“Điểm mặt” các đối tác FDI ưu tiên thu hút năm 2015
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2015 cần chú trọng xúc tiến đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các dự án đón đầu TPP.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi đến các bộ, ngành, địa phương bản “Hướng dẫn xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư năm 2015”.
Tại văn bản này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vạch ra kế hoạch thu hút các nhà đầu tư có chiến lược, định hướng mở rộng thị trường và đầu tư lớn sang khu vực và Việt Nam; cam kết, định hướng đầu tư lâu dài; đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, tạo thêm giá trị gia tăng, sử dụng nhiều lợi thế cạnh tranh của Việt Nam; góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam…
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư định hướng chú trọng vào các đối tác là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ và EU.
Riêng với Mỹ và EU, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Cần xây dựng chính sách xúc tiến riêng, tiếp cận các công ty tài chính, tư vấn quốc tế và hướng tới các tập đoàn đa quốc gia, hướng tới các ngành dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ tài chính, y tế, giáo dục…
Với đối tác Nhật Bản, cần thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác trong chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác với Nhật Bản hướng tới 2020 tầm nhìn 2030 trong 6 lĩnh vực (chế biến nông thủy sản, máy nông nghiệp, điện tử, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô, đóng tàu và công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng).
Với Hàn Quốc, tập trung vào các lĩnh vực điện tử, sản xuất cơ khí, năng lượng, công nghiệp nặng và thiết bị công nghiệp chế biến nông thủy sản.
“Riêng với lĩnh vực dệt may, để đón đầu Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA Việt Nam-Hàn Quốc, lựa chọn một số địa phương phù hợp để thu hút nhà đầu tư Hàn Quốc vào đầu tư trong lĩnh vực dệt, nhuộm…” – theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Với đối tác Đài Loan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Trong thời gian tới, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp bị tác động của các cuộc biểu tình vào tháng 5-2014.
Còn trong việc xúc tiến đầu tư ra nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư định hướng tiếp tục khuyến khích đầu tư ra nước ngoài đối với các địa bàn Lào, Campuchia, Myanmar, Nga…, từng bước mở rộng đầu tư sang các nước và thị trường mới như Mỹ La Tinh, Đông Âu, châu Phi dựa trên cơ sở lợi thế so sánh và thực lực của các thành phần kinh tế Việt Nam.
“Các hoạt động xúc tiến đầu tư ra nước ngoài phải đảm bảo có mục tiêu rõ ràng, cần thiết, có nội dung cụ thể, thiết thực, không phô trương mà đi vào chiều sâu, tác động đến nhiều doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài.” – Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu: Các bộ, UBND các tỉnh và thành phố căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hướng dẫn của Bộ Tài chính và điều kiện của bộ, ngành, địa phương mình, tiến hành xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2015 gửi báo cáo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15-9-2014.
Trước ngày 10-11-2014, các Bộ, ngành và địa phương tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, hoàn chỉnh Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2015 gửi lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
|
Lương Bằng
Hải Quan
|