Thứ Bảy, 27/09/2014 08:15

Kinh tế đã ổn định nhưng còn mong manh

Kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 3 quý đầu năm nay đã ổn định song vẫn đối diện với những rủi ro lớn, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành nhìn nhận.

Những tín hiệu ổn định

Ông Thành – một trong các diễn giả chính tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2014 được tổ chức ngày 27/9 tại Ninh Bình phân tích, có hàng loạt dấu hiệu cho thấy kinh tế vĩ mô ổn định lại như lạm phát giảm mạnh, tỷ giá VND/USD tương đối ổn định, cán cân vãng lai cân bằng, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng đáng kể, thanh khoản ngân hàng cải thiện rõ rệt và mức xếp hạng tín nhiệm của Moody và S&P tăng lên.

Ông dự báo, lạm phát khoảng 5% và tăng trưởng khoảng 5,5 -5,7% trong năm 2014, tức thấp hơn mục tiêu là 5,8% mà Quốc hội đặt chỉ tiêu.

Ông Huỳnh Đắc Thắng, Phó Vụ kế hoạch Tổng hợp, Bộ Công Thương nhận xét tại hội nghị giao ban Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáng 26/9, đến thời điểm này của năm, chỉ số sản xuất công nghiệp đã đạt mức tăng trưởng cao là 6,7% so với cùng kỳ.

Ông cho biết, xuất khẩu dệt may, da giày đều có mức tăng trưởng cao hơn 30% trong 9 tháng đầu năm nay.

Trong 9 tháng đầu năm, cả nước vẫn xuất siêu nên không gây áp lực lên cán cân thanh toán như những năm trước.

Ông cho rằng, ở thị trường trong nước hàng hóa đang dồi dào, nhưng do kinh tế phục hồi chậm, thu nhập người dân ít được cải thiện nên mức tiêu thụ không cao, sức mua vẫn chậm được cải thiện.

Song còn rất mong manh

Tuy vậy, những thách thức mang tính cơ cấu vẫn đang đe dọa sự ổn định mong manh đó, theo ông Thành.

“Cải cách cơ cấu, nhất là với doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhìn chung diễn ra chậm chạp, dù có ý chí chính trị, có các chương trình và một số cơ chế khá mạnh để thực thi. Điều này đang làm giảm lòng tin thị trường”, ông nói.

Ông nhận xét, thu ngân sách đang gặp khó khăn nên mức thâm hụt sẽ phải là 4,8% GDP. Bên cạnh đó, nợ công, dù dưới ngưỡng 60% GDP, cũng đang tăng nhanh gây rủi ro về dòng tiền khá lớn.

Điều này được thấy rõ trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, theo đó, trong 9 tháng đầu năm thu ngân sách chỉ đạt gần 598.000 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với chi ngân sách là 722.000 tỉ đồng.

“Nguy cơ bất ổn tài chính vẫn hiện hữu do nợ xấu tăng, sở hữu chéo ngân hàng, tính minh bạch thấp”, ông Thành nói. Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận tín dụng dù lãi suất giảm đáng kể do nợ xấu lớn và tăng.

Cho dù có một số dấu hiệu tích cực, như chỉ số PMI lớn hơn 50 kể từ tháng 9/2013, chỉ số công nghiệp xu thế tăng nhẹ, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng khá cao, thì khu vực sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, ông nhận xét.

Tuy nhiên, ở thời điểm này không còn nhiều dư địa cho chính sách tài khóa do thâm hụt ngân sách cao và rủi ro nợ công tăng.

Vì thế, ông khuyến nghị, chính sách tiền tệ cần phải khơi thông được luồng tín dụng và xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, tỷ giá nên được linh hoạt để tăng khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế và tạo dư địa điều hành chính sách tiền tệ.

Tư Hoàng

tbktsg

Các tin tức khác

>   GDP tăng cao nhất 3 năm (26/09/2014)

>   Đến 2014, tái cơ cấu vẫn còn là kỳ vọng (26/09/2014)

>   ADB hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam 2014 và 2015 (25/09/2014)

>   ILO lý giải năng suất lao động Việt Nam ở nhóm kém nhất khu vực (24/09/2014)

>   ANZ: Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam quay đầu giảm (24/09/2014)

>   GDP Việt Nam có thể tăng tới 15% nếu FTA Việt Nam-EU được ký kết (24/09/2014)

>   CPI cả nước tăng cao nhất 7 tháng (24/09/2014)

>   Công trình “đội vốn” và gánh nặng nợ công (23/09/2014)

>   Tăng trưởng kinh tế Hà Nội, TP HCM cải thiện (23/09/2014)

>   Tái cơ cấu kinh tế: Vì sao 3 năm vẫn chậm? (23/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật