Thứ Hai, 30/06/2014 11:36

Có thể tạm đóng một số cửa khẩu Việt - Trung: Sự ‘hăm dọa' nho nhỏ?

Chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu Trung Quốc đóng một số cửa khẩu với Việt Nam thì chính họ cũng chịu thiệt hại, nên có thể đó chỉ là động thái “hăm dọa nho nhỏ” mà thôi.

Trả lời phỏng vấn VTC News, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM) cho rằng: Nếu xảy ra việc Trung Quốc đóng cửa khẩu cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến GDP của Việt Nam, nhưng sẽ tác động lớn đến bà con nông dân. Đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nên có thể tạo ra áp lực xã hội nhất định.

“Tuy nhiên, việc Trung Quốc đóng cửa hàng loạt cửa khẩu sẽ rất khó xảy ra bởi vì làm thế chính Trung Quốc cũng thiệt hại, và như vậy có thể vi phạm một số cam kết với khu vực và Quốc tế. Nên theo tôi, rất có thể đó chỉ là hành động mang tính chất thăm dò, là sự hăm dọa nho nhỏ mà thôi", ông Thành nhận định.

- Sự “đe dọa nho nhỏ” như ông nói có phải liên quan đến những căng thẳng đang diễn ra trên biển Đông?

Chưa có căng thẳng trên biển Đông thì trước đây đã từng xảy ra những chuyện như vậy rồi, nhưng giờ xảy ra lớn hơn, dồn dập hơn thôi. Đây có thể là họ đang bày ra những trò, những mẹo để ‘dằn mặt’ mình.

Tất nhiên nếu Trung Quốc đóng cửa hàng loạt thì hẳn là có yếu tố biển Đông ở đó. Trong trường hợp đó họ sẽ đưa ra các lý do rất hợp lý như: hàng hóa chưa đảm bảo chất chất lượng, hoặc nếu về du lịch thì họ sẽ đổ sang là tâm lý người dân… để né vi phạm các cam kết đã ký.

Việc xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc lâu nay chủ yếu qua đường tiểu ngạch, nên chỉ cần động thái nhỏ của họ mình cũng bị ảnh hưởng. Điều này chúng ta đã nhìn ra từ lâu.

Nhưng do việc xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch dễ dàng hơn, kiểm soát chất lượng cũng không quá nghiêm ngặt… nên nhiều người vẫn thích. Chỉ đến khi xảy ra sự cố, thì lúc đó mới giật mình, cuống cuồng tìm cách đối phó. Như vậy rất khó xoay trở kịp.

- Những năm 1979, 1980 cũng xảy ra trường hợp Trung Quốc đóng cửa hàng loạt các cửa khẩu với Việt Nam. Theo ông tình hình bây giờ và khi đó có giống nhau?

Khác hoàn toàn chứ. Đó là chiến tranh biên giới nên chuyện đóng cửa là đương nhiên. Còn bây giờ sao làm thế được. Nếu tuyên chiến lại là chuyện khác.

Bây giờ mà họ tự nhiên đóng cửa sẽ phá các cam kết thì Việt Nam hoàn toàn có thể kiện. Thế nên tôi mới nói khả năng đóng cửa hàng loạt là rất khó xảy ra. Có thể họ chỉ ‘đe dọa’ chút thôi. Hơn nữa, nếu họ đóng cửa thì họ cũng không thể xuất khẩu sang Việt Nam được, khi đó chính họ cũng chịu thiệt hại.

- Nhưng chỉ cần Trung Quốc tạm đóng một số cửa khẩu trong thời gian ngắn, Việt Nam cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn, thưa ông?

Đúng là sẽ ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là ảnh hưởng đến nông nghiệp. Tôi lấy ví dụ, giờ đang mùa vải, mà quả vải của ta chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, nếu họ đóng cửa, không xuất được thì biết bán đi đâu? Thị trường trong nước tiêu thụ cũng chỉ có hạn thôi. Xuất khẩu sang các thị trường khác thì cần phải có thời gian, cần đầu tư hệ thống phân phối… Cái đó thì không thể muốn làm ngay được.

Bây giờ cần xem họ sẽ đóng cửa các cửa khẩu nào thì mới biết tác động ra sao. Nếu họ đóng các cửa khẩu ở Tân Thanh (Lạng Sơn), hay Móng Cái (Quảng Ninh) – những cửa khẩu ta chủ yếu xuất hàng nông, thủy sản thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bà con nông, ngư dân ngay. Cái đó chúng ta cũng phải tính toán sớm.

- Ông có cho rằng đây chính là thời điểm để các doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng, tìm kiếm các thị trường khác ổn định hơn?

Tôi cho rằng không phải là thời điểm gì cả, nó là vấn đề thị trường. Chúng ta phải biết khả năng của mình, không phải mình cứ muốn xuất khẩu là được. Rất nhiều sản phẩm nông sản của mình sản xuất không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, không đúng quy trình theo yêu cầu của các thị trường khác.

Hàng hóa xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc có thể họ chấp nhận được nhưng sang thị trường mới thì phải mất rất nhiều thời gian. Trước tiên phải chuẩn hóa lại các tiêu chuẩn, các kênh phân phối… mất thời gian và sẽ rất tốn kém nên nhiều người cũng ngại đầu tư.

Cái thứ 2 là, một số nước như Philippines, Thái Lan… hàng nông sản của họ cũng gần giống Việt Nam, có thể họ đã đi trước, đã xuất khẩu sang các nước EU, Mỹ, Nhật… trước mình rồi, quy trình của họ cũng tốt rồi, nên để cạnh tranh được mình cũng sẽ có những khó khăn trong giai đoạn đầu.

Thế nên cái cần thiết là chúng ta phải tính trong dài hạn, làm sao dần dần bớt phụ thuộc vào một thị trường để giảm thiểu rủi ro.

- Ý ông là chúng ta phải sớm tìm cách thoát ra khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc?

Nói chữ ‘thoát’ thì không phải, nhưng vấn đề là ta phải tính cách chơi với Trung Quốc như thế nào để có lợi nhất.

Mỹ họ cũng chơi, Nhật cũng chơi, nhưng họ tính kỹ chơi cái gì tăng lên, cái gì giảm đi… để làm sao tốt nhất cho họ.

Mình cũng phải làm thế để dần dần chủ động hơn trong vấn đề thị trường, kể cả là khi không có biến động về mặt địa chính trị thì cũng cần tính toán các lối ra hợp lý hơn.

Hoàng Lan

VTCnews

Các tin tức khác

>   Hóa đơn điện bất ngờ tăng gấp 3-4 lần (30/06/2014)

>   Triệu phú gốc Việt mua tháp Eiffel (29/06/2014)

>   Người tố cáo tham nhũng sẽ được trích thưởng từ số tiền thu hồi (28/06/2014)

>   Vụ điện thoại bị nghe lén: Khởi tố, bắt 4 người (28/06/2014)

>   Bắt một phó giám đốc buôn lậu dầu (28/06/2014)

>   Tàu Trung Quốc chìm gần Senkaku/Điếu Ngư (28/06/2014)

>   Y án chung thân “siêu lừa” bảo hiểm 230 tỷ đồng (27/06/2014)

>   Đề án cá cược bóng đá vẫn đang trong quá trình nghiên cứu (27/06/2014)

>   Giám sát đặc biệt đối với VietJet Air (27/06/2014)

>   Báo Mỹ: Giàn khoan TQ thứ hai bắt đầu khoan ở Biển Đông (27/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật