Khốc liệt, vật vã đưa hàng vào siêu thị
Siêu thị lớn ngày càng đông khách, cùng đó, hàng trăm nhà cung ứng chen chân đưa hàng vào khiến cạnh tranh đưa hàng lên kệ siêu thị ngày càng khốc liệt.
Sự việc mới đây giữa công ty Minh Long khi bị một siêu thị nước ngoài lạm quyền nâng giá sản phẩm của thương hiệu này. Phản ứng của Minh Long là rút hàng loạt sản phẩm của mình tại siêu thị này về. Dù sự việc mới dừng ở đó, cả 2 bên đều không muốn thông tin gì thêm, song sự việc này cho thất sóng ngầm trong mối quan hệ doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối lâu nay "cơm không lành canh chẳng ngọt".
Theo một DN cung ứng các mặt hàng thực phẩm cho nhiều siêu thị lớn tại TP.HCM, hiện nay DN mới muốn đưa hàng vào siêu thị rất khó. Vì các siêu thị bây giờ đều khống chế số lượng nhà cung cấp cho mình. Thị trường có quá nhiều nhà cung cấp nên DN muốn đưa hàng mới vào siêu thị ngoài việc phải đóng phí tạo mã hàng thì còn phải đóng phí nhà cung cấp (trước đó không có).
Mức phí đóng mã hàng mới cũng rất đa dạng được đưa ra tùy từng siêu thị từ mức 300.000 đồng/mã hàng, đến 2 triệu đồng/mã hàng, có siêu thị đưa mức phí này lên tới 15 triệu đồng/mã hàng (theo thông tin thì đó là mức phí của một siêu thị nước ngoài).
Còn việc định giá bán hàng của DN trong siêu thị tùy thuộc vào sự thương lượng giữa DN và siêu thị. Tuy nhiên, DN phải chiết khấu lại cho siêu thị ít nhất là 10%, có siêu thị đòi chiết khấu đến 20%. DN trên cho biết: “Nếu phải chiết khấu cao thì DN buộc phải nâng giá sản phẩm lên để bù lại. Người chịu cuối cùng vẫn là người tiêu dùng”.
Tuy nhiên, một quản lý siêu thị cho biết, DN cũng không thể nâng giá bán quá cao so với thị trường được. Vì siêu thị cũng “soi” xem giá bán của DN có hợp lý không, có thích hợp với mặt bằng chung hay không. Nếu bất hợp lý siêu thị sẽ yêu cầu DN điều chỉnh lại giá hàng hóa của mình.
Việc chiết khấu cao khiến nhiều DN phải rút mặt hàng của mình. Chẳng hạn, mặt hàng Giấy Mai Lan trước kia đặt hàng tại 4-5 siêu thị, nay công ty chỉ đặt tại siêu thị Maximark.
Đại diện của nhãn hàng Giấy Mai Lan cho biết, bên cạnh việc cạnh tranh với các mặt hàng nhãn hiệu giấy khác, công ty cũng phải cạnh tranh ngay cả với những mặt hàng gắn mác của siêu thị như: Co.opmart, BigC, Metro… Hàng của những DN lớn như: Masan, Vinamilk hay của siêu thị được đặt ở vị trí đẹp, dễ nhận thấy. Hiện tại mỗi quầy của những nhãn hàng nhiều DN cũng đặt luôn người chăm sóc quầy nhằm lôi kéo khách hàng mua sản phẩm. Như vậy, sẽ tăng chi phí mà chỉ có DN lớn mới chịu được, còn DN nhỏ phải chịu “lép”.
“Hiện các siêu thị và các DN cung ứng hàng hóa vào siêu thị đang cạnh tranh khốc liệt. Siêu thị chọn nhà cung ứng tốt, DN muốn siêu thị lớn, đông khách nên thường có tình trạng DN bị ép nhiều thứ: ép giá, mức chiết khấu cao, dây dưa công nợ…”, DN trên cho biết. Đối với công nợ, hiện DN phải bán hàng cho siêu thị theo hình thức trả chậm 60 ngày. Còn nếu là mặt hàng không phải là tiêu dùng nhanh thì hàng bán được đến đâu siêu thị trả tiền đến đó. Do vậy, công nợ này sẽ được DN “đẩy” lại cho người sản xuất biến thành một khoản nợ dây chuyền.
“Đây là quy định của siêu thị, DN muốn đưa hàng vào thì phải theo. Chỉ có những nhãn hàng lớn như các sản phẩm của Unilever mới đủ sức ép khiến siêu thị phải thanh toán tiền hàng đúng hạn, cứ sau một tháng họ đối chiếu công nợ và thanh toán tiền hàng. Nếu siêu thị khó khăn thì việc đòi tiền của DN thật sự trầy trật”, một DN chia sẻ.
Bên cạnh đó, DN đưa hàng vào siêu thị cũng phải chịu điều kiện nếu hàng hóa bán chậm hoặc sau 03 tháng không bán được thì siêu thị sẽ “khóa mã” mặt hàng đó để dành chỗ cho sản phẩm mới của DN mới. Do vậy, việc chạy đua đưa hàng vào siêu thị là một cuộc chơi không đơn giản.
Nhưng việc đưa hàng vào siêu thị vẫn là sự mơ ước của nhiều sản phẩm, vì đó là sự đảm bảo của thương hiệu qua hệ thống kiểm định hàng hóa của siêu thị, sự ổn định khi mặt hàng có chỗ đứng. “Tuy nhiên, trong hợp đồng ký với siêu thị, DN cung ứng hàng hóa phải cam kết trong một quý hay một năm chạy bao nhiêu chương trình giảm giá để thực hiện giảm giá cho người tiêu dùng”, Giám đốc một nhãn hàng về sanrn phẩm nhựa cho biết.
Còn đại diện một siêu thị có thương hiệu tại phía Nam cho rằng, hiện thị trường khó khăn, sức mua giảm nhiều so với trước đây. Nếu trước kia vào những ngày cuối tuần hay ngày lễ lượng người mua sắm tăng lên tới 30%, thậm chí có những lúc tăng lên 50%. Nhưng hai năm trở lại đây, dù cuối tuần nhưng người mua trong siêu thị thưa vắng hẳn, để cạnh tranh siêu thị phải liên tục tung ra những chương trình khuyến mãi giảm giá luân phiên các mặt hàng. Đây là một trong những chủ trương của UBND TP.HCM trong chương trình bình ổn giá. Do vậy, các DN cũng phải chung tay chia sẻ với siêu thị để giảm giá cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, lượng mất mát hàng hóa trong siêu thị khá lớn nên siêu thị phải có những mức phí đối với DN cung ứng hàng hóa để bù đắp lại.
Như vậy, bài toán đối với những DN nhỏ là phải tạo cho mình một mạng lưới bán hàng ngoài siêu thị, nên việc tiếp thị sản phẩm trực tiếp đến các cơ quan, doanh nghiệp, trường học… để duy trì doanh thu là biện pháp tình thế khi cuộc chơi trong siêu thị không hề đơn giản.
Linh Lan
Infonet
|