Thứ Ba, 19/08/2014 14:25

Để phim truyền hình Việt Nam vươn ra khỏi lãnh thổ

Nhiều dự án hợp tác sản xuất phim truyền hình với nước ngoài đang được các nhà làm phim trong nước khởi động với hy vọng sẽ đưa phim truyền hình Việt vươn ra khỏi lãnh thổ.

Tất cả các khâu đều thiếu chuyên nghiệp

Từng có thời kỳ, phim truyền hình Việt được sản xuất theo kiểu “đếm tập ăn tiền” với những bộ phim kéo dài lê thê, chỉ hai ngày là làm xong một tập phim truyền hình, thậm chí, phim vừa chiếu vừa quay. Đánh giá về cách làm phim truyền hình này, đạo diễn Đỗ Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình- VFC (Đài truyền hình Việt Nam) thẳng thắn: "Trước hết đó là sự thiếu chuyên nghiệp trong tất cả các khâu".

Những bộ phim hợp tác sản xuất góp phần nâng cao chất lượng phim truyền hình Việt Nam

Quy định tỉ lệ 30% phim Việt và quy định giờ Vàng trên sóng truyền hình đã khiến số lượng phim truyền hình Việt “nở rộ”. Nhưng do chất lượng chưa được tương xứng với chữ “Vàng” đã khiến khán giả quay lưng với phim truyền hình trong nước. Tuy nhiên, khi có những bộ phim chạm được đến thị hiếu của khán giả, được sản xuất kỹ lưỡng, chú trọng từ trang phục, đến hình ảnh, âm thanh… thì phim truyền hình Việt vẫn nhận được sự ủng hộ, đón nhận từ khán giả.

Với mong muốn lấy lại tình cảm của khán giả đối với phim truyền hình trong nước, Đài Truyền hình Việt Nam đã quyết tâm tìm giải pháp nâng cao chất lượng phim truyền hình, trong đó có việc hợp tác làm phim với nước ngoài.

Đến thời điểm này, những dự án hợp tác sản xuất phim với nước ngoài bước đầu đã tạo được cách làm việc chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng các bộ phim truyền hình Việt và đặc biệt hơn cả, là cơ hội đưa phim truyền hình Việt Nam ra nước ngoài.

Có thể kể đến dự án hợp tác làm phim “Người cộng sự” giữa Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài truyền hình Nhật Bản (TBS). Dù mới chỉ dừng lại ở một tập phim nhưng “Người cộng sự” được coi là bước đi đầu tiên tiếp cận với thị trường phim truyền hình nước ngoài.

Nhưng khi vừa được bắt tay thực hiện, các nhà làm phim Việt Nam đã lộ rõ những điểm yếu. “Vấn đề của phim truyền hình Việt Nam không hẳn là thiếu kinh phí mà ở chính việc thiếu kỹ năng làm phim. Khi chúng ta đã có nguồn kinh phí lớn, thì cũng cần một đội ngũ có khả năng sản xuất ra bộ phim đảm bảo chất lượng tương xứng với số kinh phí ấy"- đạo diễn Đỗ Thanh Hải nhận định.

Ngoài ra, theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, thực tế làm phim cho thấy: "Chúng ta đang rất thiếu nhà sản xuất phim truyền hình chuyên nghiệp. Bởi họ là những người biết cách tìm kiếm nguồn đầu tư, nắm rõ thị hiếu của khán giả. Hơn nữa, chính nhà sản xuất sẽ là những người vừa biết bảo vệ quan điểm sáng tác của đạo diễn, vừa biết điều phối cắt hoặc thêm cảnh phim hợp lý, hấp dẫn".

Đạo diễn Hàn Quốc Chee Kong Cheah- tại một cuộc hội thảo nâng cao chất lượng làm phim truyền hình Việt Nam đã từng chia sẻ: “Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc là những quốc gia xuất khẩu phim truyền hình mạnh vì họ có khâu tổ chức sản xuất mang tính quốc tế. Các bạn có thể học hỏi kinh nghiệm làm phim của các nước trên thế giới bằng cách mua bản quyền, kết hợp làm phim giữa nước ngoài và Việt Nam. Không thể có chuyện quay 1 hay 2 ngày xong một tập phim".

Hợp tác với những quốc gia mạnh về xuất khẩu phim truyền hình là một trong những giải pháp được cho là đúng đắn trong thời điểm này để góp phần nâng cao chất lượng phim truyền hình Việt, tiến tới xuất khẩu phim truyền hình Việt Nam ra thế giới.

