Bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản
Luật phá sản vừa được công bố đưa ra những quy định bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản.
Ngày 10/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 11 luật, và một Nghị quyết.
Bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Xây dựng; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Công chứng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Phá sản; Luật Hải quan; Luật Đầu tư công; Nghị quyết về việc gia nhập công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay đã được kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII thông qua.
Ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước cho biết: “Các cơ quan soạn thảo các đạo luật sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề nào chưa được làm rõ, cụ thể trong các đạo luật vừa được thông qua thì trong các Thông tư, Nghị định sắp tới của Chính phủ cũng như của các bộ, ban, ngành chủ trì các lĩnh vực này sẽ cập nhật, cụ thể hóa hơn theo yêu cầu của dư luận, của nhân dân đưa ra qua các phương tiên thông tin đại chúng”.
Bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản
Luật Phá sản gồm 14 Chương, 133 Điều, quy định trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản; thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; tuyên bố phá sản và thi hành quyết định phá sản. Luật áp dụng khi giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Luật Phá sản được áp dụng khi giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đã được thành lập trên lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định luật này thì áp dụng theo điều ước quốc tế đó.
Luật quy định rõ về tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Luật cũng quy định cá nhân doanh nghiệp được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết phá sản gồm: quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; trình tự giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản; thẩm quyền giải quyết phá sản của Tòa án Nhân dân...
Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Tưởng Duy Lượng cho biết điểm mới đáng chú ý là Luật Phá sản không còn dùng khái niệm “lâm vào tình trạng phá sản” mà dùng khái niệm “mất khả năng thanh toán”.
Ngoài ra, một điểm đặc biệt quan trọng được bổ sung trong Luật Phá sản 2014 là về chế định Quản tài viên, theo đó, quy định cá nhân, doanh nghiệp được hành nghề quản lý tài sản trong quá trình giải quyết phá sản gồm: Quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Khắc phục tình trạng đầu tư giàn trải, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư công
Luật Đầu tư công được kết cấu thành 6 Chương, 108 Điều. Phạm vi điều chỉnh Luật quy định việc quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư công. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công thuộc đối tượng áp dụng của Luật.
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với việc ban hành luật này sẽ góp phần hoàn thiện, tạo ra hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ trong tất cả các khâu, các hoạt động và quá trình quản lý đầu tư công của tất cả các nguồn vốn đầu tư công.
Luật cũng đã thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư. Đây là nội dung đổi mới quan trọng nhất của Luật Đầu tư công, được coi là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án theo đúng các mục tiêu, định hướng, kế hoạch, quy hoạch và chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước.
Đồng thời, điều này sẽ ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí trong việc quyết định chủ trương đầu tư, nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư, góp phần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư công.
Luật cũng tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công. Đây là lần đầu tiên công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư và các chương trình, dự án đầu tư công, đặc biệt các quy định về giám sát cộng đồng được chế định cụ thể trong luật một cách chặt chẽ, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đặc biệt, Luật được ban hành nhằm đổi mới mạnh mẽ công tác kế hoạch đầu tư. Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư 5 năm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó phù hợp với các mục tiêu và định hướng phát triển trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm; bảo đảm cân đối vốn đầu tư với các cân đối lớn của nền kinh tế trong phạm vi cả nước, từng ngành, địa phương; tạo sự chủ động cho các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương biết rõ được nguồn lực đầu tư công trong kế hoạch 5 năm để quyết định đầu tư đúng đắn và hiệu quả; góp phần tích cực vào phòng chống tham nhũng, cửa quyền trong bộ máy Nhà nước các cấp.
M.Đức-L.Đỗ
tổ quốc
|