Thứ Tư, 28/05/2014 23:11

Tháo gỡ vướng mắc, tận dụng thế mạnh vùng

Với thế mạnh về hàng hóa, giá đất, nhân công dồi dào, cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông được cải thiện mạnh mẽ…, khu vực Nam Bộ đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa có chiến lược tổng thể cho toàn khu vực, đặt ra nhiều vấn đề vướng mắc, sự phát triển không đồng đều giữa vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Lệch cán cân thu hút FDI

Năm 2013, các tỉnh vùng ĐNB tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI. Chỉ riêng TP Hồ Chí Minh đã đạt tổng vốn đầu tư FDI là 1,55 tỷ USD (tăng 7,2% so với năm 2012). Một số dự án có quy mô lớn được triển khai như dự án Khu kỹ nghệ Việt-Nhật (31 triệu USD), Nhà máy sản xuất sợi nhựa tổng hợp Tân Phú Trung (9,8 triệu USD), dự án Kho bảo quản thuốc Tân Tạo (15 triệu USD). Nhật Bản là quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất, chiếm 47,3% tổng vốn thu hút, Xin-ga-po chiếm 26,2%, Ô-xtrây-li-a chiếm 14,2%… Các tỉnh lân cận cũng đạt thu hút đầu tư FDI lớn như: Đồng Nai (1,64 tỷ USD), Bình Dương (1,32 tỷ USD), Tây Ninh (504 triệu USD)… Những kết quả này góp phần nâng cao giá trị hàng hóa của vùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho từng địa phương.

Chế biến thủy sản đang là ngành có tiềm năng thu hút đầu tư FDI lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngược lại với vùng ĐNB, đầu tư FDI vào vùng ĐBSCL đang rất thấp, trong khi nguồn đầu tư này được xem là "chìa khóa" để giải quyết các vấn đề về hạ tầng cơ sở, mở rộng ngành công nghiệp chế biến thủy sản, phát triển du lịch… của vùng ĐBSCL. Tính đến nay, vốn FDI vào ĐBSCL chỉ đạt 830 dự án, với tổng số vốn 11,3 tỷ USD (chiếm 4,9% của cả nước) và chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản và sản xuất phân phối điện, may mặc. Trong khi đó, lợi thế chính của ĐBSCL là vùng nguyên liệu lúa và nuôi trồng, chế biến thủy sản thì chưa thu hút được nhiều vốn FDI. Một số địa phương như: Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, TP Cần Thơ… có nhiều dự án đầu tư FDI hơn. Các tỉnh còn lại thu hút vốn đầu tư này rất hạn chế.

Theo các chuyên gia kinh tế, tuy ĐBSCL có nhiều thế mạnh về kết cấu hạ tầng như cảng biển, sân bay, đường bộ đang được đầu tư mở rộng, nhưng năng lực phục vụ còn kém so với nhiều vùng khác, nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn e ngại. Mặt khác, trình độ nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có chính sách khác biệt trong thu hút FDI, chưa có một chiến lược hay quy hoạch thu hút đầu tư FDI nào cho ĐBSCL… Việc lúng túng trong tiếp cận các đối tác, nôn nóng muốn vượt lên thoát khỏi “vùng trũng”… là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh trong thu hút đầu tư giữa các địa phương trong vùng.

Dù còn vướng mắc, nhưng cơ hội đầu tư cho vùng ĐBSCL hiện đang nhiều triển vọng. Ông Ya-su-zu-mi Hi-rô-ta-ca, Giám đốc điều hành Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, rằng lĩnh vực đầu tư hứa hẹn hấp dẫn nhất cho vùng này là công nghiệp chế biến và tận dụng lợi thế về các mặt hàng nông sản, thủy sản như lúa gạo, trái cây, tôm cá… Các doanh nghiệp Nhật Bản đang thận trọng tiếp cận từng bước, để tiến đến hợp tác toàn diện với doanh nghiệp địa phương ở ĐBSCL, góp phần tạo ra giá trị gia tăng sản xuất cao hơn và bền vững cho các dự án đầu tư ở vùng.

Ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: Tiềm năng hợp tác và đầu tư vào vùng ĐBSCL hiện rất rộng mở cho nhà đầu tư nước ngoài. Định hướng phát triển đến năm 2020, vùng phấn đấu mức tăng trưởng GDP đạt trung bình 12%-13%, tập trung phát triển 3 lĩnh vực trọng điểm gồm phát triển hạ tầng kinh tế xã hội (giao thông, thủy lợi, năng lượng, đào tạo, y tế, chống biến đổi khí hậu), xây dựng nông thôn mới và trung tâm đô thị, khu công nghiệp.

Thu hút chọn lọc, tạo cơ chế hấp dẫn nhà đầu tư

Để giải bài toán thu hút đầu tư FDI vào khu vực Nam Bộ cần có giải pháp cụ thể, tập trung thế mạnh cho từng vùng. Bài học kinh nghiệm những năm qua cho thấy, trong khi các tỉnh, thành phố vùng ĐNB "tăng tốc" trong đầu tư hạ tầng cơ sở giao thông để tạo điểm nhấn trong thu hút đầu tư FDI thì tại vùng ĐBSCL, công tác này còn chậm, thiếu đồng bộ nên đã để tuột cơ hội “vàng” trong thu hút nguồn vốn FDI. Vì vậy, công tác xúc tiến đầu tư FDI của ĐBSCL cần tập trung vào những ngành mũi nhọn và các quốc gia cụ thể, không chỉ khai thác những giá trị đang có như nông nghiệp, thủy sản, lao động mà còn hướng đến chiều sâu hơn là nguồn nhân lực khoa học, công nghệ. Chẳng hạn, cần quan tâm thu hút dòng đầu tư FDI từ Nhật Bản, khi nước này đã vượt xa các nước khác với 500 dự án đầu tư mới, hoặc mở rộng (tổng vốn đầu tư 5,8 tỷ USD) vào Việt Nam.

Ông Hơ Cốc-ran, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh đề xuất: “Công tác xúc tiến đầu tư cần tạo dựng một ĐBSCL với hình ảnh mới của sự năng động, tích cực và những cam kết về môi trường đầu tư thuận lợi khi doanh nghiệp đến kinh doanh. Mỗi địa phương phải hiểu được nhu cầu thực sự của nhà đầu tư và có những giải pháp thiết thực, tận dụng lợi thế và tiềm năng để thu hút vốn, công nghệ, phương thức quản lý tiên tiến từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước”.

Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, ông Võ Hùng Dũng, nhận định: “Các tỉnh, thành phố của vùng cần liên kết lại thành một thể thống nhất, để triển khai các giải pháp đạt hiệu quả cao hơn và duy trì những chính sách kích cầu nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Việc cải thiện những mặt còn hạn chế, củng cố các điểm mạnh sẽ biến vùng ĐBSCL trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài”. Ngoài ra, ngành công nghiệp phụ trợ, hệ thống logistics, cơ giới hóa nông nghiệp, hệ thống bán lẻ hiện đại… tại vùng ĐBSCL được quan tâm đúng mức, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc làm bàn đạp hỗ trợ cho những ngành công nghiệp khác phát triển theo hướng hiện đại. Theo ông Ga-bô Phlu-ít, Tổng giám đốc Công ty De Heus Việt Nam (Bỉ), sắp tới công ty này sẽ đầu tư một nhà máy thức ăn gia súc và gia cầm tại tỉnh Vĩnh Long. Vùng ĐBSCL cần tận dụng mạng lưới kết nối trực tuyến để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Cùng thực hiện các giải pháp với ĐBSCL, với nền tảng thu hút FDI thời gian qua, vùng ĐNB đang thực hiện các chính sách thu hút mạnh dòng vốn FDI theo xu hướng có chọn lọc, nâng cao chất lượng của dòng vốn FDI thông qua việc thu hút các dự án có trình độ công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, không gây ô nhiễm môi trường và có tác động lan tỏa sang các ngành, lĩnh vực khác trong vùng. Xu hướng thu hút đầu tư này dần khẳng định trong các lĩnh vực như: Thương mại, dịch vụ, phát triển đô thị, chip điện tử, phụ kiện máy tính, phụ tùng ô tô, dược phẩm, công nghệ sinh học… đang được các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện ngày càng nhiều. Khi vướng mắc được tháo gỡ, nguồn vốn đầu tư FDI được khơi thông sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế khu vực Nam Bộ phát triển bền vững, thu hẹp dần khoảng cách giữa vùng ĐNB và ĐBSCL.

Lê Hùng Khoa

Quân đội nhân dân

Các tin tức khác

>   Vụ trưởng Vụ Thống kê giá: CPI tăng thấp là điều cần xem xét (27/05/2014)

>   Kinh tế và biển Đông: Đủ nội lực vượt qua thách thức (26/05/2014)

>   Nỗi lo trả nợ công (26/05/2014)

>   Chỉ số giá tiêu dùng toàn quốc tháng 5 tăng 0,2% (24/05/2014)

>   Điều chỉnh chính sách kinh tế trước tình hình mới (23/05/2014)

>   Thiết lập kỷ cương đầu tư công (23/05/2014)

>   CPI tháng 5 tại Tp.HCM bật tăng sau hai tháng giảm (21/05/2014)

>   CPI tại Hà Nội: Vừa chớm tăng đã vội giảm (21/05/2014)

>   Long An: CPI tháng 5/2014 tăng 0,37% so với tháng trước (20/05/2014)

>   Chủ động ứng phó những tác động tiêu cực đến kinh tế (20/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật