Đề xuất phương án đầu tư mới cho Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư mới cho Dự án Đường bộ cao tốc đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận.
Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương
|
Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một phần của tuyến đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ (gồm 3 đoạn TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ) có mục tiêu rút ngắn khoảng cách và thời gian lưu thông giữa trung tâm kinh tế TP.HCM với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó, đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài 40 km đã được đưa vào sử dụng từ tháng 2/2010, hai đoạn còn lại đang chuẩn bị xây dựng.
Trước đây, Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được giao cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) làm chủ đầu tư. Sau 2 năm không huy động được vốn, nên đơn vị này xin trả lại dự án. Sau đó, Dự án được giao cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM) làm chủ đầu tư.
Tính toán của Cửu Long CIPM (đơn vị nghiên cứu Dự án) cho thấy, hiện lưu lượng xe mỗi ngày trên tuyến Quốc lộ 1 từ Trung Lương đến Mỹ Thuận đã đạt 45.000 phương tiện quy đổi chuẩn và sẽ tăng lên 100.000 phương tiện quy đổi chuẩn vào năm 2030.
Đề xuất của Bộ GTVT gửi Chính phủ đề nghị chấp thuận chủ trương phân kỳ đầu tư Dự án, trước mắt triển khai Giai đoạn 1A, đầu tư đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy mô mặt cắt ngang rộng 12,5 m, gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe phụ và thực hiện đầu tư theo hình thức BOT; tổ chức thu phí trên đoạn tuyến thuộc Dự án trong 20 năm, đồng thời giao nhà đầu tư quyền thu phí đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương trong thời gian 15 năm 4 tháng (bắt đầu từ năm 2019) để hoàn vốn.
Được biết sau khi tiếp nhận lại Dự án từ Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV, Cửu Long CIPM đã nghiên cứu, cập nhật; kết quả nghiên cứu đầu tư đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận với tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới và 2 làn dừng khẩn cấp có tổng mức đầu tư chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng khoảng 24.600 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, do kinh phí đầu tư lớn, nên khả năng đầu tư toàn bộ Dự án theo hình thức BOT là không khả thi.
Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu giao thông, nhưng phải giảm kinh phí đầu tư, tăng mức hấp dẫn cho Dự án, Bộ GTVT đề nghị phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I, đầu tư với quy mô đường cao tốc 4 làn xe, chia thành 2 giai đoạn nhỏ là giai đoạn 1A - xây dựng quy mô nền đường bằng 1/2 quy mô giai đoạn I, đầu tư theo hình thức BOT, tiến độ hoàn thành vào năm 2018; giai đoạn 1B - mở rộng thành đường cao tốc 4 làn xe, sử dụng vốn vay ODA, tiến độ hoàn thành vào năm 2022. Giai đoạn II mở rộng tuyến đường lên quy mô 6 làn xe theo quy hoạch, mốc hoàn thành tùy theo tốc độ tăng trưởng phương tiện thực tế.
Ước tính, tổng mức đầu tư giai đoạn 1A là 17.150 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng thực hiện theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, kinh phí khoảng 2.435 tỷ đồng.
Thu Hiền
diễn đàn doanh nghiệp
|