PTT Phạm Bình Minh: Việt Nam đẩy mạnh vai trò quốc tế thông qua ASEAN
Trao đổi với báo chí tại New York, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định, bức tranh thế giới hiện nay đang “tối nhiều hơn sáng”, và Việt Nam cần phát huy vị thế quốc tế của mình thông qua việc đẩy mạnh vai trò trung tâm của ASEAN.
PTT Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam tại New York ngày 27/9 (tức ngày 28/9 giờ Việt Nam).
|
Kết thúc tuần làm việc đầy căng thẳng với lịch dày đặc tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York, Mỹ, Phó Thủ tướng (PTT) Phạm Bình Minh đã dành thời gian trả lời phỏng vấn đại diện các cơ quan báo chí Việt Nam tại đây. Dân trí xin trích đăng nội dung cuộc phỏng vấn này.
Sau một tuần làm việc tại Liên Hợp Quốc, tham dự Đại Hội đồng khóa 69 và tiếp xúc với lãnh đạo nhiều quốc gia, PTT có nhận định như thế nào về tình hình thế giới và các tác động đối với Việt Nam hiện nay?
Các phát biểu cũng như các trao đổi xung quanh kỳ Đại Hội đồng năm nay toát lên một không khí rất phức tạp, trên rất nhiều khía cạnh. Thậm chí Tổng Thư ký LHQ nói dường như thế giới đang sụp đổ. Tình hình hiện nay là sự tổng hợp rất nhiều thách thức đang đặt ra, trong đó bao gồm kể cả những vấn đề an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống. Vấn đề truyền thống là các cuộc khủng hoảng, xung đột diễn ra nhiều nơi trên thế giới, khiến có ý kiến cho rằng dường như bản đồ thế giới đang bị vẽ lại. Tình hình bất ổn không chỉ xảy ra ở Trung Đông mà còn ở Iraq, Syria, châu Phi, và thậm chí ở cả những vùng trước đây được coi là ổn định, như châu Á – Thái Bình Dương. Ngay ở ta (Việt Nam - PV) cũng xảy ra vấn đề căng thẳng về chủ quyền. Vấn đề phi truyền thống rõ ràng nhất là dịch bệnh Ebola, theo phát biểu của một số nước thì Ebola có lẽ là hiểm họa lớn nhất và rất khó đối phó.
Bên cạnh đó là vấn đề biến đổi khí hậu, cũng là lý do năm nay vì sao có cuộc họp về biến đổi khí hậu, cho thấy vấn đề biến đổi khí hậu đang tác động rất mạnh mẽ đến các nước. Nạn khủng bố đang trở nên đặc biệt nghiêm trọng với tổ chức Nhà nước Hồi giao tự xưng (ISIS), mặc dù hoạt động chủ yếu đang ở Syria và Iraq, nhưng đe dọa an ninh khắp nơi trên thế giới. Nghiêm trọng hơn nữa là tổ chức này quy tụ những người tham gia đến từ khắp nơi nơi trên thế giới, đặc biệt là từ châu Âu và Mỹ. Còn điểm sáng là nền kinh tế thế giới đang bắt đầu phục hồi dù còn chậm. Hoạt động liên kết kinh tế giữa các nước, các khu vực đang cố gắng đi đến xóa bỏ các rào chắn cản trở thương mại. Như vậy bức tranh thế giới là vừa tối vừa sáng, nhưng khoảng tối đang lấn át.
Vậy vị trí của Việt Nam trong hệ thống quốc tế hiện tại đang ở đâu và tầm nhìn của Việt Nam ra sao trong giai đoạn tới, thưa ông?
Chúng ta chủ trương mở rộng, đa dạng hóa quan hệ với các nước, đưa quan hệ vào chiều sâu. Thứ 2 là chúng ta hội nhập quốc tế, nhưng xác định vai trò thúc đẩy vị trí của ASEAN, bởi nếu ASEAN mạnh lên thì chúng ta mạnh lên. Trên thế giới có lẽ ASEAN hiện nay có cấu trúc khá đặc biệt, đó là không chỉ có các hoạt động trong ASEAN với nhau mà còn có quan hệ đối tác với các nước lớn. Trên thế giới rất ít có những tổ chức khu vực và tiểu khu vực lại có việc hàng năm lãnh đạo các nước lớn đều có 1 lần đến họp với khu vực. Tại LHQ cũng vậy, hàng năm đều có các cuộc họp giữa LHQ với lãnh đạo các nước ASEAN. Còn về quân sự, cũng có sự hợp tác đặc biệt giữa ASEAN với các nước về quốc phòng.
Trong cuộc họp Mỹ - ASEAN vừa qua tại LHQ, phía Mỹ có đề cập sự quan tâm tới vấn đề Biển Đông, vậy chiến lược của Việt Nam là gì trong tăng cường hợp tác với Mỹ về vấn đề biển đảo?
Trong vấn đề Biển Đông không chỉ có sự lo ngại của các nước trong khu vực. Vị trí Biển Đông là khu vực giao thông đường biển quan trọng, lượng hàng hóa qua lại nhiều, tác động của Biển Đông trước hết là tới các nước trong khu vực nhưng nếu có vấn đề gì xảy ra thì sẽ tác động tới tất cả các nước khác. Trong ASEAN vấn đề Biển Đông đã được nêu từ lâu nhưng tùy vào từng thời điểm mà mức độ đề cập khác nhau. Tuy nhiên, gần đây vấn đề Biển Đông đã được đưa ra tại tất cả các hội nghị giữa ASEAN với các nước khác, trong đó có hội nghị Mỹ - ASEAN vừa qua. Mỹ đã đưa ra đề xuất 'Đông Kết', có thể hiểu là một phần của việc thực hiện DOC, cụ thể là điều 5: không làm phức tạp tình hình, không mở rộng đóng chiếm các đảo không người... Điều này cũng đã được nhấn mạnh trong Tuyên bố chung của ASEAN tại Myanmar tháng 8 vừa rồi.
PTT có thể cho biết về tiến độ của việc Việt Nam ứng cử vào các hội đồng của LHQ?
Việt Nam đang ứng cử vào Hội đồng Kinh tế Xã hội (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016 - 2018 và Hội đồng Bảo an (HĐBA) nhiệm kỳ 2020 - 2021. Chúng ta đã từng là thành viên của cả 2 hội đồng này trước đây, và trong thời gian đó đã có những đóng góp được ghi nhận. Giờ chúng ta ứng cử trở lại, đồng thời trước đó đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền với số phiếu rất cao. Trước đây chúng ta được bầu vào ECOSOC và HĐBA với số phiếu cũng rất cao, gần như tuyệt đối. Uy tín của Việt Nam, mối quan hệ của Việt Nam với các nước rất tốt nên được bạn bè ủng hộ, và trách nhiệm của chúng ta cũng được ghi nhận nên đang dành được sự ủng hộ lớn. Tất nhiên thời gian bỏ phiếu còn 2 - 3 năm nữa. Nhưng đến thời điểm hiện nay các nước ASEAN và nhiều nước khác đều thể hiện sự ủng hộ Việt Nam trong việc ứng cử.
Tôi cũng xin tiết lộ thêm thông tin rằng hiện nay ở HĐBA chúng ta là ứng cử viên duy nhất, còn tại ECOSOC số lượng ghế trống và số lượng ứng cử viên hiện nay là như nhau, đó cũng là những điều kiện thuận tợi. Mặt khác, tại tất cả các cuộc gặp giữa các cấp lãnh đạo của ta với các nước khác, hiện nay chúng ta đều đang tiếp tục vận động cho các vị trí nói trên.
Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề được quan tâm chính tại Đại Hội đồng lần này, đặc biệt là khi Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu được tổ chức bên lề Đại Hội đồng theo sáng kiến của Tổng Thư ký LHQ. PTT có thể cho biết sự quan tâm của thế giới này có tác động gì đối với Việt Nam trong công cuộc chống biến đổi khí hậu trong thời gian tới?
Cách đây mấy năm hội nghị chính thức về biến đổi khí hậu (COP 15) tại Copenhagen đã thất bại. Hội nghị lần này tại LHQ nhằm thúc đẩy các nước có cam kết mạnh hơn để đạt được mục tiêu sắp tới, khi COP 16 được tổ chức tại Paris năm 2015. Hội nghị lần này có kết quả đáng mừng là một số nước đã ra cam kết về chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là một số nền kinh tế lớn có cam kết giảm khí thải, đó là điểm mới. Việt Nam không phải nước gây phát thải lớn, nhưng lại chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu. Hiện nay chúng ta rất mong muốn hợp tác về chống biến đổi khí hậu, và ngược lại các nước cũng hỗ trợ nhiều cho chúng ta trong lĩnh vực này. Chúng ta luôn nhấn mạnh, biến đổi khí hậu gây tác động rất lớn tới việc sản xuất lương thực của Việt Nam, việc này không chỉ ảnh hưởng an ninh lương thực của chúng ta, mà còn tác động an ninh lương thực thế giới, vì Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn.
Xin cảm ơn Phó Thủ tướng.
Tuấn Anh
dân trí
|