Từ 07/08, cảng Cát Lái giảm phí
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Gặp vướng mắc, doanh nghiệp hãy gọi vào đường dây nóng của Bộ GTVT để chúng tôi giải quyết.
“Cảng Cát Lái thu phí lũy tiến nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) lấy hàng nhanh để kéo giảm ách tắc trong cảng. Nhưng để chia sẻ khó khăn với các DN, chúng tôi quyết định từ ngày 6-8 sẽ điều chỉnh lại mức phí như cũ”. Ông Ngô Minh Thuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, cam kết như thế tại buổi đối thoại trực tuyến với DN vận tải biển, cảng biển do Bộ GTVT tổ chức ở các đầu cầu Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ ngày 5-8.
Gỡ khó cho DN
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tiếp tục kiến nghị cảng Cát Lái xem lại việc tăng phí đối với container hàng khô, hàng lạnh… được áp dụng từ giữa tháng 7 (Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh). Theo yêu cầu của ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Thuấn đứng dậy nêu: “Kể từ 7 giờ ngày 6-8, biểu phí ở cảng sẽ trở về mức như trước ngày 15-7”.
Các hãng tàu biển nước ngoài đang không ngừng o ép chủ hàng Việt Nam.
|
Đại diện VASEP cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét việc các hãng tàu đặt, thu nhiều loại phụ phí “đè” DN, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Cục Hàng hải Việt Nam giải thích lâu nay các chủ hàng Việt Nam thường chọn hình thức bán hàng theo điều kiện FOB (giao hàng trên tàu), FCA (giao cho người vận tải) và nhập hàng theo điều kiện CIF, CFR (tiền hàng gồm cước vận chuyển) nên quyền chọn hãng tàu thuộc về đối tác nước ngoài. Do không chủ động quyền thuê tàu nên chủ hàng Việt Nam bị áp đặt giá, phụ phí, dẫn tới vừa bị thiệt trên hợp đồng, lại gánh chịu thêm các loại phụ phí bất hợp lý cho người thuê tàu.
“Bức xúc nhất hiện nay là phí, phụ phí hàng hải mà các hãng tàu nước ngoài áp dụng đối với chủ hàng Việt Nam. Gần đây chính phủ Sri Lanka đã cấm hãng tàu thu phụ phí mà gom hết tính vào giá cước. Đề nghị Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng hiệp hội chủ hàng nghiên cứu, có quy định cấm hãng tàu đặt ra hàng loạt phụ phí mà phải chuyển vào giá cước” - đại diện Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam kiến nghị.
Tàu đông nhưng chủ yếu ở “ao nhà”
Về phát triển kinh tế biển, ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho hay thời gian qua Nhà nước đầu tư rất nhiều nguồn lực nhưng kết quả đạt được còn rất hạn chế. Dù mỗi năm sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng trưởng 10%-15% nhưng các cảng biển vẫn chưa phát triển hết tiềm năng. Có nơi thừa nhưng có nơi thiếu cảng.
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, Việt Nam có 1.700 tàu biển nhưng chỉ khoảng 400 tàu chạy tuyến quốc tế chở hàng hóa xuất nhập khẩu. Hầu hết các tàu này chỉ hoạt động trong khu vực Đông Nam Á, số tàu hàng đi đến châu Mỹ, châu Âu còn rất ít. Điểm hạn chế lớn là đội tàu này dù tăng mạnh về trọng tải nhưng lại thiếu tàu chuyên dùng, tàu trọng tải lớn.
“Do tàu chuyên dụng (khoảng 170 chiếc), tàu container (28 tàu) chiếm tỉ lệ rất nhỏ nên về thị phần vận tải biển Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10%-12% sản lượng xuất nhập khẩu” - ông Công đánh giá.
Tuy vậy, ông Đỗ Quốc Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC), phản ánh: “Tàu Việt Nam muốn hoạt động ở một số nước phải “xin” ý kiến của các chủ tàu nước sở tại. Nếu nước họ có chiếc tương tự thì hiệp hội chủ tàu của họ sẽ phản ứng và tàu Việt Nam không được cấp phép hoạt động. Trong khi ngược lại, Việt Nam lại dễ dàng cho đội tàu nước ngoài tham gia và tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt với đội tàu trong nước.
“Do vậy Việt Nam cần có những yêu cầu, quy định ràng buộc cụ thể khi tàu nước ngoài vào Việt Nam hoạt động nhằm tạo điều kiện phát triển đội tàu trong nước” - ông Hoàn đề xuất.
M.Phong - T.Văn
Mệt mỏi vì phải tiếp nhiều đoàn kiểm tra
Nhiều DN phản ánh tình trạng có quá nhiều lực lượng “hỏi thăm” tàu chở hàng sau khi xuất bến khiến họ rất mệt mỏi. “Khi xuất bến, các tàu hàng đều được cảng vụ, biên phòng kiểm tra đầy đủ nhưng khi đi ra hết vùng cửa biển thì lại tiếp tục phải dừng lại để “tiếp” vài đoàn kiểm tra của lực lượng biên phòng, cảnh sát biển. Họ hạch sách đủ điều, thậm chí gợi ý phải cho tiền, nếu không sẽ bị xử phạt vài triệu đồng mỗi lỗi, trong đó có những lỗi rất nhỏ” - ông Uông Sỹ Dũng, Giám đốc Công ty Vận tải biển Bình Dương, nói.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cam kết sẽ có văn bản chính thức gửi các bộ, ngành liên quan để giải quyết ngay các vấn đề DN phản ánh. “Cơ quan quản lý nhà nước phải tạo điều kiện để DN hoạt động tốt nhất. Các DN nếu có vướng mắc gì thì có thể gọi trực tiếp tới đường dây nóng của Bộ GTVT để chúng tôi kịp thời giải quyết” - ông Thăng nói.
Bộ GTVT sẽ rà soát chiến lược phát triển cảng biển, tàu biển của cả nước để có điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp; đồng thời kiến nghị Thủ tướng tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt kết nối cảng biển để nâng chất lượng dịch vụ logistics, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN.
Ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT
Hiện một số chủ tàu phải dừng hoạt động do thiếu vốn. Khó khăn như thế nhưng mới đây lại vừa có thông tư liên bộ về việc tăng phí hàng hải. Chúng tôi kiến nghị chưa nên tăng phí và lệ phí hàng hải vào lúc này.
Ông Đỗ Xuân Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ tàu biển Việt Nam
|
Pháp luật TPHCM
|