CPI được dự báo tăng nhẹ, VN-Index sẽ khép tháng 6 tại mốc nào?
CPI tháng 6 được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhẹ với mức ảnh hưởng chính đến từ việc điều chỉnh giá của dịch vụ y tế. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đưa ra con số dự báo cho VN-Index cuối tháng 6.
Bà Nguyễn Mai Phương – Giám đốc nghiên cứu CTCK Maritimebank (MSBS): “Tháng 6 CPI có thể tăng 0.4% (+/-0.05%) so với tháng trước và tăng khoảng 5% (+/- 0.05%) so với cùng kỳ năm trước”.
Bà cho rằng, nếu nhìn về yếu tố cung cầu thì tạm thời sẽ không có tác động quá nhiều đến CPI tháng 6/2014. Tuy nhiên trong tháng 6, CPI sẽ chịu áp lực của việc tăng giá của dịch vụ y tế. Năm nay, TP.HCM đã công bố tăng mức viện phí và lộ trình tăng viện phí áp dụng ngay từ tháng 6/2014. Điều này sẽ tác động đến CPI tháng 6 của TP.HCM và của cả nước.
Ngoài ra tháng 6 thời tiết nắng nóng, hoạt động du lịch, nghỉ ngơi của nhiều công ty, tổ chức trong nước cũng phần lớn sẽ được diễn ra, nhu cầu về giải khát, tiêu thụ hàng hóa cũng sẽ tăng lên. Đây sẽ là một trong các yếu tố có thể tác động mạnh đến CPI, vì vậy bà Phương dự báo CPI tháng này có thể sẽ tăng 0.4% (+/-0.05%) so với tháng trước.
Bước sang quý 2/2014 cũng là thời điểm bắt đầu mùa xây dựng, nên thị trường tiêu thụ các loại VLXD đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại sau một thời gian dài trầm lắng, trong đó lượng sắt thép và xi măng được tiêu thụ mạnh, giá bán tăng. CPI nhóm hàng này đã tăng mạnh trong tháng 5.
Trong những tháng cuối năm bà Phương cũng như MSBS cho rằng CPI sẽ tiếp tục hồi phục, tuy nhiên mức độ hồi phục sẽ rất “khiêm tốn” vì hiện tại yếu tố tổng cung-cầu của nền kinh tế vẫn chưa thấy có dấu hiệu nào có thể tác động mạnh đến lạm phát trong những tháng cuối năm.
Về TTCK, theo bà Phương, cầu của nền kinh tế có tiến triển nhưng với mức độ thấp, tuy nhiên vấn đề lạm phát trong thời gian gần đây cũng tác động, ảnh hưởng không quá lớn đến diễn biến của TTCK, mà thay vào đó là các vấn đề như ảnh hưởng thương mại của quan hệ Việt-Trung, tỷ giá,… Bà dự báo, tháng 6 VN-Index sẽ đóng cửa ở mức 565 điểm (+-5 điểm).
“CPI tháng 6 vẫn có thể giữ xu hướng tăng nhẹ” là nhìn nhận của ông Nguyễn Hải Đăng – Trưởng phòng phân tích CTCK Saigonbank Berjaya (SBBS).
Theo ông Đăng, trong tháng 6, thị trường hàng hóa nhìn chung vẫn sẽ không biến động nhiều. Tuy nhiên, nhóm ăn uống ngoài gia đình có thể bị ảnh hưởng khi bước vào mùa thi và mùa hè; nhóm thuốc và dịch vụ y tế có thể tăng khi TP.HCM bắt đầu điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh từ ngày 1/6 vừa qua. Ngoài ra chính sách chống quá tải của bộ Giao thông Vận tải cũng làm tăng giá cước vận tải và giá nhiều mặt hàng khác. Do đó CPI tháng 6 vẫn có thể giữ xu hướng tăng nhẹ.
Các nhóm mặt hàng tăng nhiều là nhà ở và vật liệu xây dựng do ảnh hưởng của giá bình quân điện, nước sinh hoạt tăng khi nhu cầu sử dụng điện, nước tăng trong mùa nắng nóng; giá dịch vụ sửa chữa nhà cửa tăng và giá vật liệu xây dựng cao hơn do tác động từ cước vận tải; nhóm đồ uống, thuốc lá, ăn uống ngoài gia đình tăng và nhóm thực phẩm tăng do giá một số loại thịt, rau và dịp hè; nhóm giao thông tăng do tác động của việc tăng giá xăng dầu cuối tháng 4, nhu cầu đi lại cao hơn trong dịp nghỉ lễ và tăng giá một số dịch vụ giao thông công cộng.
Ông Đăng cho biết, mức tăng thấp nhưng CPI tháng 6 có thể không trực tiếp tác động tích cực lên TTCK do đây không còn là yếu tố bất ngờ. VN-Index có thể sẽ kết thúc tháng 6 ở mức 570-580 điểm.
Ông Huỳnh Ngọc Thương – Trưởng phòng phân tích CTCK Nhất Việt (VFS) nhìn nhận: “Theo mô hình dự báo của VFS Research CPI tháng 6 sẽ tăng nhẹ từ 0.1% đến 0.2% so với tháng 5, tương đương chỉ số giá 6 tháng đầu năm chỉ tăng 1.18% đến 1.28% so với cuối năm 2013”.
Trong thời gian gần đây, một số yếu tố chi phí đẩy đã bắt đầu tác động lên CPI, nhưng lực cầu còn yếu đã phần nào giúp lạm phát vẫn ở mức thấp và ổn định. Đây là diễn biến bình thường sau chu kỳ suy giảm kinh tế để bắt đầu một chu kỳ mới của tăng trưởng.
Các mô hình dự báo của VFS Research cho thấy CPI tháng 6 sẽ tăng nhẹ từ 0.1% đến 0.2% so với tháng 5, tương đương chỉ số giá 6 tháng đầu năm chỉ tăng 1.18% đến 1.28% so với cuối năm 2013. Đóng góp chính vào mức tăng trong tháng 6 là nhóm hàng hóa may mặc, xây dựng và thiết bị gia đình; trong khi đó, nhóm có đóng góp chủ yếu trong CPI là hàng ăn và dịch vụ ăn uống nhiều khả năng sẽ giảm nhẹ sau 2 tháng tăng trưởng trước đó.
Chung quan điểm với các chuyên gia của MSBS và SBBS, ông Thương cho rằng chỉ số giá không còn là nhân tố quan trọng dẫn dắt thị trường nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, vì vậy CPI gia tăng sẽ không có nhiều tác động đến thị trường chứng khoán trong thời điểm hiện tại. Ông dự báo, kết thúc tháng 6, VN-Index sẽ không thay đổi nhiều so với mức hiện tại.
Duy Hoàng
công lý
|