Mối lo khi ra “sân chơi lớn”
Tham gia sân chơi hội nhập, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP), FTA Việt Nam - Liên minh thuế quan Nga, Kazakhstan, Belarus…, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội lớn về thương mại, đầu tư… song cũng đứng trước nhiều thách thức, áp lực lớn khiến các doanh nghiệp buộc phải nâng cao cao năng lực cạnh tranh.
Cụ thể với các DN dệt may, giày da sẽ gặp nhiều thách thức khi hiệp định này hình thành và có hiệu lực. Khó khăn lớn nhất các DN dệt may phải đối mặt chính là nguồn nguyên liệu nội địa cung cấp cho dệt may, vì nguyên liệu bông trong nước hiện nay chỉ cung cấp được từ 1-3% cho sản xuất sợi. Còn nguyên liệu vải chỉ cung cấp được từ 20-25% cho ngành may nội địa và xuất khẩu. Tương tự, các DN da giày cũng đang "rối như tơ vò” vì yêu cầu khi tham gia TPP, phải đáp ứng được điều kiện chặt chẽ về chứng minh lô hàng xuất khẩu có xuất xứ nguyên liệu, phụ liệu được sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước thành viên TPP. Trong khi đó ngành da giày cũng đang phải nhập tới 70% nguyên phụ liệu sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu.
Với ngành thép, tuy không phải lo lắng về chứng minh xuất xứ nguyên phụ liệu… giống như các DN xuất khẩu da giày, dệt may, song hội nhập cũng khiến ngành này buộc phải cạnh tranh lớn. Đặc biệt, khi Việt Nam đàm phán thành công Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan (VCUTFA), DN nước ngoài được hưởng thuế suất bằng 0% sẽ là cơ hội để thép ngoại ồ ạt tràn vào. Mà theo Hiệp hội Thép Việt Nam thì nhãn tiền là sẽ phải "đối chọi” với hai "người khổng lồ” trong ngành công nghiệp thép thế giới là nước Nga, Trung Quốc. Sở dĩ đưa ra nhận định này là bởi, trong năm 2013, Nga đứng vị trí thứ 5 về sản xuất thép thô trên thế giới với 68,7 triệu tấn so với Việt Nam là 5,6 triệu tấn (đứng thứ 26) và xuất khẩu sắt thép của Nga đạt 23,6 triệu tấn (chiếm hơn 34% tổng lượng sản xuất của nước này).
Nhận định xu hướng hội nhập mà Việt Nam đang hướng tới, trong đó, có sự tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do, bà Phạm Quỳnh Mai- Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng, việc tham gia các Hiệp định FTA vừa mang lại lợi ích cho Việt Nam khi chúng ta tận dụng được lợi thế để xuất khẩu, song cũng không ít thách thức khi chúng ta phải cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập vì nhiều dòng thuế chỉ còn 0%. Đây vừa là áp lực đối với các DN Việt Nam song cũng là cơ hội để các DN nỗ lực tái cấu trúc, nâng cao sức cạnh tranh của mình.
Nhật Minh
Đại đoàn kết
|