Tổng Giám đốc AFC: Không đầu tư vào cổ phiếu bluechips của Việt Nam
Đó là chia sẻ của ông Thomas Hugger – Tổng Giám đốc Quỹ Asia Frontier Capital (AFC) tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2014 (VIF) tổ chức TPHCM vào chiều 19/06.
Ông Thomas Hugger – Tổng Giám đốc Quỹ Asia Frontier Capital (AFC)
|
Theo ông Thomas Hugger, các thị trường biên châu Á đang được nghiên cứu và có tiềm năng đem lại lợi tức cao trong khi ít chịu ảnh hưởng từ thị trường thế giới. Bên cạnh đó, các thị trường châu Á hứa hẹn lợi tức hấp dẫn cùng các chỉ số P/E và P/B thấp (như tại Việt Nam, chỉ số VN-Index có P/E là 13.3 và P/B là 1.9) và cũng được được đánh giá hấp dẫn tương đối so với các nước mới nổi ở châu Á.
Đối với vốn hóa của thị trường Việt Nam, ông Thomas Hugger đánh giá so với các thị trường sơ khai khác thì còn khá thấp so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Philippines... Tuy nhiên, chính điều này sẽ mang lại tiềm năng để phát triển là rất lớn thông qua các đợt cổ phần hóa mới.
Một điểm nữa theo Tổng Giám đốc của AFC có ảnh hưởng tích cực lên thị trường biên châu Á là dân số trẻ và đang tăng trưởng tốt. Chính nguồn lao động trẻ và tiền lương thấp đang góp phần gia tăng lợi nhuận biên, thúc đẩy vốn đầu tư vào mạnh hơn, chủ yếu ở ngành tiêu dùng.
Thêm vào đó, nguồn lao động trẻ với mức lương thấp đang thu hút các hoạt động sản xuất tới các quốc gia châu Á vì mức lương ở Trung Quốc tăng lên và lực lượng lao động có thêm nhiều cơ hội làm việc. Có nghĩa là trong tương lai sẽ có sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Thái Lan, Banglades, Campuchia, Việt Nam hoặc Châu Phi, Mexico…, ông Thomas Hugger nói thêm.
Quay trở lại với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, ông Thomas Hugger tin rằng thị trường đã chạm đáy chứ không phải ở mức cao nhất như những thị trường mới nổi hoặc đã phát triển tại các nước châu Á khác. Trên cơ sở đó, TTCK Việt Nam đã thu hút sự quan tâm các quỹ đầu tư nước ngoài trong thời gian qua, trong đó có AFC.
Ngoài ra, việc cải thiện môi trường kinh doanh cũng giúp thị trường Việt Nam tăng sức hút. Cụ thể, hoạt động tái cấu trúc hệ thống ngân hàng như thành lập Công ty Quản lý Tài sản Quốc gia mua nợ xấu (VAMC) của các ngân hàng; củng cố các ngân hàng/hoạt động M&A; khả năng nâng giới hạn cho sở hữu nước ngoài; cải thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngân hàng và giám sát tốt hơn và trừng phạt nghiêm khắc những sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng đang được thực hiện mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ như hạ lãi suất cho vay; giảm thuế cho các cá nhân và doanh nghiệp; đưa ra các gói kích thích với nhiều lĩnh vực và tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước cũng giúp gia tăng nguồn vốn nước ngoài chảy mạnh vào sản xuất.
Đây chính một trong những lý do mà AFC quyết định đầu tư vào Việt Nam - ông Thomas Hugger cho biết. Tuy nhiên, vị Tổng Giám đốc này cũng chia sẻ thêm là sẽ không đầu tư vào các cổ phiếu bluechips, thường đứng đầu dẫn dắt thị trường vì tốn kém hơn hay các công ty làm ăn kém mà chỉ đầu tư vào công ty có tiềm năng tăng trưởng tốt.
Ngoài những lĩnh vực đầu tư chính của AFC Frontier Fund (hàng tiêu dùng, cơ sở hạ tầng và tài chính), quỹ này cũng đang hướng đến những lĩnh vực cụ thể đang tăng trưởng mạnh tại từng quốc gia. Cụ thể:
- Nông nghiệp ở Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam
- Dệt may ở Bangladesh, Campuchia, Myanmar, Pakistan và Việt Nam
- Du lịch ở Campuchia, Maldives và Sri Lanka
- Thị trường phát điện ở Lào
- Năng lượng ở I-rắc và Papua Tân Ghi-nê
- Khai khoáng ở Mông Cổ và Papua Tân Ghi-nê
Sanh Tín
Công Lý
|