Chủ Nhật, 07/09/2014 14:22

Cục trưởng Đường thủy nói gì vụ "tàu hơn 7 tỉ, bán giá sắt vụn"?

Dư luận có nhiều ý kiến băn khoăn về việc xác định trách nhiệm khi “lật lại” việc một dây chuyền phương tiện nạo vét đường thủy tại Đoạn Quản lý Đường thuỷ nội địa số 1 (trực thuộc Cục Đường thủy nội địa VN) năm 2006, có giá 7,18 tỉ đồng nhưng chủ yếu nằm đắp chiếu và vừa qua khi bán đấu giá chỉ thu được 562 triệu đồng.

* Mua tàu hơn 7 tỉ, bán giá sắt vụn

Dây chuyền tàu cuốc bị "đắp chiếu" trong suốt 8 năm

Càng làm càng lỗ

Năm 2006, Đoạn Quản lý ĐTNĐ số 1 (trụ sở tại tỉnh Phú Thọ) tiếp nhận dây chuyền tàu cuốc nạo vét gồm hai sà lan (SL-01 và SL-02), tàu trục thả phao, tàu lái, tàu cuốc có tổng trị giá 7,18 tỉ đồng, để phục vụ nạo vét luồng chạy tàu kết hợp với tận thu sản phẩm cát, sỏi trên sông Hồng, sông Đà thuộc tuyến Hải Phòng - Sơn La.

Thế nhưng, chỉ sau khi nhập được vài tháng, đơn vị này đành phải để nằm đắp chiếu vì máy móc cồng kềnh, chi phí nhiên liệu lớn, khiến cho “càng làm càng lỗ”. Vì thế, sau 8 năm, tại phiên đấu giá được tổ chức vừa qua, HTX vận tải CP Mùa Xuân (tỉnh Nam Định) đã trúng đấu giá với tổng số tiền 562 triệu đồng. Nguyên nhân do tất cả thiết bị trong dây chuyền đều đã bị hư hỏng nghiêm trọng và giảm giá trị rất nhiều. Ví dụ như phần máy của tàu lái không hoạt động được do hỏng trục cơ, xéc măng, piston, xi lanh bị mài mòn, hệ thống điện bị chập cháy.

Theo kết quả thẩm định giá trị tài sản này của đơn vị đánh giá độc lập hồi tháng 7/2014, sà lan SL-01 có nguyên giá khi bàn giao là 851,5 triệu đồng nhưng qua 8 năm đã khấu hao trên 798 triệu đồng và giá trị chỉ còn khoảng 53 triệu đồng. Sà lan SL- 02 nguyên giá 850 triệu đồng, khấu hao trên 797 triệu đồng và chỉ còn giá trị khoảng 53 triệu đồng.... Tàu cuốc được đầu tư ban đầu có máy sản xuất ở Trung Quốc, phần vỏ do Viện Khoa học công nghệ tàu thủy thiết kế - đóng mới năm 2006, có giá trị ban đầu gần trên 2,4 tỉ đồng nhưng đến thời điểm này đã khấu hao hết 2,3 tỉ đồng và giá trị còn lại chỉ gần… 154 triệu đồng.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Xuân Khơi – Giám đốc Đoạn Quản lý ĐTNĐ số 1 cho biết, thời điểm năm 2006 luồng chạy tàu trên tuyến nông nên được trang bị dây chuyền này sẽ rất có ích. Tuy nhiên, nguyên nhân dây chuyền bị "đắp chiếu" vì sau vài lần vận hành thử đã phải dừng lại do công suất máy lớn, chi phí nhiên liệu, vận hành nhiều khiến càng làm càng lỗ. Về lý thuyết tàu cuốc múc được sâu 3m, nhưng thực tế chỉ đào được 2,5m, khiến không có hiệu quả.

Thời gian đó, trong các cuộc họp giao ban của Cục ĐTNĐ Việt Nam, lãnh đạo Đoạn đều có báo cáo, cũng như có các văn bản xin được trả lại dây chuyền này nhưng không ai nhận. "Trước kia cũng có phương án chuyển phương tiện cho trường dạy nghề thuộc Cục, nhưng cũng không xong. Trả lại không được, dây chuyền phải nằm đắp chiếu, nhưng chúng tôi cũng không xin được đồng kinh phí bảo dưỡng, ngay cả tiền để mua bổ sung dây neo tàu cũng không có, khiến máy móc xuống cấp nhanh. Mấy lần tàu bị đứt dây neo nên trôi dạt, suýt đắm”, ông Khơi nói.

Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN nói gì?

Thời kỳ năm 2006, ông Trần Xuân Khơi chưa giữ chức Giám đốc Đoạn Quản lý ĐTNĐ số 1, nên ông cũng chưa rõ là dây chuyền tàu cuốc trên do đơn vị đề xuất xin hay được dự án cấp. Ông cho biết là Hội đồng cơ sở của đơn vị đã nhiều lần báo cáo lên Cục, Cục báo cáo lên Bộ GTVT và sau đó được Bộ GTVT phê duyệt đề xuất bán đấu giá dây chuyền này.

Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông về việc vì sao không bán đấu giá sớm hơn để giảm thiệt hại cho Nhà nước, ông Trần Văn Cừu - Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam (thời gian đó chưa giữ chức Cục trưởng) cho biết, dây chuyền này nằm trong dự án nâng cấp tuyến đường thủy nội địa Hải Phòng - Sơn La, thuộc dự án nguồn vốn trong nước, do Đoạn Quản lý ĐTNĐ số 1 xin cấp. Hiện đơn vị này đang làm các thủ tục để chuyển sang công ty cổ phần nên cần thanh lý dây chuyền này.

“Phương tiện được đóng mới nên lỗi là của “ông” thiết kế. Hồi đó chỉ sau khi thi công thử đã thấy không hiệu quả, dây chuyền phải đắp chiếu, nhưng không ai dám đề xuất thanh lý vì tâm lý ai cũng sợ”, ông Cừu nói.

Ông cũng cũng cho biết, quá trình giải quyết việc này đều xin ý kiến Bộ GTVT và các khâu thanh lý được thực hiện theo đúng thủ tục, trình tự quy định, đảm bảo sự minh bạch, khách quan (tư vấn đấu giá, thẩm định độc lập, công khai…).

Ông Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng cho rằng, việc đề xuất của đơn vị về việc trang bị thiết bị nạo vét luồng chạy tàu kết hợp tận thu khoáng sản thời kỳ đó không có gì sai, vì đây đang là hình thức phổ biến trên toàn quốc, mà lỗi đầu tiên là do thiết kế phương tiện không phù hợp. Đây cũng là đơn vị duy nhất được trang bị tàu nạo vét thuộc dự án nâng cấp tuyến đường thủy Hải Phòng - Sơn La.

Huy Lộc

giao thông vận tải

Các tin tức khác

>   Đơn vị sự nghiệp công lập: Tự chủ để tồn tại (07/09/2014)

>   Vietjet mở đường bay thẳng đến Viễn Đông (07/09/2014)

>   “Điểm mặt” các đối tác FDI ưu tiên thu hút năm 2015 (07/09/2014)

>   Mua tàu hơn 7 tỉ, bán giá sắt vụn (06/09/2014)

>   Sân bay Long Thành trông đợi vào ngân sách nhà nước (06/09/2014)

>   Giao thông, ngân hàng đầu bảng về cải cách hành chính (06/09/2014)

>   Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 13,65 tỷ USD (06/09/2014)

>   Công nghiệp hỗ trợ: Nguy cơ nhường "sân nhà" (06/09/2014)

>   Xuất khẩu giày dép ước đạt 6,69 tỷ USD (06/09/2014)

>   Thị trường thức ăn nhanh: Cơ hội nào cho DN nội? (06/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật