Thứ Sáu, 11/07/2014 14:46

Tạo “cú đấm” cho ngành dệt may, da giày

Để tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, ngành dệt may, da giày đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu. Việc xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu trong nước cũng là một phương án khả thi, đặc biệt phù hợp trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị kết thúc đàm phán các hiệp định song và đa phương.

Thêm nhiều chính sách ưu đãi

Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết UBND thành phố vừa chấp thuận cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn đầu tư dự án khu công nghiệp chuyên sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM với tổng vốn đầu tư hạ tầng ban đầu trên 100 tỉ đồng. Dự kiến nhà đầu tư sẽ hoàn thiện hạ tầng trong vòng 3-5 năm tới.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư khu công nghiệp này cũng như giúp thu hút DN sản xuất nguyên phụ liệu dệt may đầu tư vào đây, ông Khoa cho biết, thành phố sẽ kiến nghị trung ương (thông qua Bộ Tài chính) một số chính sách hỗ trợ đặc biệt như: cho chủ đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu này được miễn thuế thu nhập DN 4 năm (hiện giờ là 2 năm) và giảm 50% cho 9 năm tiếp theo (hiện tại là 4 năm); được miễn tiền thuê đất 20 năm (hiện nay là 11 năm); được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa trong nước chưa sản xuất được để đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp…

Còn đối với DN thuê đất sản xuất nguyên phụ liệu dệt may trong khu công nghiệp chuyên ngành này, thành phố đề xuất được miễn thuế thu nhập DN 4 năm (hiện nay được miễn thuế là 2 năm) và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo (hiện nay là 4 năm); được miễn tiền thuê đất 11 năm (hiện tại chưa được miễn) và được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa để tạo tài sản cố định tại nhà máy mà trong nước chưa sản xuất được…

Là người có kinh nghiệm trong ngành, ông Nguyễn Xuân Dương – Công ty CP May Hưng Yên chia sẻ, trong thời điểm này, lãi suất có được ưu đãi nhưng DN vẫn rất khó khăn. Bên cạnh đó, các công ty may mặc hay da giày của Việt Nam đều có vốn điều lệ không nhiều nên rất cần sự hỗ trợ cho vay của nhà nước.

“Việc chủ động nguồn nguyên phụ liệu là vô cùng cần thiết nhưng chắc chắn không dễ dàng bởi DN không sẵn vốn. Mong rằng DN được giúp đỡ vay vốn dài hạn trong vòng 10-15 năm và có 10 năm không lãi suất như ở nước ngoài. Nếu nhà nước không hỗ trợ thì DN cũng khó có khả năng làm được”, ông Dương cho hay.

Lãnh đạo này cũng chia sẻ, giải pháp tốt nhất là thu hút các nguồn vốn FDI từ Ấn Độ, Malaysia… Tuy nhiên, họ phải được ưu đãi khi đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng phải có chính sách nhất quán, khu công nghiệp phải được cam kết an ninh an toàn… Nếu quá trình này thành công sẽ tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động Việt Nam.

Việc xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu trong nước cũng là một phương án khả thi

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: “Nếu DN muốn xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu thì Nhà nước cũng nên chia sẻ với DN bằng cách ưu đãi về tài chính. Nhà nước sẽ không thu những khoản mà đáng ra sẽ phải thu, hoặc Nhà nước sẽ phải chi những khoản mà đáng ra không cần phải chi.

“Nói chung Nhà nước nên miễn thuế, giảm thuế hay giãn thuế…tạo điều kiện cho các DN bớt đi các chi phí. Còn việc Nhà nước hỗ trợ DN xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu bằng nguồn vốn cụ thể nào thì đây lại là bài toán chung của Nhà nước, các bộ, ngành…nhưng tôi tin họ sẽ có giải pháp để sử dụng nguồn lực làm sao cho hợp lý và hiệu quả nhất”, ông Quang nói.

Đối mặt nhiều thách thức

Dù vậy, bà Đặng Phương Dung -Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may (Vitas) nêu quan điểm, việc xây dựng nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu trong nước không phải không khả quan nhưng cần thời gian lâu dài.

Dù đây vốn là mục tiêu phát triển lâu dài của ngành song hiện thực hóa lại rất chậm chạp. Đến năm 2015 cũng chưa thể đáp ứng được. Ngoài vốn, công nghệ… thì không phải một sớm một chiều là làm được. Ngoài ra, quan trọng là làm thế nào để giá thành sản phẩm không bị quá cao thì mới cạnh tranh được với nguồn nhập khẩu.

“Vậy nên việc xây dựng nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu trong nước chỉ là một trong những giải pháp. Thay vào đó, chúng ta có lợi thế là đang đàm phán các hiệp định song phương, đa phương nên chúng ta có thể kêu gọi các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực này. Thực ra, cuối 2013 chúng ta đã kêu gọi được một số DN Trung Quốc, Đài Loan đầu tư nhưng lại gặp sự cố căng thẳng Biển Đông. Theo tôi, trong bối cảnh tự do hóa thương mại, chúng ta vẫn có thể nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày với giá cạnh tranh từ các nước trong TPP”, bà Dung nhận định.

Cùng quan điểm, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc có luôn có ưu điểm là mẫu mã đẹp, giá rẻ, đáp ứng thời gian…trong khi những khâu này DN trong nước chưa thể đáp ứng được.

“Để đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu chúng ta còn phải học nhiều để nâng cao tay nghề. Hiện tại, các DN trong nước chỉ gia công nên việc nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc là do nhà nhập khẩu chỉ định. Nhiều khi các DN Trung Quốc đã “ăn cánh” với nhà nhập khẩu nên nếu có sự thay đổi thì chúng ta phải “xin phép” họ, đồng thời phải thoát khỏi họ. Điều này cũng cho thấy các DN dệt may, da giày Việt Nam đang quá ỉ lại”, ông Doanh nói.

Ông Doanh cũng khuyến cáo, để thoát khỏi sự lệ thuộc này, Việt Nam phải thu hút vốn từ các DN FDI. Còn Nhà nước chỉ nên có những chính sách ưu đãi cho DN.

Đề cập đến những khó khăn này, ông Diệp Thành Kiệt- Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam cho rằng, việc tạo nguồn cung nguyên phụ liệu từ trong nước luôn là bài toán khó giải bởi tổng hợp nhiều vấn đề: vốn, mặt bằng và đặc biệt là công nghệ… Trong xây dựng nhà máy dệt, nhuộm thì khâu xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn là rất khó…

“Đầu tư cho ngành công nghiệp hỗ trợ là quá trình đầu tư dài hạn. Khả thi hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề. Vừa rồi Bộ Công Thương cũng đã đề xuất về vấn đề này. Bên cạnh những chính sách ưu đãi DN, tôi cho rằng Chính phủ còn phải có những chính sách kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia thì mới hiệu quả và nhanh chóng”, ông Kiệt nhấn mạnh./.

Kỳ tiếp: “Hệ thống phân phối đang khuyết vai trò nhạc trưởng”

Quỳnh Anh

tổ quốc

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu dăm gỗ, tinh bột sắn giảm mạnh vì Trung Quốc ép giá (11/07/2014)

>   Nước ngọt có gas có thể không bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt (11/07/2014)

>   Vì sao Việt Nam vẫn phải mua điện từ Trung Quốc? (11/07/2014)

>   Thuế bán phá giá cá tra vào Mỹ giảm (11/07/2014)

>   Có vẻ như doanh nghiệp gỗ đang “thua trên sân nhà” (11/07/2014)

>   Hỗ trợ lãi suất đến 100% nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp (11/07/2014)

>   Khởi động dự án điện khí 20 tỷ USD (11/07/2014)

>   DN điện tử: Chật vật tham gia chuỗi cung ứng (11/07/2014)

>   Doanh nghiệp FDI: Ưu đãi nhiều, hiệu quả thấp (11/07/2014)

>   Jetstar Pacific tăng vốn thêm 35 triệu USD (11/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật