Thứ Ba, 24/06/2014 08:51

4.000 tỷ đồng chi dịch vụ công ích: Thích xin-cho, “né” đấu thầu

Mỗi năm, Hà Nội đã dành khoảng 4.000 tỷ đồng ngân sách chi cho việc thu gom vận chuyển rác thải, duy trì công viên, cây xanh, thoát nước và xử lý nước thải đô thị. Phần lớn khoản chi này đều theo phương thức “đặt hàng” mà không qua đấu thầu, chào giá cạnh tranh…

Những con số biết nói

Sự kiện liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền và Công ty SFC nhận vận hành nhà máy xử lý nước thải Yên Sở với kinh phí tiết kiệm hơn lên tới 60 tỷ đồng/1 năm so với phương án do Công ty Gamuda đề nghị (86 tỷ đồng so với 146 tỷ đồng/năm) với chất lượng sản phẩm đầu ra cao hơn khiến nhiều người phải giật mình.

Hoạt động thu gom rác vẫn còn hết sức thủ công trong khi lại chưa có công cụ để nghiệm thu sản phẩm cuối cùng

Tại quận Long Biên, nhờ sự quyết liệt trong phân cấp, việc đặt hàng vệ sinh môi trường trên địa bàn trong 3 năm 2011-2013 đã tiết giảm được tới 86 tỷ đồng so với áp dụng quy trình, định mức, đơn giá của thành phố và riêng năm 2014 dự kiến tiết giảm được trên 80 tỷ đồng. Quận Cầu Giấy trong 3 năm từ 2011-2013 đã tiết giảm được 7,4 tỷ đồng. Tương tự, Công ty môi trường đô thị Hà Đông cũng đã đề nghị giảm giá 25% hoặc tổ chức đấu thầu duy trì vệ sinh môi trường tại khu đô thị Văn Quán thay vì “đặt hàng” như hiện nay.

Theo đánh giá của Ban Kinh tế ngân sách (KTNS - HĐND thành phố Hà Nội), trên thực tế qua tổ chức đấu thầu duy trì vệ sinh môi trường tuyến đường vành đai 3 trên cao (gồm 2 đoạn) đã giảm giá 31,8% so với dự toán, đơn giá của thành phố ban hành.

“Cùng với quá trình đô thị hóa, kinh phí chi cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải, duy trì công viên, vườn hoa, xử lý nước thải không ngừng tăng lên hàng năm. Hiện nay mỗi năm thành phố phải chi lên tới 4.000 tỷ đồng để duy trì hoạt động cho lĩnh vực này, trong đó 2.000 tỷ đồng thuộc ngân sách thành phố, phần còn lại do ngân sách quận huyện chi theo phân cấp”, Ban KTNS cho hay.

Tại sao “né” đấu thầu?

Kết quả giám sát của HĐND thành phố mới nhất vào giữa tháng 6/2014 chỉ ra, theo quy định việc lựa chọn các đơn vị cung ứng dịch vụ đô thị phải ưu tiên thực hiện theo phương thức đấu thầu, chào giá cạnh tranh, trường hợp không thể đấu thầu thì mới được thực hiện theo phương thức đặt hàng. Tuy nhiên trên địa bàn thành phố hầu hết vẫn thực hiện theo phương thức đặt hàng, việc tổ chức đấu thầu chào giá cạnh tranh, còn rất hạn chế và quy mô rất nhỏ đã làm hạn chế tính minh bạch và khả năng tiết kiệm ngân sách do đấu thầu mang lại.

Cũng theo đoàn giám sát của HĐND thành phố, phương thức quản lý của thành phố rất lạc hậu, chậm đổi mới. Ví dụ như các đơn vị cung ứng dịch vụ phải thực hiện đúng quy trình đã định, nếu thay đổi sẽ không được nghiệm thu, thanh toán cho dù thay đổi đó có làm cho chất lượng tốt hơn, chi phí rẻ hơn.

Việc đặt hàng, ký hợp đồng, kiểm soát, nghiệm thu, thanh toán theo quy trình, định mức, đơn giá của thành phố thực chất mới chỉ kiểm soát được khối lượng, chất lượng các sản phẩm trung gian mà chưa quan tâm đến khối lượng, chất lượng sản phẩm thực tế cuối cùng.

Điển hình như tình trạng quét rửa đường thì chỉ kiểm soát số lượt quét, rửa theo nhân công, ca, máy mà chưa quan tâm đến việc quét rửa có đảm bảo sạch không; nạo vét bùn cống thoát nước kiểm soát được khối lượng bùn rác được nạo vét mà chưa quan tâm đến hiệu quả cuối cùng. Cũng vì vậy mà chưa gắn được trách nhiệm của doanh nghiệp với sản phẩm cuối cùng, vừa làm phát sinh nhiều công việc ngoài hợp đồng đặt hàng.

Đoàn giám sát của HĐNDTP Hà Nội khẳng định: Việc giám sát, nghiệm thu đối với doanh nghiệp trong thực hiện quy trình, định mức của thành phố mang tính hình thức do khối lượng công việc quá lớn, rất dễ phát sinh tiêu cực. Điển hình như Sở Xây dựng phân công 1 cán bộ giám sát, nghiệm thu công việc của 600 công nhân quét, rửa đường và thu gom rác trên địa bàn 1 quận.

Minh Tuấn

tiền phong

Các tin tức khác

>   Hạn chế lĩnh vực Nhà nước nắm vốn hoàn toàn (24/06/2014)

>   "Nếu không cẩn trọng, sẽ cản trở quyền tự do của nhà đầu tư!" (24/06/2014)

>   Xuất khẩu da giày bứt phá (24/06/2014)

>   Bộ GTVT: Thu về hàng ngàn tỉ đồng từ bán DNNN (23/06/2014)

>   Việt Nam sẽ trở thành trung tâm điện tử số 1 Châu Á (23/06/2014)

>   "Soi" cận cảnh tình hình DNNVV giai đoạn 2011-2013 (23/06/2014)

>   Mâu thuẫn pháp lý, Công ước Cape Town có lợi cho Việt Nam? (23/06/2014)

>   Tình hình biển Đông ảnh hưởng hoạt động xuất nhập khẩu của TP.HCM (23/06/2014)

>   Vinalines, Vinashin đang được tái cơ cấu thế nào? (23/06/2014)

>   Cú “bay nhầm” của Vietjet Air trên “không phận truyền thông” (23/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật