Góc nhìn 30/09: Sau 600, thị trường sẽ khó giữ mốc 595?
Các chuyên gia tại các CTCK cho rằng với diễn biến chỉ số hiện tại, nhà đầu tư ngắn hạn khó có thể tìm kiếm lợi nhuận. Mặc dù theo CTCK KIS tín hiệu quá bán đã xuất hiện khá rõ nét, nhưng đâu đó một số chuyên gia cho rằng thị trường khó có thể giữ được mốc 595 điểm.
Tín hiệu quá bán đã xuất hiện khá rõ nét
CTCK KIS (KIS): Họat động bán ra tiếp tục đẩy mạnh về cuối phiên và tập trung ở nhóm bluechip khiến quá trình điều chỉnh của VN-Index chưa dừng lại. Chốt phiên đầu tuần, chỉ số này mở rộng biên độ giảm và chính thức mất ngưỡng 600, mức thấp nhất trong 8 tuần. Bất chấp các số liệu kinh tế vĩ mô 9 tháng đầu năm công bố khá tích cực, việc thiếu vắng các thông tin hỗ trợ mới cũng như dòng tiền đầu cơ thận trọng trở lại khiến triển vọng thị trường trong ngắn hạn còn khó khăn.
VN-Index sẽ vẫn còn vận động khó khăn quanh ngưỡng 600. Tuy nhiên, với phiên giảm điểm ngày hôm nay (29/09), tín hiệu quá bán đã xuất hiện khá rõ nét là điều kiện để thị trường có thể xuất hiện vài phiên phục hồi kĩ thuật. Nhà đầu tư lướt sóng cần tận dụng những nhịp hồi để giảm tỷ trọng cổ phiếu. Trong khi đó, định giá đang trở nên hấp dẫn ở nhiều mã có nền tảng tốt đang mở ra cơ hội để nhà đầu tư trung dài hạn duy trì chiến lược tích lũy.
Sẵn sàng bán nếu tín hiệu thị trường tiếp tục xấu đi
CTCK FPT (FPTS): Áp lực bán mạnh và khá quyết liệt vào thời điểm cuối phiên là dấu hiệu cho thấy quá trình hồi phục có thể sẽ chậm lại. Việc nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại bán ròng nhẹ cũng không ủng hộ cho kịch bản hồi phục sớm. Thị trường hiện tại đang có sự phân hóa khá rõ nét, dòng tiền chỉ tập trung vào số ít cổ phiếu hoặc nhóm ngành có thông tin hỗ trợ, trong khi những cổ phiếu còn lại chỉ biến động ở mức độ nhẹ. Chính vì vậy để kiếm được lợi nhuận trong giai đoạn này là khá khó khăn đối với các danh mục lướt sóng ngắn.
Nhà đầu tư ngắn hạn đã giải ngân theo tư vấn của FPTS trong khoảng 600 đến 605 điểm trong ngày 24/9 và 25/9 nên quan sát kỹ thị trường và sẵn sàng bán nếu tín hiệu thị trường tiếp tục xấu đi. Với nhà đầu tư dài hạn và thận trọng tiếp tục đứng ngoài quan sát chờ xu hướng ổn định và rõ ràng hơn.
Khó khăn để có lợi nhuận
CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS): Một lần nữa thị trường lại tiếp tục với kịch bản bị “đánh mạnh” vào cuối phiên giao dịch. Rõ ràng, với hàng chục phiên liên tiếp diễn ra cảnh sáng tăng và chiều giảm đang là dấu hỏi rất lớn và không thể cho rằng đó chỉ đơn thuần là hiện tượng chốt lời. Điều quan trọng là chỉ số VN-Index lại bị thủng mốc 600 điểm khi hàng loạt các trụ cột của sàn đều giảm điểm cho dù sự bùng nổ của cổ phiếu SSI và hàng loạt các mã chứng khoán. Nhiều khả năng với những áp lực kiểu này sẽ còn khiến cho thị trường có thêm những phiên giảm điểm nữa.
Việc vẫn có nhiều mã tăng mạnh cả về giá lẫn khối lượng giao dịch cho thấy nhà đầu tư vẫn thực hiện chiến lược mua đuổi giá. Đây chưa hẳn là biện pháp hay nhất bởi giai đoạn này vẫn thực sự khó khăn để có lợi nhuận. Nhìn chung nhiều mã vẫn đang rơi vào nhịp điều chỉnh và dường như nó chưa đến giai đoạn cân bằng nên vẫn có thể khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ. Đặc biệt những nhà đầu tư mua vào với mức đòn bẩy cao rất dễ dẫn tới áp lực phải bán ra.
Khó có thể giữ được mốc 595 điểm
CTCK SaigonBank Berjaya (SBBS): VNI-Index đột ngột giảm hơn 5 điểm xuống dưới mốc 600 điểm lúc đóng cửa và tạo ra cây nến đỏ dài trên đồ thị cho thấy áp lực bán vẫn rất mạnh. Dòng tiền rút ra khỏi thị trường thể hiện qua việc khối lượng khớp lệnh trên HOSE giảm 17.4% xuống 111 triệu đơn vị. Chỉ báo MACD cũng vẫn giảm xuống mức -3.13 và ủng hộ cho xu hướng giảm. RSI vẫn sụt giảm và tiến sát vùng quá bán cho thấy bên bán vẫn chiếm ưu thế so với bên mua.
Do đó, VNI-Index sẽ khó có thể giữ được mốc 595 điểm trong những phiên tới mặc dù đây là một hỗ trợ mạnh cho VNI-Index trong ngắn hạn. Hỗ trợ tiếp theo cho VNI-Index sẽ đặt ở khu vực 585 – 588 điểm, tương đương đường MA100. Theo các tín hiệu hiện tại, SBBS cho rằng các nhà đầu tư vẫn nên đứng ngoài thị trường và chờ tín hiệu rõ ràng trước khi mua.
Tiếp tục điều chỉnh
CTCK Kim Long (KLS): Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần chỉ số VNI-Index giảm 0.86% và chốt tại 599.78 điểm. Khối lượng chuyển nhượng thành công trên 127 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 2,756 tỷ đồng.
Theo phân tích kỹ thuật, hai cây nến đỏ liên tiếp mặc dù trước đó xuất hiện nến Hammer cho thấy áp lực bán vẫn đang gia tăng. Xu thế giảm ngắn hạn được duy trì, các chỉ báo nhanh đều cho thấy khả năng chỉ số sẽ tiếp tục điều chỉnh. MACD hướng xuống, Stochastic tê liệt tại vùng mua qua và bong bóng ADX mở rộng. Mức hỗ trợ gần nhất đối với chỉ số nằm tại 595 điểm, theo dự báo của KLS có thể VNI-Index sẽ kiểm nghiệm mức hỗ trợ này trong phiên giao dịch 30/09.
Tiếp tục xu thế giằng co đi ngang
CTCK Bảo Việt (BVS): Nhìn chung tâm lý thận trọng vẫn đang bao trùm thị trường sau những phiên điều chỉnh khá mạnh gần đây. Trong một xu thế tăng trung hạn thì những nhịp điều chỉnh ngắn hạn là cần thiết, tạo khoảng nghỉ cho các chỉ số cũng như thu hút thêm lực cầu từ phía nhà đầu tư.
Sau giai đoạn dẫn dắt của nhóm ngành dầu khí, thị trường hiện đang thiếu nhóm cổ phiếu mới có đủ thông tin hỗ trợ về mặt cơ bản để tiếp tục tạo hưng phấn cho thị trường. Nhóm ngành chứng khoán có mức tăng đột biến trong một vài phiên nhưng chưa đủ sức bền để khiến nhà đầu tư tin tưởng. Nếu không có nhóm ngành dẫn dắt mới, nhiều khả năng nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ sớm quay trở lại vai trò đầu tàu với điều kiện nhóm này cần phải có thêm giai đoạn điều chỉnh tích lũy để tạo mặt bằng giá mới, đủ sức hấp dẫn lực cầu quay trở lại.
Xu thế giằng co đi ngang của thị trường nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn trong một vài phiên tới. Nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ danh mục trung hạn nhưng cần linh hoạt hơn với danh mục ngắn hạn nhằm hạn chế rủi ro cũng như tối ưu hóa cho danh mục tổng thể.
Gia Nguyên tổng hợp
|