Quảng bá Việt Nam ra thế giới

Ông Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam khẳng định: “Chiến lược của VTV là nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình, chinh phục khán giả Việt Nam, đối tác và tiến tới chinh phục thị trường thế giới, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua phim truyền hình”.

Trở lại với dự án hợp tác đầu tiên, “Người cộng sự”, vượt qua những trở ngại như ngôn ngữ, địa lý… bộ phim được hoàn thành với cảnh quay đẹp như phim điện ảnh. Phim cũng được phát sóng trên Đài truyền hình Nhật Bản giúp cho việc quảng bá hình ảnh, con người, lịch sử, đất nước Việt Nam tới được với nhân dân Nhật Bản. Tuy nhiên, bộ phim chưa đến được với nước thứ ba, một phần không có chiến lược quảng bá, một phần bộ phim mang yếu tố lịch sử và chú trọng làm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Để phim Việt đi xa hơn nữa, VTV tiếp tục hợp tác với quốc gia số 1 châu Á trong việc quảng bá văn hóa qua phim truyền hình. Có thể nói, nhân tố đầu tiên đưa văn hóa Hàn Quốc trở nên nổi tiếng và phổ cập tại châu Á chính là những bộ phim truyền hình của xứ sở Kim Chi. Một dự án hợp tác làm phim giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đang được khởi động.

Bộ phim “Tuổi thanh xuân” sẽ được quay tại hai nước Việt Nam và Hàn Quốc với thời gian dự kiến khoảng 6 tháng. Để đảm bảo chất lượng hình ảnh, âm thanh cao nhất, VFC sẽ cử chuyên gia dựng phim, âm thanh sang Seoul để làm công tác hậu kỳ, ứng dụng những công nghệ làm phim chuyên nghiệp cho bộ phim này.

Đây là dự án được kỳ vọng sẽ đưa phim Việt Nam vượt ra khỏi lãnh thổ, bởi sau khi phát sóng ở Việt Nam và Hàn Quốc, phim sẽ được phát sóng tại một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là phát sóng tại Mỹ thông qua kênh M Channel của CJ.

Nhận xét về phim truyền hình Việt Nam, đại diện công ty CJ E&M khẳng định: “Thị trường phim truyền hình Việt Nam rất sáng sủa. Qua khảo sát, xem trường quay và các công tác sản xuất phim truyền hình của Việt Nam, tôi thấy Đài THVN rất có khả năng phát triển. Việc cần thiết là sản xuất thêm nhiều chương trình truyền hình có chất lượng. Từ kinh nghiệm hợp tác của CJ E&M với Trung Quốc, cũng như sở hữu kênh truyền hình có tỉ lệ người theo dõi rất cao tại châu Âu, châu Mỹ, chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam hết sức có thể để sản xuất ra các chương trình truyền hình, các bộ phim truyền hình có tỉ lệ người theo dõi cao”.

Còn quá sớm để khẳng định phim truyền hình Việt sẽ vươn ra thị trường quốc tế từ dự án hợp tác đầu tiên giữa Việt Nam và Hàn Quốc, song, với nền tảng là quốc gia sở hữu những bộ phim được cả châu Á hâm mộ, cộng với lợi thế CJ E&M sở hữu kênh truyền hình phát sóng trên toàn thế giới, có hơn 7 triệu người theo dõi tại Mỹ thì chúng ta có quyền kỳ vọng, phim truyền hình Việt sẽ có bước đệm để vươn xa.

Dạ Minh

tổ quốc

Các tin tức khác

>   "Bắt tay" tăng tỷ lệ nội địa hóa: Sau hai năm, thành quả vẫn khiêm tốn (19/08/2014)

>   Ứng dụng di động: Cuộc đổ bộ của ngoại binh (19/08/2014)

>   Thất thu hàng trăm tỷ đồng vì “độc chiêu” né thuế của thép Trung Quốc (19/08/2014)

>   Đàm phán cấp Trưởng đoàn Hiệp định TPP tại Hà Nội (19/08/2014)

>   Đàm phán về dệt may trong TPP: Nhiều ẩn số (19/08/2014)

>   Thông tư hạn chế nhập máy cũ: DN đã cảnh báo, Bộ không tiếp thu (19/08/2014)

>   Xây dựng thông tư mới về Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam (18/08/2014)

>   Sẽ thành lập sàn giao dịch cá tra tại châu Âu (18/08/2014)

>   HAGL đưa gần 7.000 lao động sang Lào làm việc (18/08/2014)

>   Vì sao Tổng Công ty Đường sắt bị tước dự án ODA? (18/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật