lại cho rằng: “Đã mất hai năm 2011-2012 để tạo hành lang pháp lý, vậy đâu là kết quả trong năm 2013-2014 này?”

Thật khó mà nói về kết quả tái cơ cấu.

“Chúng ta cứ cho là tái cơ cấu được cái này, cái kia tại các diễn đàn. Theo tôi, đó là chủ quan thôi, chứ không phải. Chúng ta chưa tái cơ cấu được gì cả”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nói.

“Kể cả những thành tích của ngành ngân hàng vừa qua cũng chưa có gì là tái cơ cấu cả. Chỉ là che đậy lại bằng một số can thiệp hành chính”, ông nói.

Nhận xét của ông Cung đã được thực tế chứng minh, thử xem qua cải cách DNNN và đầu tư công.

Quá trình cải cách DNNN vẫn không thể tăng tốc. Số lượng DNNN được cổ phần hóa hay việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng chưa có sự đột phá.

Số DNNN chỉ còn hơn 1.000 trên toàn quốc tính đến nay, giảm nhiều so với con số 12.000 cuối những năm 1990 khi cổ phần hóa được khởi động, nhưng lực lượng này vẫn nắm khoảng 70% nguồn lực đất đai, 60% tín dụng, trong khi hiệu quả đóng góp lại chưa tương xứng.

Trong khi đó, dự thảo Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp – một dự luật quan trọng định hướng cho hoạt động của các DNNN – lại không thể thoát ra khỏi tư duy cũ khi khẳng định rằng, mục tiêu đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp là để: “Thực hiện vai trò nòng cốt, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô mang tính chiến lược trong từng giai đoạn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Gán cho các DNNN giữ “vai trò nòng cốt”, hay “lực lượng vật chất quan trọng” để khu vực này “điều tiết nền kinh tế” và “ổn định kinh tế vĩ mô” là không thực tế. Điều này đã được chứng minh qua những bất ổn vĩ mô trong suốt giai đoạn vừa qua.

Cũng như vậy, thật khó ghi nhận tiến bộ trong đầu tư công.

Dự thảo Luật Đầu tư công có một số thay đổi khá nổi bật như xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các cấp có thẩm quyền trong việc quyết định, thẩm định, phê duyệt, phân bố, quản lý và sử dụng vốn đầu tư nhà nước. Dự án đầu tư chỉ được phê duyệt khi cân đối được nguồn vốn, v.v.

Nhưng đến nay, nó vẫn là dự thảo và đương nhiên là chưa giúp giải quyết được vấn đề như phải xác định và thực hiện nghiêm minh kỷ luật ngân sách ở tất cả các cấp, đối với tất cả các khoản chi, kể cả chi đầu tư phát triển. Cả Bộ trưởng Tài chính và Kế hoạch và Đầu tư đã phải không ít lần than phiền về trách nhiệm của người chi ngân sách.

Vì sao muốn tái cơ cấu mà thực tế vẫn không thể tái cơ cấu được?

“Tôi cho là trước hết chúng ta cần giải quyết một vấn đề tiên quyết, đó phải trả lời được kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sắp tới đây sẽ là gì? Khi trả lời được câu hỏi đó rồi thì mới trả lời câu hỏi thứ hai, cải cách kinh tế sắp tới là gì?”, ông Cung nói.

“Còn nếu nói rằng cải cách kinh tế đi trước cũng được, nhưng đến một mức độ nào đó cải cách kinh tế sẽ không còn không gian”, ông nói.

Tư Hoàng

tbktsg

Các tin tức khác

>   ADB hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam 2014 và 2015 (25/09/2014)

>   ILO lý giải năng suất lao động Việt Nam ở nhóm kém nhất khu vực (24/09/2014)

>   ANZ: Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam quay đầu giảm (24/09/2014)

>   GDP Việt Nam có thể tăng tới 15% nếu FTA Việt Nam-EU được ký kết (24/09/2014)

>   CPI cả nước tăng cao nhất 7 tháng (24/09/2014)

>   Công trình “đội vốn” và gánh nặng nợ công (23/09/2014)

>   Tăng trưởng kinh tế Hà Nội, TP HCM cải thiện (23/09/2014)

>   Tái cơ cấu kinh tế: Vì sao 3 năm vẫn chậm? (23/09/2014)

>   Giá xăng dầu giảm, hàng tiêu dùng vẫn tăng giá (22/09/2014)

>   CPI tháng 9 tại Tp.HCM tăng vọt hơn 1% (22/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật