Đơn vị sự nghiệp công lập: Tự chủ để tồn tại
Các đơn vị sự nghiệp công lập phải có “ý thức” tự chủ để hưởng các ưu đãi của Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp nói chung.
Ngày 6/9, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã chủ trì cuộc họp xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 43/2006/NĐ-CP về đổi mới cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL).
Dự buổi làm việc còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội.
Điểm mới này được cập nhật tại dự thảo Nghị định, là sẽ phân loại mức độ tự chủ của các ĐVSNCL gồm: Tự đảm bảo chi thường xuyên; tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.
Đối với ĐVSNCL chưa giao quyền tự chủ sẽ có: Đơn vị chưa tự bảo đảm chi thường xuyên do giá, phí dịch vụ sự nghiệp chưa kết cấu đủ chi phí; các đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Đi kèm với từng loại ĐVSNCL tự chủ sẽ tương ứng với các “nấc, bậc” quyền tự quyết định về tài chính, tổ chức nhân sự, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ, theo hướng tự chủ cao bao nhiêu thì có nhiều quyền lợi bấy nhiêu.
Đơn cử, đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư phát triển thì được quyết định khoản thu, mức thu bảo đảm bù đắp chi phí hợp lý, có tích luỹ đối với dịch vụ không sử dụng ngân sách Nhà nước.
Với dịch vụ dùng NSNN thì được tự định mức giá cụ thể cho từng loại dịch vụ trong khung giá do Nhà nước quy định.
Hay các quyền lợi: bỏ “trần” mức trích Quỹ bổ sung thu nhập, được vay vốn tín dụng ưu đãi, NSNN tiếp tục bố trí vốn để thực hiện các dự án đầu tư dở dang có sử dụng vốn NSNN…
Còn với các đơn vị chưa tự chủ được thì mức độ tự quyết tài chính ít hơn, theo quy định hiện hành của pháp luật, mức chi đảm bảo không vượt quá quy định…
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, việc phân chia mức độ tự chủ sẽ phù hợp với từng mức độ, khả năng nguồn thu của ĐVSNCL. Bên cạnh đó, với việc giao nhiều quyền tự chủ sẽ khuyến khích các ĐVSNCL “vươn lên” tự chủ.
Tuy nhiên, để các ĐVSNCL chuyển nhanh sang tự chủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng “quan trọng nhất là các bộ, ngành phải liệt kê được danh mục dịch vụ công, giá dịch vụ công và lộ trình thực hiện”. Việc xây dựng và thực thi Nghị định mới cũng phải tạo ra sức ép để các bộ ngành thực hiện nhiệm vụ trên.
Góp ý vào những nội dung cụ thể, các bộ, ngành cho rằng cần giao tự chủ hoàn toàn cho ĐVSNCL quyết định lương và nhân sự. Hội đồng của đơn vị sẽ tham gia góp ý trước khi người đứng đầu quyết định. Đi kèm với đó, Nhà nước có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, tránh sai phạm ở ĐVSNCL.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ: “Yêu cầu của Nghị định mới này là khuyến khích và buộc ĐVSNCL phải đổi mới, tự chủ trong hoạt động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, chính quyền”.
Phó Thủ tướng đề nghị khi giao nhiều quyền tự chủ cho ĐVSNCL thì càng có nhiều quyền quyết định về tiền lương và thu nhập của người lao động, gắn với nâng cao năng suất, chất lượng dịch vụ công.
Xu hướng trên cũng tương ứng khi giao quyền tự quyết biên chế, nhân sự, nhưng đối với ĐVSNCL chưa được giao quyền tự chủ thì Nhà nước sẽ “quản lý cực chặt, không để biên chế cứ tăng mà năng suất ngày càng thấp”.
Dự kiến, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 43 sẽ được Chính phủ cho ý kiến tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9.
Thành Chung
chính phủ
|