Buôn bán tiểu ngạch với Trung Quốc: Lợi bất cập hại
Buôn bán tiểu ngạch qua đường biên giới với Trung Quốc là một hình thức xuất nhập khẩu được pháp luật thừa nhận với lượng hàng hóa giao dịch nhỏ, phương tiện vận chuyển đơn giản, thuế suất thấp và ít bị các ràng buộc rắc rối về thủ tục pháp lý thương mại quốc tế.
Với tiêu chí giá trị giao dịch nhỏ, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành là không quá 2 triệu đồng/người/ngày sẽ được miễn thuế, chủ yếu là mua bán hàng nông thổ sản, nhiều người dễ tính vẫn cho đây là hình thức “tự sản tự tiêu”, không đáng quan tâm.
Dưa hấu sản xuất quá nhiều, đến khi Trung Quốc gây khó thì phải đổ bỏ. Ảnh thu hoạch dưa hấu ở ĐBSCL
|
Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ lại thực tế của các hoạt động biên mậu với Trung Quốc - một tên gọi khác của buôn bán tiểu ngạch - thì vấn đề không hẳn như vậy. Buôn bán thì ai cũng mong có đồng lời, song nhìn toàn cục, xã hội chúng ta đang thua thiệt nặng vì buôn bán qua đường biên với các thương buôn phương Bắc.
Theo một con số thống kê được Bộ Công Thương công bố năm 2010, buôn bán hàng hóa qua đường tiểu ngạch giữa Việt Nam - Trung Quốc vào khoảng 10 tỉ đô la Mỹ. Đây có lẽ là con số ước chừng vì khó ai có thể thống kê một cách đầy đủ và chính xác khối lượng giao dịch có kê khai và trốn kê khai qua hàng trăm ngõ ngách luồn lách qua lại đường biên giới phía Bắc.
Xuất nhập nhiều qua đường tiểu ngạch là ở các cửa khẩu Ka Long, Móng Cái và Gia Vận (đều thuộc tỉnh Quảng Ninh), Tân Thanh (Lạng Sơn) và Hà Khẩu (Lào Cai). Mỗi ngày hàng trăm xe tải ùn ùn chuyên chở đủ loại nông lâm thủy sản khác qua Trung Quốc và chở về quần áo, đồ chơi, gia súc chết, trái cây, hóa chất, đồ gia dụng... của Trung Quốc, tỏa ra bán khắp nước. Dường như cái lợi của kiểu buôn bán này là giúp tiêu thụ hàng nông thủy sản trong nước, một phần giúp người dân có thể quay vòng sản xuất, giải quyết thêm việc làm cho dân lao động và ngân sách nhà nước có thêm chút tiền thuế và phí. Tuy nhiên, cái lợi vẫn rất nhỏ so với cái hại mà toàn xã hội phải gánh chịu.
Do đặc điểm kinh doanh tiểu ngạch là “mua rẻ - bán rẻ” nên thương buôn tìm mọi cách để ghìm giá mua càng thấp càng tốt và giảm chi phí vận chuyển càng nhiều càng lợi. Như vậy, người nông dân khó có thể bán giá cao, hoặc chỉ cao hơn chút đỉnh so với giá vốn. Nông dân vẫn luẩn quẩn trong vòng nghèo khổ.
Hàng thu gom được, thương lái sẽ hợp đồng với nhà xe chở thật nhiều, phần lớn là chở quá tải, để giảm chi phí vận chuyển. Hệ quả là hệ thống cầu đường từ Nam ra Bắc phải oằn mình chịu hàng trăm xe quá tải mỗi ngày và nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng. Thiệt hại này có ai tính ra? Cho dù ngành giao thông phải ra sức ngăn chặn tình trạng xe quá tải thì chi phí cho nỗ lực này, kể cả con người, vẫn là con số khổng lồ cho một đất nước khó khăn về kinh tế như Việt Nam. Hàng xuất qua biên giới nhiều khi lỗ nặng do thương buôn Trung Quốc ép giá hoặc trở mặt.
Trên đường về, hàng trăm xe tải lại tiếp tục chở hàng Trung Quốc về, mang theo bao nhiêu là đồ kém phẩm chất, độc hại, ô nhiễm, gieo rắc các hiểm họa tiềm tàng và lâu dài cho cộng đồng. Rất nhiều minh chứng thực tế cho việc tiêu thụ hàng nhập kém phẩm chất từ Trung Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng và an sinh xã hội. Tai họa này còn lớn gấp trăm lần rủi ro hư hỏng cầu đường.
Giá rẻ cũng đi kèm với chất lượng thấp. Một thiệt hại vô hình nữa là buôn bán tiểu ngạch sẽ hạn chế hoặc triệt tiêu sức sáng tạo của người sản xuất nội địa khi họ ít quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn hóa hàng hóa và chuyên nghiệp trong kinh doanh quốc tế.
Việc để thương nhân Trung Quốc len lỏi đến từng xóm làng để mua nông hải sản, tài nguyên thiên nhiên, các loại động thực vật hoang dã... khiến môi trường tự nhiên và hệ sinh thái dễ bị tổn thương mà không dễ gì khôi phục được.
Đó là chưa kể đến các mối nguy an ninh từ một nhà nước luôn có dã tâm cưỡng chiếm đất đai và tài nguyên của các quốc gia lân cận nhỏ hơn. Hành vi bành trướng và gây hấn trên biển Đông gần đây chỉ là một trong những biểu hiện tham vọng của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Đã đến lúc, dù hơi muộn, chúng ta phải hạn chế ngay sự lệ thuộc quá nhiều về kinh tế với Trung Quốc, từ buôn bán tiểu ngạch đến các hợp đồng cung cấp dịch vụ công nghiệp và năng lượng. Đó chỉ mới là một phần “lợi bất cập hại” trong cơ cấu trao đổi giao thương của chúng ta với Trung Quốc hiện nay.
Lê Anh Tuấn
tbktsg
|