EVN “lãi vượt kế hoạch” nhờ tăng giá điện
Nhờ vào hai lần điều chỉnh giá điện trong vòng chưa đầy một năm, EVN đã có lợi nhuận “vượt kế hoạch đề ra”.
* Hóa đơn điện bất ngờ tăng gấp 3-4 lần
Theo báo cáo giám sát năm 2013 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa gửi Bộ Công Thương, trong năm 2013, do có nhiều thuận lợi về thời tiết, thủy văn, đặc biệt là công trình Thủy điện Sơn La vào vận hành làm cho sản lượng thủy điện tăng cao hơn.
Đáng chú ý, cùng với việc ổn định của tỷ giá và giá điện tăng khoảng 5% vào cuối tháng 12/2012 và tăng thêm 5% từ tháng 8/2013 làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2013 của EVN có lãi vượt kế hoạch được giao.
Cụ thể, lợi nhuận hợp nhất sau thuế toàn tập đoàn đạt 9.197 tỷ đồng, riêng công ty mẹ đạt lợi nhuận sau thuế là 8.239 tỷ đồng. Sau khi bù các khoản lỗ lũy kế thì toàn tập đoàn còn 547 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ còn 267 tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 5,5%, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản đạt 2,2%.
Trong năm 2013, EVN đã cơ bản thực hiện nghĩa vụ thu nộp ngân sách Nhà nước, phát sinh thuế và các khoản phải nộp đến đâu đều thực hiện thu nộp đầy đủ, kịp thời và đúng quy định với số tiền là 4.258 tỷ đồng.
Về sử dụng vốn đầu tư, trong năm 2013, EVN và các đơn vị đã ký hợp đồng vay trên 20.000 tỷ đồng vốn tín dụng thương mại và tín dụng ưu đãi trong nước. Tổng nguồn vốn nước ngoài đã ký kết trong năm 2013 đạt 792 triệu USD vốn vay thương mại và 120 Euro vay ODA.
Ngoài ra, EVN đã được các ngân hàng cho giãn trả nợ khoảng 3.000 tỷ đồng cho dự án thủy điện Sơn La.
Như vậy, so với con số “khoảng 120 tỷ đồng” lãi trong năm 2013 do chính Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh Công bố hồi đầu năm 2014 thì lợi nhuận thực tế của Công ty mẹ EVN đã tăng hơn gấp đôi khi đạt 267 tỷ đồng.
Điều đáng nói, việc “lãi vượt kế hoạch” nói trên và hai lần tăng giá điện trong vòng 8 tháng được EVN thực hiện trong bối cảnh nhiều yếu tố về thời tiết, thuỷ văn ủng hộ ngành điện như chính báo cáo của EVN nêu trên. Trong khi, cũng với lý do này đã được EVN đưa ra để lý giải cho kết quả sản xuất, kinh doanh không đạt kế hoạch trong nhiều năm trước.
Ngoài ra, cũng cần nói thêm rằng, theo yêu cầu của Chỉ thị 11/2014 hồi tháng tư vừa qua của Bộ Công Thương về minh bạch trong kinh doanh xăng dầu, điện, thì các tập đoàn như EVN, Petrolimex định kỳ phải báo cáo kết quả thực hiện chi trả tiền lương, thưởng cho lãnh đạo tập đoàn. Tuy nhiên, trong báo cáo nói trên gửi Bộ Công Thương, nội dung này chỉ được EVN gói gọn trong cụm từ “thực hiện theo hướng dẫn của bộ, ngành về tiền lương, thu nhập”.
Song Hà
vneconomy
|