Câu chuyện kinh doanh
“Người Nhật sẵn lòng giúp Việt Nam”
Sự kiện Ngày Việt Nam lần đầu tiên được Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cùng Bộ Công thương và chính quyền tỉnh Nagasaki tổ chức tại tỉnh này ngày 25-6 đã thành công vượt dự tính của ông tham tán công sứ Việt Nam Nguyễn Trung Dũng.
Từ trái qua: Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, Tham tán công sứ Việt Nam tại Nhật Nguyễn Trung Dũng, Thống đốc tỉnh Nagasaki Nakamura và Đại sứ Việt Nam tại Nhật Đoàn Xuân Hưng tham quan các gian hàng Ngày Việt Nam tại Nagasaki.
“Chúng tôi dự kiến chỉ có trên 130 quan khách tham dự. Tuy nhiên thực tế đã vượt mong đợi. Có tới 230 người tham gia, từ doanh nghiệp cho tới các quan chức địa phương, kể cả thống đốc, một số nghị sĩ” - ông Dũng nói.
Cuộc gặp sôi nổi ngay từ buổi sáng khi hai bên tiến hành hội thảo về đầu tư, thương mại. Sự quan tâm cao độ của doanh nghiệp nước bạn tiếp tục khiến buổi chiều, vốn dự định chỉ làm tọa đàm nhỏ với 50 người, bất ngờ biến thành cuộc hội thảo khá lớn với 150 người tham gia. Tỉnh Nagasaki còn dành thêm buổi tối để giao lưu liên hoan với sự tham gia của các nhà lãnh đạo hai bên và khoảng 400 doanh nghiệp.
Giữa những cuộc gặp gỡ đó, 30 gian hàng Việt Nam trưng bày tại đây đã thu hút sự quan tâm của các lãnh đạo và doanh nghiệp Nhật.
Tại đây, các doanh nghiệp Nhật thể hiện rõ sự quan tâm tới nông sản, thực phẩm chế biến. Nhiều doanh nghiệp bày tỏ ý định sẽ đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt bằng việc đưa giống cây từ Nhật sang trồng tại Việt Nam rồi xuất ngược về Nhật.
Đặc biệt, phía Nhật muốn nhập cả các mặt hàng cơ khí. Đất nước vốn hùng mạnh về cơ khí này tập trung vào những sản phẩm cao cấp và có nhu cầu nhập khẩu cao với cơ khí thuộc ngành công nghiệp phụ trợ, với các mặt hàng như khung máy lạnh, đinh, ốc. Trước đây nước này nhập nhiều từ Trung Quốc nhưng nay sẵn sàng nhập từ Việt Nam. Tuy nhiên, phía Nhật cũng còn chút băn khoăn về những thủ tục ở Việt Nam. Có đại biểu đã nhắc đến việc mình xin giấy phép ba tháng nay mà chưa được cấp.
Bên cạnh thương mại, phía Nhật đã có những cam kết cụ thể để tiếp nhận tu nghiệp sinh Việt Nam sang làm việc tại đây (có thể hiểu như một dạng xuất khẩu lao động).
Cảm nhận của ông Dũng và nhiều người Việt có mặt tại sự kiện lần này là người Nhật thể hiện thái độ của một người bạn tốt, quan tâm nhau lúc khó khăn để xem giúp được gì là giúp. “Thật sự họ rất sẵn lòng muốn giúp Việt Nam không chỉ về khía cạnh hợp tác kinh tế. Lãnh đạo Nagasaki và tỉnh Quảng Nam đang chuẩn bị để kết nghĩa với nhau nhằm gắn kết toàn diện và sâu đậm hơn” - ông Dũng nói.
Sự sẵn lòng đó thể hiện rất rõ trên cơ sở niềm tin và những giá trị chung hai bên đã có sẵn. Chẳng hạn như Nagasaki là một trong những địa phương Nhật Bản đầu tiên có quan hệ với Việt Nam từ hơn 400 năm trước. Hội An chính là dấu ấn lịch sử cho quan hệ này. Cứ bảy năm một lần (lần gần đây nhất là năm 2013), trong lễ hội Okunchi ở Nagasaki, hình tượng công nữ Ngọc Hoa (con gái chúa Nguyễn Phúc Nguyên) theo chồng là thương gia Nhật Bản Akira Sotaro trên con tàu buôn trở về Nagasaki, mắt luôn ngoảnh lại quê hương Việt Nam được tái hiện. Theo ông Dũng, người dân Nagasaki rất trân trọng hình tượng cảm động này và chính ngài thống đốc tỉnh cũng luôn miệng nhắc tới kỷ niệm ấy.
Dấu ấn đó cũng chính là xuất phát điểm để ông Dũng cùng đại sứ Việt Nam tại Nhật quyết định tổ chức Ngày Việt Nam tại Nagasaki. Sự trân trọng giá trị lịch sử và hiểu biết lẫn nhau như vậy đã bắt đầu mang lại niềm tin và thái độ thân tình, cởi mở trong hợp tác hai bên.
Theo ông Dũng, người Nhật đã thể hiện rõ sự thiện cảm, cho thấy họ có cùng ý chí với Việt Nam. “Những khó khăn, căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc của Việt Nam hiện nay cũng là điều Nhật đã gặp phải nên họ rất đồng cảm và đặc biệt thể hiện thái độ ủng hộ tích cực với chúng ta” - ông nói.
Hồng Quý
Tuổi trẻ
|