DN điện tử: Chật vật tham gia chuỗi cung ứng
“Sinh sau đẻ muộn” hơn các ngành công nghiệp khác, công nghiệp điện tử ở Việt Nam vẫn chật vật trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguyên nhân do đâu? Nằm ngoài chuỗi cung ứng.
Ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam đã phát triển mạnh trong những năm gần đây, từ chỗ chỉ có vài chục doanh nghiệp (DN), đến nay đã có gần 500 DN, trong đó khoảng 1/3 là các DN FDI. Kim ngạch xuất khẩu 3 năm gần đây của ngành điện tử liên tục tăng: Năm 2011 đạt 6,98 tỷ USD, năm 2012 tăng lên 20,5 tỷ USD; năm 2013 tới 32,1 tỷ USD, trở thành ngành hàng xuất khẩu lớn nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, con số trên thực chất là do đóng góp của các DN FDI, như Samsung (cùng các DN sản xuất linh kiện phụ trợ như Orientech Vina, KSD Vina, Morips Vina...), Canon, Nokia, LG...
Tại Hội thảo “Thúc đẩy cung cấp nội địa trong công nghiệp điện tử ở Việt Nam” do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), vừa tổ chức tại Hà Nội, có một thông tin gây chú ý:
Samsung Electronics Việt Nam hiện có 60 nhà cung ứng linh kiện, trong đó có 45 nhà cung cấp của Hàn Quốc, 5 của Việt Nam và 10 của quốc gia khác. Một thực tế đáng buồn hiện nay là rất ít DN Việt Nam cung cấp được linh kiện và dịch vụ cho DN FDI ngay tại Việt Nam.
Yếu do... chính sách?
Ông Hoàng Minh Trí- Giám đốc Công ty TNHH 4P- phân tích: Có 5 yếu tố chính để các DN Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đó là: Tiêu chuẩn hóa; bảo đảm dịch vụ tốt; nâng cao chất lượng; giao hàng đúng hẹn; xây dựng giá cạnh tranh. Đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với sự cạnh tranh bình đẳng thì việc phải hạ giá thành là chuyện đương nhiên. Theo ông Trí, để tạo mức giá cạnh tranh, các DN Việt phải làm tốt các yếu tố: Kiểm soát tốt chi phí quản lý; khai thác tốt các chi phí đầu tư; giảm tỷ lệ hỏng trong quá trình sản xuất; tìm kiếm nguồn vốn giá rẻ. Đặc biệt, chi phí quản lý của các DN Việt còn cao so với các DN FDI; tỷ lệ hàng lỗi, hỏng cũng cao hơn.
Tuy nhiên, so sánh giữa DN Việt Nam với các DN FDI, ông Trí đưa ra nhiều điểm chưa công bằng. Ví dụ, về ưu đãi đầu tư, các DN FDI đã có sẵn nhà máy tại các nước khác, họ chỉ việc mang mô hình này về Việt Nam xây dựng và khoảng 1 năm sau, nhà máy có thể đi vào hoạt động, bán hàng và thu hồi vốn. Vì nhiều lý do, cùng thời gian đó, các DN Việt Nam chưa thể hoàn thiện nhà máy để đi vào sản xuất. Với việc cho thuê đất, các DN FDI chỉ phải trả 1 lần tiền thuê đất dài hạn, nhưng DN Việt Nam phải 5 năm trả một lần. Vì thế, “các chính sách ưu đãi dành cho DN Việt Nam cần ổn định và lâu dài để các DN có thời gian đầu tư nhà máy, đi vào sản xuất và thu hồi vốn”- ông Trí kiến nghị.
Ông Vũ Dương Ngọc Duy- Tổng giám đốc Viettronics Tân Bình- nói: Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư theo hướng chọn lọc được công nghệ hỗ trợ phù hợp với trình độ công nghệ, vừa với sức đầu tư của DN. Ngoài ra, cần có thêm chính sách ưu đãi về thuế, cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các DN sản xuất sản phẩm phụ trợ.
Nguyễn Duyên
công thương
|