Chủ động ứng phó những tác động tiêu cực đến kinh tế
Trước tình hình phức tạp do việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 tại vùng đặc quyền kinh tế ở vùng biển nước ta từ đầu tháng 5 vừa qua, Ủy ban Kinh tế đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành chủ động có các giải pháp ứng phó với tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế…
* 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển KT-XH
* Chủ tịch Quốc hội: "Hòa bình và an ninh đang bị đe doạ"
Trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội sáng nay (20-5), Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014.
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu
|
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Ông Nguyễn Văn Giàu cho biết qua thảo luận đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế tán thành với báo cáo của Chính phủ đã bám sát mục tiêu, 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014.
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường từ tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, đề nghị Chính phủ dự báo, đánh giá và có các giải pháp xử lý sát tình hình. Cụ thể như tập trung các giải pháp tăng tổng cầu ở mức hợp lý, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; tổ chức giải ngân kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả các nguồn đầu tư của Nhà nước, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Tạo điều kiện thuận lợi và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhất là tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước. Nhân rộng mô hình kết nối doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại đang triển khai hiệu quả ở TP.HCM, thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa các tổ chức tín dụng và hiệp hội ngành, nghề, cộng đồng doanh nghiệp như một số tỉnh, thành phố tổ chức có kết quả trong thời gian gần đây.
Nhiều ý kiến đánh giá cao việc Chính phủ có nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững thông qua Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và điều chỉnh, bổ sung nhiều chính sách mới như: liên kết, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đánh bắt thủy, hải sản, nuôi cá tra, cá ba sa...
Song đa số ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát và đề xuất có hệ thống chính sách đủ mạnh trình Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về hệ thống chính sách này để vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa bảo đảm tính ổn định và tạo yên tâm cho người nông dân, tránh tình trạng rủi ro về giá, khó khăn tiêu thụ hàng hóa và thực hiện chính sách hỗ trợ đặc biệt nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm tăng tính cạnh tranh sản phẩm và phát triển sản xuất nông nghiệp một cách bền vững.
Trước tình hình phức tạp do việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 tại vùng đặc quyền kinh tế ở vùng biển nước ta từ đầu tháng 5 vừa qua, Ủy ban Kinh tế đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các cấp triển khai chủ trương của Đảng qua ý kiến phát biểu của Tổng bí thư tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Đồng thời, chủ động có các giải pháp ứng phó với tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, từng ngành kinh tế, xuất nhập khẩu, các thị trường, cân đối ngân sách nhà nước, thu hút vốn đầu tư, tạo công ăn việc làm… Bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn về tính mạng, tài sản của người dân, bảo đảm sản xuất kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp và người dân. Tuyên truyền vận động nhân dân nêu cao tinh thần yêu nước, cảnh giác với luận điệu xấu, không manh động, bị kẻ xấu lôi kéo có những hành động vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến chính sách kêu gọi đầu tư và hình ảnh, uy tín của đất nước và nhân dân ta.
V.V.Thành
tuổi trẻ
|