Thứ Bảy, 06/09/2014 14:16

Công nghiệp hỗ trợ: Nguy cơ nhường "sân nhà"

Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của nước ta hiện còn rất manh mún, chưa sản xuất được sản phẩm đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao. Các DN CNHT đang rất cần vốn, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư máy móc thiết bị, ứng dụng công nghệ mới.

* Doanh nghiệp chê vốn ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ

* Gỡ rào cản công nghiệp hỗ trợ

Gian hàng trưng bày thiết bị sản xuất CNHT tại triển lãm
Vietnam Manufacturing Expo 2014 (Hà Nội).

Chỉ làm được các linh phụ kiện đơn giản

Trong một hội thảo gần đây về giải pháp tài chính và cơ sở hạ tầng cho ngành CNHT, các chuyên gia đã đưa ra đánh giá, dù có nhiều bước phát triển, nhưng CNHT nước ta vẫn đang ở trình độ thấp, mới chỉ làm được các linh phụ kiện đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị, công nghệ sản xuất lạc hậu. Nếu không được đầu tư để phát triển hơn, thì các DN CNHT trong nước đang đứng trước nguy cơ nhường lại “sân nhà” cho các DN CNHT thuộc khối FDI.

Thực tế, thời gian qua, chúng ta đã có một số chính sách để phát triển ngành CNHT. Tuy nhiên, đánh giá hiệu quả của những chính sách này, bà Đào Dung Anh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (BDV) cho biết, các ưu đãi đối với DN CNHT chưa đủ mạnh, chính sách hỗ trợ vay vốn chưa có nhiều khác biệt so với các DN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp khác, chưa kể đến trình tự thủ tục vay còn tương đối phức tạp, chưa phù hợp với điều kiện của các DN Việt Nam hiện nay.

Quy định tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ra ngày 24-2-2011 có nêu: “Dự án sản xuất sản phẩm CNHT được xem xét vay một phần vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo quy định hiện hành”. Để có thể xác định là Dự án sản xuất sản phẩm CNHT, chủ đầu tư cần trình qua Hội đồng thẩm định dự án phát triển CNHT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định (thủ tục này tương tự như đối với các dự án thuộc chương trình cơ khí trọng điểm; dự án công nghệ cao). Trên cơ sở đó, ngân hàng tiếp nhận, thẩm định dự án để cho vay theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo bà Đào Dung Anh, từ khi Quyết định được ban hành đến nay, DN CNHT trong nước vẫn chưa có dự án nào được thông qua Hội đồng thẩm định, mới chỉ có một dự án của DN FDI (dự án sản xuất linh kiện dán bề mặt SMD của Công ty TNHH Kyocera Việt Nam, đề nghị được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập DN).

Nói về những khó khăn của DN, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaxuki cho biết, DN muốn chuyển sang sản xuất, nội địa hóa ô tô để thoát khỏi tình trạng chỉ gia công, lắp ráp, nhưng cách này cần đến 5 năm thực hiện cho các khâu thiết kế, làm phụ tùng, thử nghiệm, hiệu chỉnh… 5 năm này DN sản xuất sẽ không thể có lãi, nhưng tín dụng ngân hàng chỉ đồng ý cho vay với điều kiện DN trong 3 năm liền trở lên có lãi. Chưa kể đến, làm CNHT hay bất cứ ngành nào cần vốn vay có thể lên đến 20 năm mà các ngân hàng chỉ cho vay 1-3 năm, như vậy DN chưa thể phục hồi để có tiền trả ngân hàng.

Cần nguồn quỹ lớn?

Theo kết quả nghiên cứu trên 1.000 DN của Trung tâm hỗ trợ DN vừa và nhỏ phía Bắc (TAC-HANOI), các chương trình hỗ trợ của Nhà nước được ban hành tương đối đầy đủ, tuy nhiên việc triển khai còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng đúng nhu cầu của DN, hoạt động trợ giúp DN vừa và nhỏ chưa có trọng tâm.

Để giải quyết được thực trạng này, theo ông Bùi Ngọc Huyên, Nhà nước cần thành lập ra quỹ hỗ trợ cho DN CNHT với tổng kinh phí lớn, dự án nào có hiệu quả thì cho vay tiền và yêu cầu làm luôn. Tại Việt Nam, quỹ hỗ trợ chỉ dành cho DN vừa và nhỏ, số vốn ít, trong khi nếu làm CNHT cho ngành ô tô thì số vốn lên tới hàng trăm tỉ, DN nước ta chưa đủ sức làm được.

Do đó, ông Huyên đề nghị, Nhà nước có thể nghiên cứu cách làm của các nước đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc… vay vốn của nước ngoài rồi bán trái phiếu cho ngân hàng, hạ lãi suất, tạo thành quỹ tín dụng cho DN vay. Điều này rất cần các cán bộ quản lý phải thực tế hơn, hiểu được tình hình đặc thù của từng DN để đưa ra phương án cụ thể, thỏa đáng cho DN đủ sức phát triển.

Về vấn đề này, ông Đặng Huy Đông- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện đang có nhiều chương trình về quỹ hỗ trợ phát triển cho DN vừa và nhỏ, quỹ này sẽ ưu tiên phát triển dịch vụ cung cấp tài chính, sẽ giải ngân vốn thông qua các ngân hàng thương mại. Cách làm này sẽ cung cấp một số dịch vụ hỗ trợ được thừa nhận, không bị coi là trợ giá khi DN tham gia XK, ví dụ như: đào tạo nguồn nhân lực, quản trị kinh doanh, xây dựng thương hiệu...

Hương Dịu

hải quan

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu giày dép ước đạt 6,69 tỷ USD (06/09/2014)

>   Thị trường thức ăn nhanh: Cơ hội nào cho DN nội? (06/09/2014)

>   Đề xuất phương án đầu tư mới cho Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (06/09/2014)

>   Lợi gì khi doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam? (06/09/2014)

>   Siêu dự án tỷ đô: Thành tích cao hay hội chứng ảo (06/09/2014)

>   SHTP hợp tác với tỉnh Shiga (Nhật) thu hút công nghiệp hỗ trợ (05/09/2014)

>   Dân thành thị giảm bớt la cà quán cà phê? (05/09/2014)

>   Ngành bán lẻ Việt Nam: 3 câu hỏi cốt lõi (05/09/2014)

>   Điện sản xuất và mua ngoài của EVN tăng hơn 10,4% trong 8 tháng (05/09/2014)

>   Công ty du lịch hàng đầu Australia đầu tư du lịch ở Việt Nam (05/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật