Xu thế dòng tiền: Đợi chờ “điểm nổ”
Dường như tâm lý thận trọng vẫn đeo bám trên thị trường, khi chính các chuyên gia trong toạ đàm hàng tuần “Xu thế dòng tiền” của VnEconomy vẫn chỉ giữ nguyên trạng, thậm chí có người vẫn chọn giải pháp đứng ngoài thị trường.
Tuy nhiên đã có sự phân hóa trong quan điểm đánh giá thị trường, với một số cái nhìn lạc quan hơn, nhất là sau khi thị trường thiết lập được một tuần liền tăng điểm.
Có 2/5 chuyên gia thực hiện tăng tỉ trọng cổ phiếu lên trong tuần này với mức cao nhất 50%.
Yếu tố khiến các quan điểm trở nên phân hóa, chính là thanh khoản. Quan điểm thận trọng cho rằng mặc dù có sự gia tăng về thanh khoản trong tuần này nhưng chưa có sự bứt phá rõ rệt và mới chỉ gia tăng ở cục bộ một số cổ phiếu.
Trong khi đó, quan điểm cởi mở hơn lại nhìn nhận về hiện tượng xoay vòng của dòng tiền và một chút gia tăng thanh khoản hiện tại đủ để ổn định thị trường, giữ cho giá phân hóa.
Điểm chung mà các chuyên gia đều chờ đợi để có thể thúc đẩy giải ngân mạnh hơn là sự bứt phá thực sự về khối lượng và giao dịch tích cực ở các nhóm cổ phiếu dẫn dắt, thoát khỏi diễn biến đi ngang.
Một tuần tăng điểm thuyết phục?
Tuần này thị trường chờ đợi một sự gia tăng thanh khoản và quả thực, khối lượng bình quân hàng ngày đã tăng 30%, giá trị khớp lệnh tăng gần 40% so với tuần trước. VN-Index cũng tăng 2,8% và đóng cửa trên 570 điểm. Liệu những yếu tố tăng trưởng giao dịch đó đã thuyết phục được anh chị?
Theo tôi thị trường trong tuần này có diễn biến giao dịch tích cực xử lý tốt ngưỡng cản mạnh quanh 570 điểm với thanh khoản tăng dần đều.
Dòng tiền sau khi dồn vào các cổ phiếu lớn đã xoay vần qua nhiều nhóm cổ phiếu midcap và penny giúp cho xu hướng tăng giá trong ngắn hạn không bị phủ nhận.
Tuy vậy, sự thận trọng của nhà đầu tư khi chỉ số có phần tiến lên chậm chạp hơn trong hai phiên giao dịch cuối tuần đã kìm hãm sự hưng phấn đang có từ diễn biến giao dịch tích cực đầu tuần.
Vị thế mua đã được mở ra, nhưng nhà đầu tư tránh mua đuổi giá cao và chủ động thu gom cổ phiếu ở các mức điều chỉnh trong phiên để giữ vị thế chủ động của mình.
Thị trường tuần qua đã có các phiên tăng điểm liên tục và nhiều mã cổ phiếu có giao dịch ấn tượng. Thực tế cho thấy thị trường đang hoàn thiện sóng tăng điểm và có thể chạm ngưỡng 580 - 582 điểm vào tuần tới.
Thanh khoản trên hai sàn có sự cải thiện nhưng không tăng đột biến, phản ánh rằng thị trường đang được giao dịch ổn định hơn, dòng tiền đang phần hóa vào nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 2 tốt, những cổ phiếu có tin tức cơ bản hỗ trợ chứ không phải là những cổ phiếu mang tính đầu cơ cao.
Tôi cho rằng thị trường hiện nay chúng ta nên giải ngân mới mức độ tiền vừa phải và chỉ tập trung vào những cổ phiếu blue chips hoặc mid cap cơ bản với thời gian nắm giữ lâu hơn.
Với các thông tin tích cực từ cuối tuần trước, dòng tiền đầu cơ trong nước đã tự tin giải ngân, tạo ra diễn biến thuận lợi cho thanh khoản và các chỉ số. Theo tôi đây là những tín hiệu tích cực trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, động lực hỗ trợ cho xu hướng tăng trung hạn không mạnh do vậy tôi cho rằng đợt tăng này sẽ khó kéo dài, có thể sớm kết thúc khi VN-Index đi vào vùng 580-600 điểm.
So với tuần trước, thanh khoản đã có sự cải thiện nhưng là so với tuần trước đó!
Dòng tiền thực tế vẫn không có một sự bứt phá nào đáng kể khi mặt bằng thanh khoản không có nhiều thay đổi. Thực tế là thanh khoản tuần qua thậm chí vẫn còn thấp hơn so với tuần cuối tháng 5 và tuần đầu tiên của tháng 6 - khi thị trường bắt đầu đợt hồi phục.
Tôi đưa ra một vài con số thống kê sau đây sẽ cho thấy rằng trạng thái của thị trường gần như không có nhiều thay đổi và cơ hội ở giai đoạn này là ít ỏi.
Trong số gần 700 mã cổ phiếu niêm yết trên hai sàn, nếu tìm ra các cổ phiếu tăng giá 2% so với cuối tuần trước (đảm bảo cho nhà đầu tư có một phần nhỏ lợi nhuận sau khi trừ đi các chi phí liên quan) và thanh khoản bình quân tuần lớn hơn 30.000 đơn vị/phiên (đảm bảo để nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể lướt sóng được), con số có được là 90 mã cổ phiếu; trong khi đó nếu yêu cầu mức tăng trưởng cao hơn, cụ thể mức 5%, con số này chỉ là 44 mã cổ phiếu.
Không thể phủ nhận rằng tuần vừa rồi thị trường diễn biến tích cực và dòng tiền được duy trì đều đặn qua các phiên. Tuy vậy, sự tăng điểm này chưa thực sự thuyết phục với tôi bởi các lý do:
Thứ nhất, thanh khoản tăng nhưng mang tính cục bộ. Mỗi phiên chỉ có một số cổ phiếu có đột biến, và chính những cổ phiếu này sau phiên tích cực đó lại sớm quay về trạng thái lình xình, thanh khoản sụt giảm.
Thứ hai, 85% các mã trên thị trường chưa thoát khỏi trạng thái đi ngang trong biên độ hẹp kéo dài trong 3 tuần qua.
Đón kết quả kinh doanh quý 2
Thị trường đã đi đến hồi kết của quý 2 với những ước tính kết quả kinh doanh chuẩn bị xuất hiện. Anh chị kỳ vọng và quan tâm đến nhưng nhóm cổ phiếu hay các cổ phiếu cụ thể nào?
Cũng giống như giai đoạn cuối quý 1, tôi không thật sự kỳ vọng vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 sắp tới.
Một vài thông tin gần đây về sự ấm lên của thị trường bất động sản, hay việc thông qua gói 16.000 tỷ hỗ trợ ngư dân đóng tàu… có thể đem đến một số kỳ vọng cho một vài cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản, thép…
Theo tôi một số cổ phiếu hàng đầu về chứng khoán (SSI, KLS, SHS), bất động sản (VIC, VCG, NTL, HDG) và hạ tầng (IJC, HUT) nên được chú ý trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 sắp được công bố.
Sự kỳ vọng có thể tăng lên và nó sẽ hỗ trợ thị trường sau kỳ review danh mục của quỹ ETF VNM.
Tôi quan tâm chủ yếu đến nhóm cổ phiếu thị trường như chứng khoán, ngân hàng, và một số mã bất động sản như LCG, VCG, DXG, HBC.
Trong nhóm cơ bản, FPT, HAG, DBC và DPM cũng nằm trong danh sách theo dõi của tôi trong nhịp tới.
Chúng ta có thể dự đoán được phần nào những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt hoặc có có tình hình kinh doanh khởi sắc thông qua diễn biến giao dịch sôi động của các cổ phiếu này trong 1 - 2 tuần trở lại đây.
Cổ phiếu của các nhóm ngành cơ bản: bảo hiểm, chứng khoán, dệt may, xây dựng hạ tầng, dầu khí. Các cổ phiếu đáng chú ý như: BVH, HCM, TCM, FCN, PVD, VCB, HUT, DLG, DHM…
Theo dõi các doanh nghiệp niêm yết, tôi nhận thấy số ít cổ phiếu ngân hàng, công nghệ và dịch vụ công cộng sẽ có được lợi nhuận ổn định, tăng trưởng so với cùng kỳ. Tôi kỳ vọng những cổ phiếu này sẽ có diễn biến thuận lợi về giá nhờ vào sự hỗ trợ của các yếu tố cơ bản.
Mở rộng danh mục: Chờ tín hiệu
Tuần trước hầu hết anh chị đều rất thận trọng. Liệu phân bổ danh mục của anh chị tuần này đã có sự thay đổi? Anh chị chờ đợi những dấu hiệu cụ thể nào để có thể giải ngân mạnh hơn?
Tôi vẫn đứng ngoài.
Cái tôi chờ đợi không hoàn toàn là việc VN-Index sẽ vượt ngưỡng này hay ngưỡng kia. Lý do chính của việc đứng ngoài thị trường là việc nó đang hồi phục với quá ít sự tích lũy ổn định, và sau đó dòng tiền vào thị trường trong quá trình hồi phục cũng không ổn định.
Khi nào điều này được khắc phục, thị trường tích lũy ổn định hơn và sau đó khi bứt phá, dòng tiền cũng nhanh chóng ổn định cùng diễn biến bứt phá của giá cổ phiếu, khi đó tôi sẽ quay lại.
Ngay phiên giao dịch đầu tuần tôi đã có sự tự tin hơn khi khuyến nghị khách hàng mua nhiều hơn ít nhất là trading ngắn hạn do dòng tiền có sự cải thiện và tập trung vào nhóm cổ phiếu cơ bản.
Thông thường việc chuyển biến về vĩ mô cũng như quan trọng nhất là thanh khoản toàn thị trường tăng vọt là tín hiệu phản ánh việc dòng tiền đầu cơ đã tham gia, và đó chính là lúc giải ngân mạnh hơn.
Dù tuần trước tôi chọn biểu tượng Bò, nhưng phân bổ danh mục chỉ ở mức 30% và vẫn giữ nguyên trạng thái này cho đến hiện tại, bởi tôi cho rằng đây là giai đoạn chưa rõ ràng xu hướng, rủi ro cao mà lợi nhuận kỳ vọng quá mỏng.
Thực tế trong tuần vừa qua, mỗi phiên đều xuất hiện những cổ phiếu ngôi sao, nhưng thường chỉ tăng nhịp rất ngắn, thậm chí chỉ 1 đến 1 phiên rưỡi.
Tôi chờ đợi thị trường có biểu hiện thanh khoản cải thiện hơn, đồng thời dòng tiền duy trì ở các nhóm cổ phiếu dẫn dắt.
Chẳng hạn như ở nhóm chứng khoán, sau khi đột biến hôm 6/6, nhóm này diễn biến đi ngang ở vùng cao hơn 1 chút so với giai đoạn trước. Một số cổ phiếu bất động sản cũng trong tình trạng tương tự.
Nếu các nhóm này có thể bứt phá lên khỏi vùng đi ngang đó, thì khả năng thị trường sẽ tiếp diễn trạng thái đi lên sideway up, việc giải ngân sẽ an toàn hơn.
Tuần qua, thị trường diễn biến tích cực và chưa xuất hiện dấu hiệu đảo chiều, do vậy tôi vẫn duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức 50%.
Tuần tới, khi VN-Index đi vào vùng 580 điểm tôi sẽ xem xét giảm tỷ trọng về mức 20%.
Vị thế mua đã mở ra nên tôi tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu lên mức 50% trong danh mục. Số lượng tiền mặt còn lại nhằm chủ động cho hoạt động swing trong phiên.
Điểm tốt của thị trường thiếu “trụ”
Điểm mà thị trường đều nhìn thấy là vai trò dẫn dắt VN-Index đã không còn xuất phát từ các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất như GAS, MSN hay VNM. Tuy nhiên VN-Index vẫn đều đặn tăng điểm sang phiên thứ 6. Trên góc độ kỹ thuật, theo anh chị biến động như vậy đó đáng tin cậy?
Không có GAS và VNM, thị trường còn có VCB, BVH... Trong tuần qua trụ đỡ của VN-Index luân phiên thay đổi. Hãy làm một phép so sánh: trong khi Index vượt đỉnh cuối tháng 5, có bao nhiêu cổ phiếu đạt được điều này? Câu trả lời chỉ là hơn 10%.
Như vậy với tôi, biến động của Index trong hai tuần đang có sự phân kỳ với hầu hết các cổ phiếu, nên diễn biến tăng này chưa đáng tin cậy.
Thị trường tăng điểm nhờ sự dẫn dắt lần lượt của các nhóm cổ phiếu là một tín hiệu tốt. Bên cạnh đó thanh khoản cải thiện đã cho thấy nhà đầu tư đang tự tin hơn vào xu hướng thị trường.
Đây là cơ hội tốt để thực hiện lướt sóng, tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, tôi nhận thấy động lực hỗ trợ cho xu hướng trung hạn xuất hiện chưa đủ mạnh, nhiều khả năng đợt tăng điểm này sẽ sớm kết thúc.
Trên góc độ kỹ thuật, nếu nói riêng về VN-Index, chỉ số này đang ở rất gần khu vực đỉnh với áp lực phân phối rất mạnh diễn ra trước đó, trong khi khối lượng giao dịch lại chưa có sự đột biến thì rủi ro về một sự đảo chiều đang tăng cao dần.
Việc các phiên giao dịch của tuần qua trên đồ thị nến của VN-Index liên tục xuất hiện các bóng trên đã cho thấy những dấu hiệu về sự suy yếu. Còn về bản chất bên trong thị trường, tôi đã nêu rất kỹ qua các con số thống kê kể trên.
Biến động xoay vần sang các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ từ xuất phát điểm từ các cổ phiếu có vốn hóa lớn giúp cho bức tranh tăng giá của VN-Index và HNX-Index có sự đa dạng và thông thường từ đó sẽ bắt nguồn cho một xu hướng tăng bền vững hơn.
Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng vào niềm tin của nhà đầu tư có thể dần dần được lấy lại, sau sự kiện biển Đông vào đầu tháng 5.
Nếu trước đó khi mà toàn thị trường chỉ những cổ phiếu vốn hóa lớn tăng điểm mạnh thì hiện nay dòng tiền đã và đang tập trung vào nhóm cổ phiếu cơ bản hơn như: BVH, VCB, FCN, TCM… cho thấy nhà đầu tư đã mạnh dạn nắm giữ và mua vào cổ phiếu đây có thể coi là thị trường đang diễn biến tích cực và đáng tin cậy.
Thông thường cổ phiếu cơ bản sẽ tăng điểm trước sau đó đến nhiều cổ phiếu - trong đó có cổ phiếu đầu cơ - bùng nổ tăng điểm sau đó.
Nguyễn Hoàng
vneconomy
|