Thứ Sáu, 11/07/2014 10:25

Có vẻ như doanh nghiệp gỗ đang “thua trên sân nhà”

"Doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng quy mô lớn, gia công đồ gỗ theo đơn hàng của các thương hiệu đồ gỗ nước ngoài và phải hoàn toàn “gửi gắm” số phận doanh nghiệp mình cho nước ngoài. Rủi ro của cung cách làm ăn này hoàn toàn không nhỏ".

Đây là ý kiến của ông Ngô Sỹ Hoài - Phó tổng thư ký Hiệp hội gỗ và Lâm sản – Phó chủ tịch Câu lạc bộ Lâm nghiệp Việt Nam trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài gòn Online bên lề hội thảo về Làng nghề chế biến gỗ tại Nam Định ngày 9-7.

Ông Ngô Sỹ Hoài

TBKTSG Online: Căng thẳng biển Đông có ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc, một trong những nước nhập khẩu gỗ lớn nhất hiện nay, thưa ông?

Ông Ngô Sỹ Hoài: Đúng là mấy năm gần đây, xuất khẩu sản phẩm gỗ vào thị trường Trung Quốc tăng nhiều. Năm 2012 xuất khẩu sang thị trường này đạt khoảng 740 triệu đô la Mỹ, năm 2013 xấp xỉ 1 tỉ đô la Mỹ.

Hiện nay, Trung Quốc đã là một trong bốn thị trường chính của sản phẩm gỗ Việt Nam, sau Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản. Năm 2013, tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ vào thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 14% kim ngạch xuất của của toàn ngành gỗ.

Tuy nhiên, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu sản phẩm thô, bao gồm dăm gỗ, gỗ bóc và các lọai bán thành phẩm từ gỗ quý, hiếm. Chúng ta xuất khẩu dăm gỗ bằng một nền lâm nghiệp theo kiểu “trồng trọt”, kinh doanh cây ngắn ngày, chặt cây trồng 4-5 năm tuổi, băm dăm rồi bán cho Trung Quốc làm nguyên liệu giấy. Đây cũng là một kiểu “bán lúa non”, xuất khấu nguyên liệu, trong khi các doanh nghiệp của chúng ta lại phải phụ thuộc vào nguồn cung gỗ có đường kính lớn hơn từ nước ngoài, để làm hàng xuất khẩu. Còn các loại sản phẩm từ gỗ quý, chủ yếu chúng ta nhập khẩu rồi tái xuất cho các thương nhân Trung Quốc. Loại sản phẩm này không phải là vô tận.

Như vậy, căng thẳng ở biển Đông vừa đặt ra thách thức, lại vừa tạo cơ hội để chúng ta gia tăng xuất khẩu sang các thị trường khác, trồng rừng với định hướng dài ngày hơn, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu gỗ nhập khẩu.

Nhiều người trong ngành cho rằng Việt Nam là một công xưởng sản xuất gỗ của thế giới nhưng thị trường gỗ nội địa lại bỏ ngỏ cho các doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Trong thế giới hội nhập ngày nay, sản xuất hàng hóa để bán cho người khác và mua cái người khác làm ra về dùng cũng là câu chuyện bình thường, ai cũng muốn và cũng phải tận dụng lợi thế so sánh của mình. Vì vậy, chúng ta không nên nhìn nhận vấn đề này quá nghiêm trọng, quá bi kịch... Trong những năm gần đây, nhu cầu của thị trường đồ gỗ nội địa cũng tăng mạnh, ước tính bình tổng giá trị tiều dùng gỗ và sản phẩm gỗ hàng năm khoảng 2,25 tỉ đô la Mỹ, trung bình khoảng 31,7 đô la Mỹ/người. Trên thị trường nội địa, nhu cầu gỗ cho các công trình xây dựng chiếm khoảng 40%, tiêu dùng nông thôn chiếm 30% và tiêu dùng thành thị chiếm 30%.

Có một thực tế là số lượng các doanh nghiệp chế biến gỗ có quy mô vừa và lớn đầu tư khai thác thị trường nội địa chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp, chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ cũng như các hộ chế biến ở các làng nghề. Có vẻ như doanh nghiệp gỗ của chúng ta đang “thua trên sân nhà”.

Gần đây, nhiều doanh nghiệp cũng đã chú trọng “tái chiếm sân nhà”. Hàng năm ta cũng tổ chức VIFA Home (Hội chợ đồ gỗ đội địa) để đồ gỗ Việt có thể “hướng nội”, nhưng không mấy thành công. Đồ gỗ nhập khẩu với giá rẻ, kiểu dáng hiện đại hơn và phù hợp với thị hiếu của nhiều gia đình trẻ, vẫn đang là lựa chọn của nhiều người Việt.

Theo ông, khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành gỗ là gì? Liệu có phải thiếu nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp hay không?

Theo tôi, hạn chế nguồn cung cấp nguyên liệu gỗ, đặc biệt là gỗ được khai thác hợp pháp, không phải là vấn đề đáng lo lắng đối với ngành công nghiệp gỗ Việt Nam. Mặc dù đa số các nước bán gỗ cho doanh nghiệp Việt Nam đều hướng tới việc cấm xuất khẩu gỗ tròn, phát triển chế biến để tạo việc làm và giá trị gia tăng cho nước họ, nhưng nguồn cung cấp nguyên liệu gỗ hiện nay vẫn rất dồi dào. Chúng ta cũng đang đa dạng hoá nguồn nhập khẩu gỗ. Ngoài nguồn nguyên liệu gỗ truyền thống, nhập khẩu từ các nước bạn Lào, Campuchia, Myanmar, Malaysia, Indnonesia…, chúng ta cũng đang nhập khẩu nhiều gỗ từ các nước Châu Phi, Bắc Mỹ, Châu Âu. Đặc biệt, trong vòng 10 năm gần đây, Việt Nam cũng đang trở thành khách hàng tiêu thụ khối lượng lớn các loài gỗ cứng của Mỹ, như tần bì, sồi, anh đào, thích, óc chó... Tôi muốn nhấn mạnh rằng nguồn cung ứng gỗ từ Mỹ vô cùng dồi dào, chất lượng đảm bảo, giá vừa phải, được khai thác chủ yếu từ rừng trồng, hầu như không có rủi ro gỗ bất hợp pháp.

Điều tôi thấy đáng quan ngại nhất là ngành công nghiệp gỗ của chúng ta phát triển theo chiều rộng, cạnh tranh chủ yếu bằng nhân công giá rẻ, mỗi doanh nghiệp sử dụng bình quân 500 – 1.000 lao động, tổng giá trị xuất khẩu thì lớn, nhưng giá trị thặng dư mà người Việt mình được hưởng lại nhỏ. Đã có tình trạng các doanh nghiệp gỗ ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… thiếu nhân công, lao động từ miền Trung về Tết rồi “lặn” luôn, vì lương tháng 3 – 5 triệu đồng không sống nổi.

Rõ ràng là sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ không chỉ phụ thuộc vào nguồn cung ứng nguyên liệu, mà còn cả nguồn cung cấp lao động. Nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ trương hiện đại hóa công nghệ, thiết bị, giảm nhân công, chuyển hướng sản xuất đồ nội thất, giá trị gia tăng lớn hơn. Nhưng đây không phải là câu chuyện có thể làm xong trong ngày mai.

Vấn đề cũng đáng phải suy nghĩ nữa là chúng ta chưa có các thương hiệu đồ gỗ của người Việt ở nước ngoài. Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ hiện nay phải chấp nhận “bỏ trứng vào một giỏ”, đầu tư nhà xưởng quy mô lớn, gia công đồ gỗ theo đơn hàng của các thương hiệu đồ gỗ nước ngoài và phải hoàn toàn “gửi gắm” số phận doanh nghiệp mình cho nước ngoài. Rủi ro của cung cách làm ăn này hoàn toàn không nhỏ.

Còn vấn đề sản xuất và buôn bán đồ gỗ có trách nhiệm, tuân thủ các Quy định về gỗ của EU, Đạo luật Lacey của Mỹ, Đạo luật cấm khai thác gỗ bất hợp pháp của Australia, FLEGT, VPA mà chúng ta sẽ ký kết với EU... tôi nghĩ các doanh nghiệp của chúng ta sẽ làm được, cho dù có thể phải vượt qua nhiều rào cản đầy thách thức thời gian sắp tới.

Xin cảm ơn ông!

Thùy Dung

tbktsg

Các tin tức khác

>   Hỗ trợ lãi suất đến 100% nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp (11/07/2014)

>   Khởi động dự án điện khí 20 tỷ USD (11/07/2014)

>   DN điện tử: Chật vật tham gia chuỗi cung ứng (11/07/2014)

>   Doanh nghiệp FDI: Ưu đãi nhiều, hiệu quả thấp (11/07/2014)

>   Jetstar Pacific tăng vốn thêm 35 triệu USD (11/07/2014)

>   Vận tải hàng siêu trường siêu trọng: Cần đơn giản quá trình cấp phép (11/07/2014)

>   VRA khuyến cáo người trồng cao su giảm khai thác (10/07/2014)

>   Gỡ khó cho doanh nghiệp kiểm định vỏ xe ôtô (10/07/2014)

>   Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp nhận Công ty VMS-MobiFone (10/07/2014)

>   Mức thuế DOC áp dụng với cá tra Việt Nam vẫn bất hợp lý (10/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật