Xu thế dòng tiền: Điều chỉnh sẽ hấp dẫn thanh khoản?
Ngay cả khi thị trường ghi nhận phiên giao dịch cuối tuần với mức thanh khoản cao, đa số các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn vẫn chưa nhìn thấy sự tin cậy trong khả năng phục hồi của thị trường.
Mặc dù vậy, phiên giao dịch ngày 19/6 cũng được xem là biểu hiện của tâm lý ổn định của nhà đầu tư, khi dòng tiền dường như đang đón chờ đợt sụt giảm mạnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Điều thiếu tin cậy ở phiên giao dịch như vậy là tính đột biến, hơn là báo hiệu một xu hướng.
Đa số ý kiến cho rằng khả năng rất cao là thị trường sẽ đi ngang trong một thời gian dài và điều được kỳ vọng là sẽ có mức điều chỉnh lớn hơn để thu hút được dòng tiền lớn tham gia một cách ổn định, thay vì mức thanh khoản tăng cục bộ trong một vài phiên giao dịch.
Trên cơ sở nhận định đó, các chuyên gia tiếp tục kiên nhẫn duy trì một tỷ trọng cổ phiếu thấp không quá 30%. Các giao dịch mua mới trong tuần chỉ dừng ở mức độ thăm dò hoặc thực hiện đảo hàng với tỷ trọng rất thấp.
Với biến động có phần cá biệt trong đợt đóng cửa cuối tuần rồi, khó có thể nhận định gì về việc VNI-Index giảm tới gần 1,2%. Nhưng anh chị đánh giá thế nào về thị trường trước thời điểm đó, nhất là phiên biến động rất mạnh ngày 19/6? Liệu đó có phải là biểu hiện của dòng tiền đang sẵn sàng tham gia thị trường hay không?
Ngày 19/06, thị trường đón nhận cùng lúc một số thông tin không mấy khả quan: điều chỉnh tăng tỷ giá 1% và Trung Quốc tiếp tục di chuyển thêm giàn khoan vào vùng của ngõ vịnh Bắc Bộ. Những thông tin này tạo ra sự lo ngại cho không ít nhà đầu tư, khiến lực bán tăng mạnh, nhưng khi thị trường giảm sâu nhiều nhà đầu tư đã tranh thủ cơ hội mua vào ở các vùng giá rẻ.
Theo tôi diễn biến này cho thấy tâm lý nhà đầu tư ổn định và tự tin hơn vào xu hướng thị trường, đồng thời cho thấy dòng tiền dường như đang chờ đón đợt sụt giảm mạnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.
Với tôi các cổ phiếu trong tuần vừa rồi vẫn trong xu hướng sideway nhiều hơn. Dù rằng đâu đó vẫn xuất hiện các cổ phiếu vượt đỉnh, nhưng điều này vẫn chưa đủ sức thuyết phục để lôi kéo dòng tiền trở lại.
Thứ nhất, tại các nhóm cổ phiếu đột biến, sau những phiên khẳng định tín hiệu mua thì giá lại có xu hướng chững lại, khiến hoạt động giao dịch qua T+3 không hiệu quả.
Thứ 2, biên độ dao động tại giai đoạn này quá hẹp, nên phương pháp sideway trading cũng chỉ đem lại lợi nhuận mỏng, trong khi chỉ cần giảm mạnh vài bước giá là phá vỡ xu hướng đi ngang và đi vào trạng thái kỹ thuật xấu.
Tuần vừa qua cũng là tuần cuối cùng các quỹ ETFs phải thực hiện xong các thay đổi trong danh mục của họ và phiên cuối cùng tuần qua cho thấy giao dịch cũng như các lệnh đối ứng có khác nhiều so với các đợt review trước - VN-Index giảm điểm và nhiều mã không xuất hiện lệnh mua/bán mạnh ở phiên ATC mà lệnh mua/bán đặt ở mức giá cố định.
Thị trường rõ rằng đang phản ánh tính hiệu tiêu cực hơn không chỉ dòng tiền lớn vẫn chưa vào thị trường, các mã cổ phiếu blue chips và dẫn dắt có dấu hiệu bị bán ra nhiều hơn, khối ngoại cũng giảm tỷ lệ mua vào.
Trong giai đoạn thị trường trồi sụt ở biên độ hẹp hơn thì vẫn thường xẩy ra các phiên giao dịch bất ngờ với thanh khoản lớn hơn và điều này là bình thường và dòng tiền lớn vẫn phải đợi thêm thời gian trước khi quay lại thị trường dự kiến có thể từ tháng 8 tới.
Theo tôi một phiên giao dịch sẽ không giúp ích gì nhiều trong việc nhìn nhận xu hướng thị trường. Hãy thử chỉ tính đến ngày 19/6, khi đó, VNIndex hồi phục mạnh và đóng cửa cuối phiên ở mức 567.35 điểm, HNXIndex ở mức 76.44 điểm. Vào phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5, VNIndex đạt 562.02 điểm, HNXIndex 75.8 điểm. Như vậy, bình quân thị trường tăng trưởng trong 3 tuần vừa qua ở mức chưa tới…1%.
Thị trường bất động, nó đang đi ngang. Giảm mạnh thì cầu nhiều, tăng mạnh thì cung lớn, đó là đặc trưng của một thị trường đi ngang. Phiên giao dịch 19/6 là một phiên giao dịch với đặc trưng như vậy, nó là dấu hiệu cho thấy thị trường luôn có những nhà đầu tư sẵn sàng… giao dịch, mua bán trong những khoảng biến động giá cực hẹp (một điều hiển nhiên). Còn các dòng tiền đầu cơ lớn theo xu hướng, tôi cho rằng, vẫn đứng ngoài thị trường.
Nếu loại bỏ đi yếu tố đột biến của việc mua bán tái cân bằng danh mục trong tuần này thì thanh khoản thị trường đã không thực sự được cải thiện. Vậy đâu là những điểm tựa mà anh chị kỳ vọng sẽ giúp tăng thanh khoản, thông tin hỗ trợ hay một mức điều chỉnh lớn hơn?
Tôi kỳ vọng thị trường sẽ có điều chỉnh lớn hơn. Sự kiên nhẫn của nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trong 1 tháng qua sẽ giảm bớt nếu thị trường xuất hiện phiên phá xuống dưới vùng đi ngang hiện tại. Tuy nhiên, nếu kịch bản này xảy ra, mức độ đột biến thanh khoản sẽ không quá lớn, và có thể chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn.
Ngoại trừ các tuần đầu tiên của tháng 6 là giai đoạn review danh mục của các quỹ ETFs thì thanh khoản nói chung toàn thị trường trong tháng 6 thấp là điều dễ hiểu. Với tín hiệu tiêu cực đã bắt đầu nhen nhóm vào phiên cuối tuần trước thì khối lượng giao dịch của thị trường trong tuần tới và thậm chí tháng 7 tới sẽ vẫn ở mức thấp, nếu tôi không muốn nói là sẽ ảm đạm.
Cho dù VN-Index hồi phục trở lại siêu kháng cự 580 585 hoặc điều chỉnh giảm và đi ngang ở ngưỡng 555 – 560 điểm thì thanh khoản thị trường sẽ vẫn duy trì ở mức thấp. Điều này có ý nghĩa là việc diễn biến tranh chấp Biển Đông đang phức tạp, vĩ mô chưa có thông tin hỗ trợ mạnh và nhất là tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa ổn định trong giai đoạn các tháng hè sẽ tác động mạnh đến dòng tiền.
Như vậy chu kỳ tăng điểm mạnh của thị trường cần thêm thời gian và khi VN-Index điều chỉnh ở ngưỡng cân bằng và các cổ phiếu giảm về mốc giá hấp dẫn hơn.
Thông tin hỗ trợ hay một mức điều chỉnh lớn trong ngắn hạn, đó là những thứ thị trường đã “có” trong tháng 6 này, nhưng nó cũng chỉ giúp cho thanh khoản tăng cục bộ trong 1-2 phiên giao dịch.
Cái cần thấy ở đây là sau 1 đợt hồi phục do nhịp giảm quá đà trước đó, thị trường đang đi vào giai đoạn tích lũy với những dao động giá hẹp. Nếu như ở giai đoạn cuối của một chu kỳ tăng trưởng, thanh khoản luôn cao, bùng nổ với những phiên giao dịch 3-4 nghìn tỷ (như giai đoạn tháng 2-3), thì thanh khoản thấp lại là một đặc trưng nữa của giai đoạn tích lũy.
Giai đoạn này có thể kéo dài hàng tháng, nó mang tính chất chu kỳ nên do vậy, điều chúng ta cần là kiên nhẫn chờ đợi chứ tôi không kỳ vọng vào một điều gì đó cụ thể tác động giúp thanh khoản tăng lên.
Hiện tại chính sách “room” dành cho các công ty chứng khoán vẫn được nhà đầu tư quan tâm, và trên thực tế nhóm các cổ phiếu chứng khoán vẫn hút được dòng tiền, duy trì thanh khoản tốt.
Tôi cho rằng, đây là thông tin giúp giữ một phần dòng tiền đầu cơ ở lại với thị trường, tạo ra nhóm cổ phiếu dẫn dắt kỳ vọng cho nhà đầu tư trong nước.
Bên cạnh đó, các quỹ ETF ngoại vẫn đang hút được thêm vốn, và đây sẽ là lực đỡ quan trọng với các blue chips, có tác động tích cực tới xu hướng thị trường.
Đa số cổ phiếu không đạt được mức tăng trưởng ngắn hạn tốt trong tuần này, lại càng không có nhóm cổ phiếu dẫn dắt nào nổi trội. Chiến lược giao dịch của anh chị có gì thay đổi hay không? Tỷ lệ phân bổ vốn cụ thể ra sao?
Tôi nghỉ ngơi. Một chút nào đó, trong ngắn hạn, tôi cho rằng sẽ có sự hồi phục mạnh ở các cổ phiếu bị ETF bán mạnh trong phiên cuối tuần vừa rồi, đặc biệt là VIC, MSN, PET. Và để kiểm nghiệm nhìn nhận đó, tôi giải ngân khoảng 10% ở đợt khớp lệnh ATC thứ Sáu vừa qua.
Thị trường không hội tụ yếu tố để tôi gia tăng tỷ trọng tuần vừa rồi, nên tỷ trọng cổ phiếu của tôi vẫn ở mức 30%.
Tuần tới có thể cung cầu sẽ ngã ngũ, tôi chuẩn bị tinh thần sẽ giảm tỷ trọng nếu xuất hiện phiên giảm điểm mạnh. Điều kiện để mua thêm vẫn giống như tuần trước: thanh khoản tăng đi kèm với xuất hiện các mã dẫn dắt.
Tuần vừa qua tôi cũng thực hiện việc cơ cấu lại danh mục – bán những cổ phiếu yếu đi và mua vào những cổ phiếu cơ bản và nền tảng giá tích lũy tốt hơn mặc dù tỷ lệ cổ phiếu/tiền vẫn không thay đổi là 30%/70%.
Ưu tiên việc nắm giữ tiền mặt và cổ phiếu giải ngân chỉ xoay quanh những cổ phiếu tốt nhất thị trường như TCM, FCN, PVS với mục tiêu nắm giữ vài tháng.
Tỷ trọng cổ phiếu của tôi hiện ở mức 20%. Trong tuần tới, nếu thị trường sụt giảm mạnh tôi sẽ mua trở lại một phần cổ phiếu với sự ưu tiên giành cho nhóm cổ phiếu chứng khoán.
Nguyễn Hoàng
vneconomy
|