Thứ Ba, 24/06/2014 06:51

"Nếu không cẩn trọng, sẽ cản trở quyền tự do của nhà đầu tư!"

Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) khi cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) trong phiên họp ngày 23-6 của Quốc hội (QH). Theo ĐB, dự thảo Luật vẫn còn một số điểm chưa thực sự phù hợp và có nguy cơ gây cản trở đáng kể cho quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư, vì vậy ĐB đề nghị cần được cân nhắc sửa đổi.

ĐB Vũ Tiến Lộc: Cần giảm danh mục dự án phải quản lý bằng Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Ảnh: Anh Đức.

“Một cổ hai tròng”

Theo ĐB Vũ Tiến Lộc, việc sửa Luật đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh môi trường kinh doanh đang có nhiều khó khăn như hiện nay và tinh thần kinh doanh cũng đang cần được sốc lại.

Tuy nhiên, dự thảo vẫn còn một số điểm chưa thực sự phù hợp và có nguy cơ gây cản trở đáng kể cho quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư, đó là về thủ tục đăng ký đầu tư, khái niệm kinh doanh và đầu tư. Theo ĐB, những khái niệm này về bản chất chỉ là một.

“Theo Luật Doanh nghiệp thì các chủ thể để được kinh doanh đều đã phải làm thủ tục đăng lý kinh doanh, với ý nghĩa như là thủ tục khai sinh để có thể bước vào thương trường. Dù nhà đầu tư là ai, doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân hay hộ gia đình. Tất cả đều phải đăng ký kinh doanh. Như vậy thật khó thuyết phục, nếu bắt họ tất cả các nhà đầu tư sau khi đã hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh lại phải đăng ký đầu tư một lần nữa theo Luật Đầu tư để triển khai các dự án kinh doanh”, vị Chủ tịch VCCI nêu bất cập trong dự án Luật.

Tuy nhiên trên thực tế vì một số lý do đặc biệt, một số dự án đầu tư vẫn cần được nhận diện bằng thủ tục đăng ký đầu tư để nhà nước có thể kiểm soát được các hoạt động này. Ví dụ các dự án cần nhà nước giao đất, cho thuê đất, các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản, các dự án sử dụng nhiều năng lượng v.v...

Do đó, ĐB đề nghị, để đạt được sự đột phá thì cần phải sự mạnh dạn hơn nữa cho việc giảm danh mục dự án cần phải quản lý bằng Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Bởi theo ĐB: “Sứ mệnh của Luật Đầu tư là phải góp phần tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư, nhưng với tư cách là luật chung khi các ưu đãi đầu tư đang được thu hẹp lại thì dư địa trên thực tế không còn nhiều các quy định của Luật Đầu tư. Vì vậy, cần phải được thiết kế cẩn trọng để không chồng lên Luật Doanh nghiệp và không lấn các luật chuyên ngành”.

Với quan điểm đó, ĐB đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc các ý kiến góp ý để bảo đảm Luật Đầu tư có thể trở thành “điểm tựa pháp lý vững chắc”, để các nhà đầu tư an tâm đầu tư kinh doanh, chuyên tâm vào các tính toán kinh doanh mà “không phải bận lòng đối phó với các thủ tục hành chính phiền hà, không làm nản chí kinh doanh của họ, đặc biệt trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn và thách thức như hiện nay”.

Ưu đãi đầu tư- cần rõ ràng hơn

Về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, ĐB Lê Công Đỉnh (Long An) cho rằng, quy định "nhà đầu tư tự xác định ưu đãi và làm thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền" sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, giúp nhà đầu tư chủ động trong xác định ưu đãi". Tuy nhiên, ĐB đề nghị bỏ quy định "trường hợp nhà đầu tư có yêu cầu xác định ưu đãi đầu tư thì thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư”. Vì quy định như vậy là không cần thiết, làm tăng thủ tục, có thể làm chậm tiến độ triển khai thực hiện.

ĐB lo lắng, quy định như vậy có thể phát sinh tiêu cực, hơn nữa giai đoạn này chính doanh nghiệp cũng chưa thể xác định dự án có thể đáp ứng được 100% các điều kiện để hưởng ưu đãi. Liên quan đến vấn đề này, ĐB đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, nên chăng quy định chi tiết ưu đãi đầu tư trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị bổ sung thêm một điểm có nội dung là "ưu đãi đối với sản phẩm, sản xuất được nội địa hóa 100%". Theo ĐB, đây là một nội dung quan trọng cần thể hiện trong Luật, “bởi chúng ta luôn mong muốn có những sản phẩm do chính chúng ta tự làm ra. Mục tiêu hướng đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Theo ĐB Nguyễn Phi Thường (TP Hà Nội), cần chuyển hướng tăng cường hậu kiểm, rà soát đảm bảo cơ chế ở dự Luật đồng bộ với các quy định pháp luật chuyên ngành khác, không để phát sinh thêm các thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư khi họ thực hiện các thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư...

Kết luận phiên họp, riêng về ưu đãi đầu tư, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần phải rà soát, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư, chính sách khuyến khích đầu tư ... “Các quy định về thủ tục đầu tư trong đó, nhất là thủ tục cấp giấy phép đăng ký đầu tư, thông báo đầu tư, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, việc lựa chọn đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư phải phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu”, Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH cũng đề nghị Ban soạn thảo cần thận trọng rà soát các quy định liên quan để đảm bảo không trùng lắp với một số dự án Luật khác, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đưa ra dẫn chứng, Luật Doanh nghiệp đã quy định những ngành nghề bị cấm, và quy định những ngành nghề có điều kiện, nhưng “bây giờ trong Luật Đầu tư lại có lĩnh vực đầu tư bị cấm, lĩnh vực đầu tư có điều kiện, lại có giấy phép này, giấy phép kia, không khéo sẽ có sự trùng lắp, chia cắt không cần thiết”.

Theo ĐB, chỉ cần bổ sung vào Luật Doanh nghiệp những lĩnh vực, những ngành nghề bị cấm và những hoạt động sản xuất, kinh doanh đầu tư bị cấm hay có điều kiện là đủ, còn nếu quy định tiếp tục trong Luật Đầu tư sẽ khiến có những điểm dẫm chân và trùng lắp.

ĐB Trần Du Lịch (TP. HCM):

"Còn một số điểm mà Luật Doanh nghiệp chưa “phủ” cần quy định trong Luật Đầu tư. Đó là cần đưa ra điều kiện quản lý dòng vốn đầu tư (có 2 dòng). Một là đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam- tiếp cận theo dòng vốn. Dòng tiền đó chảy từ nước ngoài vào, hiểu theo nghĩa bây giờ dòng tiền đi vào để nó tạo ra một nguồn lợi lớn hơn để đưa trở ra, nên đầu tư nước ngoài vào nước ta về bản chất, đó là nợ quốc gia. Do đó, ta quản lý là quản lý dòng vốn, chứ không phải quản lý ông A, ông B. Chúng ta phải nặng quản lý về dòng vốn đầu tư nước ngoài, bởi vì hiện nay thực tế rất nhiều vốn FDI, nhưng nhà đầu tư không phải lấy tiền từ nước ngoài đi vào, nhất là bất động sản, người ta lấy "mỡ lợn rán lợn", mỡ lợn lại chính là nguồn lực trong nước, nếu ta không quản dòng mà đi quản "ông chủ" là không đúng".

Minh Anh

hải quan

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu da giày bứt phá (24/06/2014)

>   Bộ GTVT: Thu về hàng ngàn tỉ đồng từ bán DNNN (23/06/2014)

>   Việt Nam sẽ trở thành trung tâm điện tử số 1 Châu Á (23/06/2014)

>   "Soi" cận cảnh tình hình DNNVV giai đoạn 2011-2013 (23/06/2014)

>   Mâu thuẫn pháp lý, Công ước Cape Town có lợi cho Việt Nam? (23/06/2014)

>   Tình hình biển Đông ảnh hưởng hoạt động xuất nhập khẩu của TP.HCM (23/06/2014)

>   Vinalines, Vinashin đang được tái cơ cấu thế nào? (23/06/2014)

>   Cú “bay nhầm” của Vietjet Air trên “không phận truyền thông” (23/06/2014)

>   Lốp cao su sản xuất trong nước: Vẫn vướng đầu ra (23/06/2014)

>   Lỗ dài dài nếu cứ xuất vải, mít, thanh long... thô (23/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật