Oằn lưng cõng phí...
Nền kinh tế đang khó khăn, doanh nghiệp đang chật vật chèo lái để có vốn rồi lại để có thể xoay vòng vốn, cạnh tranh, tìm kiếm thị trường…, nhằm tồn tại "qua bão”. Song không chỉ vất vả như vậy, nhiều DN còn than thở, kinh doanh quá khắc nghiệt, gánh nặng thường trực nhất chính là hàng loạt thứ phí được DN vận tải biển "đẻ” ra buộc DN xuất nhập khẩu hàng hóa oằn lưng gồng gánh.
Hiệp hội Da giày Việt Nam cho hay, phụ phí mỗi năm mà DN xuất khẩu da giày phải trả lên đến 110 triệu USD, tương đương 2.300 tỷ đồng. Riêng mặt hàng thủy sản, mỗi cân cá cân tôm phải chịu gần 10 loại phí khác nhau trước khi lên tàu đi các thị trường.
Theo đó, hàng hóa xuất nhập khẩu phải đóng phí dịch vụ container, cân bằng container, vệ sinh container, hóa đơn chứng từ, lưu kho bãi, cầu đường… Trước tình trạng tràn lan phụ phí "đóng dấu” lên hàng hóa phần nào đó giảm thiểu sức đề kháng của DN. Một DN từng phân trần, kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu hoàn toàn không đơn giản vì để xuất hoặc nhập hàng DN phải chi hàng loạt phụ phí. Đó là chưa kể những phí không tên khác.
Không chỉ oằn lưng cõng quá nhiều thứ phí vô tội vạ, DN còn phải chạy theo thời giá một cách chóng mặt. Nếu như vài năm trước, có loại phí chỉ 100 ngàn đồng/bộ chứng từ thì nay con số này "nhảy cóc” để tăng lên đến 10 lần. Thậm chí, năm 2014 các loại phí đã tăng 20 - 30% so với năm 2013. Đặc biệt, những năm gần đây cước vận tải biển của Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực như Philippines, Thái Lan, Indonesia…
Thực tế cho thấy, phụ phí đang tỷ lệ nghịch với lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của DN. Nghĩa là phí càng tăng thì lợi nhuận của DN ngày càng giảm, khả năng cạnh tranh trên thương trường sa sút là điều dễ hiểu. Bởi, phụ phí quá nhiều sẽ nằm ngoài sức chịu đựng của DN, đến một mức nào đó DN phải tăng giá thành. Tuy nhiên, tăng giá thành sản phẩm đồng nghĩa với việc giảm tính cạch tranh so với những sản phẩm của các nước khác.
Trước đây, khi vận tải biển chưa phát triển mạnh, mọi loại giá đều phải đăng ký với cơ quan chức năng. Sau này vấn đề này cứ bỏ ngỏ dần, đến nay DN vận tải biển có thói quen "đẻ” ra phí mặc cho khó khăn đến với DN xuất nhập khẩu hàng hóa. Còn nhớ trước đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã từng ký công văn yêu cầu các bộ ngành kiểm tra và giải quyết phụ phí. Nhưng xem ra đến thời điểm này tình hình vẫn không khá hơn và DN vẫn phải oằn mình cõng phí. Thiết nghĩ, thu phí đối với hàng hóa là không thể không có nhưng cần phải xem xét và đưa ra mức chừng mực nào, tránh tình trạng "đẻ” tràn lan nhiều thứ phí vô lý.
Thanh Giang
Đại đoàn kết
|