Thất thu hàng trăm tỷ đồng vì “độc chiêu” né thuế của thép Trung Quốc
Chỉ cần chế thêm 0,0008% vi lượng Boron vào thành phần thép dây thông thường, các tài phiệt thép từ bên kia biên giới đã có thể xuất khẩu ồ ạt thành phẩm có tên gọi mới là thép hợp kim vào thị trường Việt Nam mà không mất đồng thuế nhập khẩu nào. “Độc chiêu” này khiến các nhà sản xuất nội địa chao đảo.
Theo quy định của biểu thuế xuất nhập khẩu Việt Nam thì thép xây dựng (không phải là thép hợp kim) nhập khẩu vào nội địa (mã kê khai hải quan là 7213, 7214) phải chịu mức thuế suất từ 12-15%. Trong khi đó, thép hợp kim (mã 7227) được hưởng thuế suất 0% theo cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA).
Chỉ cần cho thêm 0,0008% vi lượng Boron, thép xây dựng Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam từ mức thuế suất 12-15% sẽ lập tức không còn phải chịu thuế
|
Chớp cơ hội này, các nhà sản xuất thép Trung Quốc nghĩ ra “độc chiêu”: thêm thành phần Boron với hàm lượng chỉ 0,0008% trở lên để thép dây Trung Quốc được coi là thép hợp kim và được nhập khẩu vào Việt Nam trà trộn với thép xây dựng. Từ năm 2009 đến nay, thép dây chứa vi lượng Boron xuất xứ Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Việt Nam gia tăng với tốc độ chóng mặt.
Ngân sách thất thu hàng trăm tỷ đồng
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính tới 31/12/2013, Việt Nam đã nhập 12,727 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá hơn 8,064 tỷ USD, tăng 8,78% về sản lượng và tăng 0,17% về giá trị nhập khẩu so với năm 2012. Tuy nhiên, trong khi lượng nhập của một số sản phẩm có giảm nhẹ thì loại thép hợp kim có chứa Boron lại nhập khẩu mạnh vào thị trường trong nước.
Tính đến hết năm 2013, có gần 550.000 tấn thép cuộn xây dựng của Trung Quốc trá hình dưới dạng thép hợp kim có chứa vi lượng Boron nhập khẩu vào Việt Nam và được hưởng thuế suất 0%. Một lãnh đạo VSA ước tính, riêng với số thép trên, ngân sách nhà nước đã thất thu hơn 320 tỷ đồng (550.000 tấn x 550 USD/tấn x 5% x 21.200 đồng/USD).
Theo cảnh báo của các chuyên gia, ngoài mặt hàng thép dây, trong những năm tới khi có sự khác biệt về thuế suất giữa các mặt hàng thép hợp kim và thép phi hợp kim khác thì ống thép hợp kim cũng có khả năng bị gian lận thương mại tương tự như mặt hàng thép dây theo hướng kê khai sang mã hàng thép hợp kim để được hưởng thuế suất 0%.
Không chỉ vậy, với cam kết trong ACFTA, Việt Nam phải đưa thuế suất mặt hàng phôi để sản xuất thép cuộn (cacbon<0,25%) giảm về 0% vào năm 2018. Tuy nhiên, mặt hàng phôi để sản xuất thép cây (cacbon>0,25%) sẽ chỉ giảm về ≤5% vào năm 2020. Sự chênh lệch giữa mức thuế suất nhập khẩu này rất có thể lại bị các doanh nghiệp nhập khẩu phôi thép Trung Quốc lợi dụng để thực hiện hành vi gian lận thương mại: nhập khẩu phôi để sản xuất thép cây nhưng kê khai là nhập khẩu phôi để sản xuất thép cuộn để hưởng thuế suất 0%.
Cam go cuộc chiến chống lại “gã khổng lồ”
Không riêng đối với thép xây dựng, nguồn tin từ VSA còn cho hay, gian lận thương mại cũng đang xảy ra đối với mặt hàng tôn mạ kẽm. Theo đó, cùng một mặt hàng tôn mạ nhưng với mặt hàng tôn mạ dùng phương pháp mạ điện phân được hưởng thuế suất tốt hơn so với hàng dùng phương pháp mạ khác.
Ví dụ như trong biểu thuế ACFTA, mã 7210.30.99 dùng phương pháp điện phân thuế suất 5%, nhưng cũng loại mặt hàng tương tự như vậy mã 7210.49.12 dùng phương pháp mạ khác thì thuế suất là 15%. Nhà xuất khẩu Trung Quốc chỉ cần kê khai lại phương pháp mạ, tráng tôn là đã có thể ung dung hưởng mức thuế suất tốt hơn.
Trong một báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA thừa nhận việc thép nhập khẩu giá rẻ Trung Quốc tràn vào ngày càng nhiều đang tạo nên sức ép nghiêm trọng đối với các nhà sản xuất nội địa. Nhiều đơn vị phải giảm sản lượng, sản xuất cầm chừng, thậm chí một vài doanh nghiệp đã phải đóng cửa hoặc chỉ sản xuất được 40-50% công suất, càng làm tăng chi phí cố định lên mỗi tấn sản phẩm, lại càng khó cạnh tranh được với thép Trung Quốc.
Số liệu từ VSA cho thấy, trong năm 2013 các doanh nghiệp thuộc VSA sản xuất được 4,622 triệu tấn thép và tiêu thụ 4,585 triệu tấn. Như vậy, sản lượng của cả Hiệp hội này chỉ nhỉnh hơn khoảng 1/3 của con số 12,727 triệu tấn sắt thép nhập khẩu như đã nói ở trên và thị trường thép nhập siêu tới hơn 5,6 tỷ USD. Trớ trêu là trong khi đó, hàng loạt nhà máy, xí nghiệp vẫn dư thừa công suất, hết sức lãng phí.
Riêng mặt hàng phôi thép, theo VSA, trong nước có khoảng 13 doanh nghiệp sản xuất bằng công nghệ lò cao, năng lực lên đến 3,3 triệu tấn, nhưng sản lượng sản xuất trong năm 2013 chỉ hơn 500.000 tấn, bằng 15-20% công suất. Sản phẩm chủ lực của ngành thép là thép thanh, thép cuộn với khoảng 30 doanh nghiệp cán thép, tổng năng lực sản xuất là 9,3 triệu tấn, nhưng tổng sản lượng sản xuất thực tế thép thanh và thép cuộn xây dựng của cả nước chỉ đạt 5,019 triệu tấn trong năm 2012 (bằng 54% công suất) và đạt 5,069 triệu tấn trong năm 2013 (55%).
Trung Quốc hiện là nước đứng đầu danh sách các nhà xuất khẩu thép thế giới, với khoảng 61,5 triệu tấn/năm. Năm 2013, trong khi sản lượng tại hầu hết các vùng trên thế giới đều giảm thì sản lượng sản xuất của Trung Quốc vẫn gia tăng tới 779 triệu tấn, chiếm gần một nửa sản lượng sản xuất thép trên thế giới. Tồn tại ngay bên cạnh một “gã khổng lồ” như vậy trong sân chơi thương mại tự do hoàn toàn không đơn giản. Trong khi đó, nhiều quy định nội tại dường như lại đang “tiếp tay” cho thép nhập. Pháp luật Việt Nam sẽ trở lại vấn đề này.
Đức Sơn
pháp luật Việt Nam
|