Thứ Tư, 20/08/2014 09:16

Đề xuất chỉ còn 8 ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh

“Quản lý nhà nước không phải là giành thuận lợi cho chúng ta mà quản lý là để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, làm ăn” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Ngày 19-8-2014, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp với các Bộ, ngành thảo luận và cho ý kiến vào Báo cáo rà soát, xây dựng Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh; Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và Danh mục ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp.

Để chuẩn bị cho 2 Dự thảo Luật trên trình Quốc hội thảo luận, thông qua tại kỳ họp tới, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, xây dựng Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh; Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện Báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa ra Quốc hội thảo luận, thông qua.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh, qua rà soát cho thấy hiện có 51 ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh và Bộ đã đề xuất Danh mục chỉ còn 8 ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh.

Về Danh mục lĩnh vực, ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, kết quả rà soát cho thấy toàn bộ ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh được quy định tại 391 văn bản pháp luật (gồm 56 Luật, 8 Pháp lệnh, 115 Nghị định, 176 Thông tư, 26 Quyết định của Bộ trưởng và 2 văn bản của Bộ) với 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 16 Bộ, ngành.

Từ kết quả rà soát và đánh giá, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không còn cần thiết; bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không rõ ràng, không cụ thể; chuyển một số điều kiện kinh doanh từ hình thức cấp Giấy phép sang áp dụng hình thức tự đăng ký thực hiện. Theo đó, kết quả rà soát sơ bộ cho thấy có khoảng 15% ngành, nghề kinh doanh có điều kiện có thể bãi bỏ (bãi bỏ 56/386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện).

Tại cuộc họp, ý kiến của các Bộ, ngành, ý kiến của các thành viên Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đều nhất trí với đề xuất, kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau kết quả rà soát, đánh giá. Các ý kiến tập trung phân tích và đề nghị các Bộ, ngành cần phối hợp đề tiếp tục rà soát, đảm bảo chất lượng của Danh mục đề xuất và tính khả thi khi áp dụng trong thực tiễn, vừa đảm bảo được quyền tự do đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Mặt khác, quy định cũng phải đảm bảo sự linh hoạt cũng như lường định và xử lý được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn cuộc sống vốn hết sức phong phú, đa dạng và luôn vận động, phát triển.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Theo tinh thần của Hiến pháp và quy định về quyền tự do kinh doanh của người dân trong Hiến pháp, việc hạn chế quyền công dân phải được quy định cụ thể trong luật. Đây là một yêu cầu hết sức quan trọng nhằm thực hiện nguyên tắc doanh nghiệp, người dân được quyền tự do thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong tất cả các ngành, nghề mà pháp luật không cấm.

“Quản lý nhà nước không phải là giành thuận lợi cho chúng ta mà quản lý là để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, làm ăn” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành có trách nhiệm, khẩn trương, tiếp tục và chủ động rà soát các ngành, nghề đầu tư, kinh doanh bị hạn chế hoặc phải có điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực mình quản lý để bãi bỏ nếu đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn, không còn cần thiết cho mục tiêu quản lý nhà nước; hoặc bổ sung ngành, nghề đầu tư, kinh doanh vào Danh mục hạn chế hoặc phải có điều kiện kinh doanh nếu thấy nhất thiết phải quản lý.

Về Danh mục ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí với đề xuất không ưu đãi đầu tư đối với các ngành, nghề khai thác tài nguyên, khoáng sản và khoảng 40 ngành, nghề, sản phẩm, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt, dù các ngành, nghề này đầu tư ở địa bàn ưu đãi đầu tư; đồng thời chính sách ưu đãi về ngành, nghề, địa bàn đầu tư sẽ do Chính phủ quy định chi tiết.

Về đề xuất quy định vào Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất xây dựng Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện áp dụng thống nhất cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đồng thời hoàn thiện quy định về vấn đề này trong Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi theo hướng:

+ Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư, kinh doanh tương ứng trước khi Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.

+ Chỉ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ có thẩm quyền ban hành quy định xác định ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư, kinh doanh.

+ Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện chỉ coi là hợp pháp nếu tên ngành, nghề đầu tư, kinh doanh đó và các điều kiện đầu tư, kinh doanh đối với ngành, nghề đó được quy định tại cùng một văn bản quy phạm pháp luật, pháp lệnh hoặc nghị định và nếu không được quy định tại luật, pháp lệnh, nghị định hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đều không có hiệu lực thi hành.

+ Các điều kiện kinh doanh đối với từng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện phải đảm bảo các yêu cầu: Nội dung các điều kiện kinh doanh chỉ nhằm hạn chế, ngăn ngừa các nguy cơ phát sinh từ các ngành, nghề kinh doanh mà không thể hạn chế hay ngăn ngừa được bằng các giải pháp của thị trường; phải rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện và tiên liệu được; phù hợp với thông lệ quốc tế tốt và không trái với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; không được áp đặt một phương thức tổ chức kinh doanh, không áp đặt mức sàn hoặc trần đối với sản lượng sản xuất, cung ứng và tiêu dùng, không hạn chế quyền tự do hợp đồng và tự do thỏa thuận giá cả của doanh nghiệp.


Hiệp Hòa

hải quan

Các tin tức khác

>   "Không muốn nộp phí quá cảnh nên tìm cửa khẩu khác" (20/08/2014)

>   Sếp Petro Vietnam lĩnh lương 32 - 36 triệu đồng/tháng (20/08/2014)

>   Thả lỏng FDI: 'Có trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ' (20/08/2014)

>   Oằn lưng cõng phí... (19/08/2014)

>   Mối lo khi ra “sân chơi lớn” (19/08/2014)

>   Nhà đầu tư Nhật Bản đến TPHCM nhiều hơn (19/08/2014)

>   Xử lý nhiều xe ôtô vi phạm về kích thước thùng chở hàng (19/08/2014)

>   Để phim truyền hình Việt Nam vươn ra khỏi lãnh thổ (19/08/2014)

>   "Bắt tay" tăng tỷ lệ nội địa hóa: Sau hai năm, thành quả vẫn khiêm tốn (19/08/2014)

>   Ứng dụng di động: Cuộc đổ bộ của ngoại binh (19/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật