Thứ Hai, 26/05/2014 15:32

Kinh tế và biển Đông: Đủ nội lực vượt qua thách thức

Trước lo ngại của nhiều đại biểu Quốc hội kinh tế bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp ở Biển Đông, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Việt Nam luôn chủ động ứng phó. Mặt khác, với những nỗ lực đổi mới trong gần 3 thập kỷ qua, không lo nền kinh tế bị lệ thuộc vào quốc gia nào”.

 

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng “cần tập trung xử lý những vấn đề nội tại của nền kinh tế".

Thực tế đã chứng minh, ngay từ trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, Việt Nam đã tạo nên truyền thống tự lực cánh sinh. Đến khi bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà thực chất đó là một sự nghiệp có tính kinh tế - như theo cách nói của Ănghen, thì cũng luôn luôn đề cao tinh thần độc lập tự cường.

Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã đề ra quyết sách “phát huy nội lực là chính”. Bước sang thế kỷ 21, tổng kết lại 15 năm đổi mới, Đại hội lần thứ IX của Đảng cũng đã xác định “xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ” là một trong năm nội dung cơ bản của đường lối kinh tế.

Dù vậy, tại phiên họp tổ thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của các đoàn đại biểu Quốc hội diễn ra vào cuối tuần rồi, một không khí lo lắng vẫn bao trùm và đã có không ít đại biểu Quốc hội đề nghị cần có các kịch bản kinh tế nếu tình hình căng thẳng trên Biển Đông vẫn tiếp tục leo thang.

Thiếu kịch bản sẵn, sẽ bị động

“Về chính trị thì chúng ta đã bàn và thể hiện ý chí chung, còn ở góc độ kinh tế - xã hội và ngân sách, Chính phủ cần báo cáo cụ thể hơn nữa, đưa ra các kịch bản. Ví dụ, nếu tình hình căng thẳng như hiện nay thì có thể gây ra những hệ quả thế nào? Nếu tình hình xấu hơn thì kịch bản ra sao? Ngành hàng nào, doanh nghiệp trong những lĩnh vực nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất? Chúng ta không có kịch bản sẵn thì sẽ bị đẩy vào thế bị động. Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng vấn đề này để có bước đi phù hợp, giải pháp cụ thể”, Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) nói.

Vị đại biểu này dẫn ra ví dụ về ngành dệt may, đang chiếm kim ngạch xuất khẩu rất lớn của Việt Nam, như năm 2013, ngành này xuất khẩu 17,8 tỷ USD, giải quyết công ăn việc làm rất lớn. Điều rất đáng lưu ý, là ở thị trường này, phải mua từ sợi chỉ đến cái khuy áo đều phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc. Hay như trong sản xuất ngành công nghiệp cao su, xuất khẩu cũng phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc...

Đây cũng là nỗi lo lắng của đại biểu Mai Xuân Hùng (Hậu Giang): “80% nguyên vật liệu đầu vào của Việt Nam đang phụ thuộc vào Trung Quốc, 60% xuất khẩu nông sản đang phụ thuộc vào Trung Quốc. Nếu tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp theo chiều hướng xấu, cần phải tính toán nhiều kịch bản về kinh tế”.

Đại biểu Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) cũng nói: “Chúng ta cần có những phương án chủ động để chuẩn bị cho các tình huống và hạn chế bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong sản xuất, kinh doanh”.

“Nếu kéo dài như hiện nay, sẽ xảy ra 5 nguy cơ”, Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) lên tiếng cảnh báo. “Đó là nguy cơ nông sản giảm giá khi kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc giảm. Thiếu nguyên liệu phụ trợ cho công nghiệp dệt may hiện đang phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Các nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc có khả năng phát điện không đúng tiến độ. Tiềm ẩn sự đình trệ của các doanh nghiệp có nguồn vốn từ Trung Quốc. Sự phát triển của ngành du lịch bị ảnh hưởng”.

“Nửa sau năm 2014 kinh tế sẽ khó khăn hơn vì tình hình Biển Đông. Nếu không kịp thời giải quyết rốt ráo câu chuyện này thì khó khăn lớn. Như chỉ việc làn sóng đầu tư bị ảnh hưởng cũng sẽ tác động tới phát triển kinh tế”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) lo ngại.

Đưa bất thường về bình thường

“Nếu nói phải cần đến kịch bản thì e là hơi quá. Bởi vì Chính phủ chắc chắn sẽ có giải pháp cụ thể”, đại biểu Phùng Quốc Hiển (Yên Bái) nói.

“Trước hết, tôi cho rằng ta phải nhìn nhận sự việc một cách hết sức đầy đủ. Đúng là vừa qua Trung Quốc đã rút công nhân, chuyên gia ở một số công trình về. Như vậy rõ ràng là ảnh hưởng rồi. Khi hai bên có căng thẳng về việc tranh chấp lãnh thổ tất yếu sẽ dẫn đến vấn đề kinh tế. Đó chính là quy luật của các cuộc tranh chấp giữa các quốc gia. Bởi vậy nền kinh tế ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng xét ở thực tế, thì đến nay, chưa có nhà đầu tư nào tuyên bố sẽ rút khỏi Việt Nam”, ông Hiển nói tiếp.

Theo ông Hiển, trong bối cảnh hội nhập và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, không thể muốn làm gì thì làm khi mỗi quốc gia đều tham gia một phần nào đó trong chuỗi giá trị này. Bất cứ một điểm nào trong chuỗi giá trị đó trục trặc đều gây ra ảnh hưởng chung.

Việt Nam bị ảnh hưởng thì không có nghĩa là không ảnh hưởng đến Trung Quốc và các nước xung quanh. Tuỳ theo mức độ, kinh tế của tất cả các nước sẽ bị ảnh hưởng chứ không phải riêng của Việt Nam. Trong nền kinh kế thị trường tự do kinh doanh, bất cứ hoạt động buôn bán nào trục trặc đều khó khăn cho các bên, cả Trung Quốc và Việt Nam.

“Thực ra điều đáng ngại nhất lúc này không phải là vấn đề kinh tế, mà là sự hợp tác cũng như quan hệ hai bên không tốt, tức là không được như bình thường. Vì vậy, giải pháp cần thiết nhất là làm thế nào để đưa mối quan hệ phải trở về bình thường”, ông Hiển nhấn mạnh.

Tương đồng quan điểm của đại biểu Phùng Quốc Hiển, là đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) và đại biểu Vương Đình Huệ (Bình Định).

“Không phải Trung Quốc không “thích” thì sẽ không xuất khẩu sang Việt Nam. Kinh tế Việt Nam có ích với Trung Quốc, khi nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam luôn có tỷ trọng rất lớn. Hay không phải không thích thì sẽ hạn chế xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc được. Như Mỹ, có phải muốn hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ là được đâu”, ông Nguyễn Văn Phúc nói.

“Trong điều kiện hội nhập, các nước đều có sự phụ thuộc lẫn nhau, mỗi bước đi của nước nào đó phải tính toán kỹ, thời buổi này không phải muốn làm gì cũng được”, đại biểu Vương Đình Huệ, cũng là Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định: “Chính vì vậy, vấn đề trước mắt, cần tập trung xử lý những vấn đề nội tại của nền kinh tế. Chẳng hạn như việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết 15 là rất kịp thời. Nhưng quá trình này vẫn cần được đẩy nhanh hơn. Quốc hội cũng cần có chương trình giám sát để làm sao quá trình tái cơ cấu có hiệu quả, không để thất thoát”.

Lê Châu

vneconomy

Các tin tức khác

>   Nỗi lo trả nợ công (26/05/2014)

>   Chỉ số giá tiêu dùng toàn quốc tháng 5 tăng 0,2% (24/05/2014)

>   Điều chỉnh chính sách kinh tế trước tình hình mới (23/05/2014)

>   Thiết lập kỷ cương đầu tư công (23/05/2014)

>   CPI tháng 5 tại Tp.HCM bật tăng sau hai tháng giảm (21/05/2014)

>   CPI tại Hà Nội: Vừa chớm tăng đã vội giảm (21/05/2014)

>   Long An: CPI tháng 5/2014 tăng 0,37% so với tháng trước (20/05/2014)

>   Chủ động ứng phó những tác động tiêu cực đến kinh tế (20/05/2014)

>   7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển KT-XH (20/05/2014)

>   Hà Nội: Người dân vẫn đang thắt chặt chi tiêu (17/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật