Thứ Hai, 12/05/2014 09:50

Kinh tế 4 tháng đầu năm: Nốt nhạc buồn

Tổng cầu yếu vẫn phủ bóng mây ảm đạm lên niềm tin và hạn chế lưu lượng hoạt động kinh tế trong quý I năm nay. Trong bối cảnh nội lực còn trì trệ, Việt Nam lại chưa thể kỳ vọng nhiều vào xuất khẩu khi hai thị trường chính là châu Âu và Mỹ vẫn tăng trưởng chậm. Mức độ lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2014 lại suy giảm do những dấu hiệu trục trặc xuất hiện ngày một rõ tại Trung Quốc và khủng hoảng chính trị tại Ukraine, từ đó sẽ hạn chế đầu tư và thương mại của thế giới.

Hiện tại, lạm phát trong nước vẫn ở mức thấp với mức tăng nhẹ 0,08% trong tháng 4. Giá cả tăng cao chủ yếu tại nhóm hàng hóa cơ bản như nhiên liệu và hàng ăn (tăng 0,15%), còn lạm phát lõi thì không thay đổi đáng kể, do sức cầu của nền kinh tế chưa hồi phục mạnh.

Xét về tiêu dùng, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 4 tháng đầu năm tăng thực tế 5,5%, cao hơn mức 4,7% của năm ngoái. Còn về đầu tư, tính đến ngày 21.4, dư nợ tín dụng chỉ tăng thêm 0,04%, dù lãi suất cho vay đã dễ chịu hơn. Điều này cho thấy nhu cầu vay vốn thấp và quá trình giảm đòn bẩy và vay nợ vẫn đang diễn ra.

Niềm tin kinh doanh chưa cải thiện nhiều do các yếu tố rủi ro như sức mua yếu, nợ xấu và tồn kho vẫn tiếp tục tích tụ. Vốn đầu tư toàn xã hội tính đến quý I chỉ tương đương 28,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), một mức thấp trong hơn 10 năm qua. Khó khăn của doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nhiệp nhỏ và vừa, tiếp tục kéo dài khi trong 4 tháng vẫn có hơn 16.700 doanh nghiệp dừng hoạt động, tăng 9,6% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, sự thanh lọc này là cần thiết cho nền kinh tế trước khi dấu hiệu hồi phục của khu vực doanh nghiệp xuất hiện mạnh mẽ hơn (trong 4 tháng có hơn 18.000 doanh nghiệp mới thành lập với vốn đăng ký tăng 23,4%). Cùng với đó, lượng vốn đầu tư nước ngoài tăng (vốn giải ngân đạt 4 tỉ USD, tăng 6,7%, tương đương 8% GDP) sẽ thúc đẩy tổng cầu và sản lượng trong 3 quý còn lại của năm.

Cần lưu ý là việc cấp tín dụng nhỏ giọt để đảo nợ nhằm cứu sống các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ và “nghiện” vay nợ sẽ tạo ra gánh nặng lớn và gây lãng phí nguồn tài chính trong lúc nền kinh tế đang khát vốn. Ngược lại, việc vội vã tái cấu trúc và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trong khi cơ chế phân tách quản trị và sở hữu chưa rõ ràng, cũng không phải là giải pháp tối ưu.

Cần dứt khoát về “ngân sách mềm” (tức việc cấp ngân sách gián tiếp thông qua tín dụng giá rẻ, thường là theo chỉ định của Chính phủ), cổ phần hóa quyết liệt nhưng phải tuần tự trong tiến trình đưa ra cổ phần hóa và nương theo sức mua của thị trường tài sản. Có như vậy mới có thể giúp hồi sinh các thành phần có ích và đặt doanh nghiệp nhà nước vào đúng chỗ trong thị trường.

Những cải cách môi trường kinh doanh, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư cũng cần được thực hiện vào lúc này. Chẳng hạn, làm rõ hơn quyền tài sản nhằm khai thông, thúc đẩy giao dịch tài sản, đẩy mạnh tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Điều này sẽ tiếp thêm động lực để kích hoạt lại cỗ máy tăng trưởng, mà lĩnh vực ngân hàng và bất động sản đang chờ đợi, nhằm khai thông 2 điểm tắc nghẽn là nợ xấu và tồn kho.

Cho đến nay, việc xử lý nợ xấu vẫn còn phụ thuộc vào năng lực của từng tổ chức tín dụng. Dù công ty mua bán nợ VAMC đã ra đời, nhưng lại ra đời một cách muộn màng trong sự thiếu thốn về thể chế mua bán nợ. Nói cách khác, VAMC đã được thành lập và thu mua nợ xấu nhưng chưa thể “xử lý” do phải chờ luật ra đời.

Thị trường bất động sản đang tự điều chỉnh sự lệch pha cung cầu giữa các phân khúc trong bối cảnh thiếu vắng các chính sách khả thi. Các gói tín dụng nhằm kích thích sức mua liên tục được tung ra, nhưng hiệu quả lại rất hạn chế. Gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đồng hỗ trợ người có thu nhập thấp mua nhà, chẳng hạn, chỉ giải ngân được gần 6% sau 1 năm. Còn tính khả thi của gói tín dụng 50.000 tỉ đồng với hình thức liên kết 4 nhà thì lại đang bị đặt dấu hỏi. Trong khi đó, hàng tồn kho cũng chưa giảm nhiều. Sự ấm lên của thị trường bất động sản thời gian qua chỉ khiến giá trị tồn kho giảm 1,7% trong suốt 14 tháng kể từ cuối năm 2012.

GDP quý I luôn thấp nhất do yếu tố mùa vụ, nhưng tính toán ban đầu của tác giả gợi ý rằng nền kinh tế đang ở phía trên đường xu thế dài hạn, hàm ý một giai đoạn bùng nổ trong ngắn hạn đang diễn ra. Bằng chứng là các chỉ số đều tăng lên như chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% trong 4 tháng đầu năm, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tăng 8 tháng liên tiếp. Việc kim ngạch nhập khẩu tăng 12,1% (chủ yếu phục vụ sản xuất), xuất khẩu tăng 15,9% và thu ngân sách tương đối tốt cũng ủng hộ cho điều này.

Cùng với rủi ro giá nhiên liệu và thực phẩm hình thành xu hướng tăng, chính sách tiền tệ và tài khóa cần được điều chỉnh phù hợp để không đẩy sự bùng nổ đi quá xa xu thế dài hạn và nuôi dưỡng lạm phát cao. Đồng thời, cần kiểm soát dòng tiền ra vào thị trường chứng khoán do nó luôn phản ứng trước những thay đổi của nền kinh tế thật và thường bị yếu tố tâm lý dẫn dắt, khiến dòng vốn hiếm hoi bị chuyển hướng khỏi khu vực sản xuất.

 Ngô Thị Chinh Đức - Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR

Nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Biển Đông dưới góc nhìn kinh tế học: Tạo ra trạng thái cân bằng có lợi (10/05/2014)

>   ANZ lại hạ mức dự báo lạm phát của Việt Nam (08/05/2014)

>   FDI và nguy cơ phân hóa kinh tế Việt Nam (08/05/2014)

>   Đại án bầu Kiên, Dương Chí Dũng và chuyện minh bạch (08/05/2014)

>   Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (07/05/2014)

>   Quan ngại về nợ công (06/05/2014)

>   Tổ điều hành thị trường: CPI tháng 5 sẽ tăng nhẹ (06/05/2014)

>   Nợ công Việt Nam: “Khả năng trả nợ rất khó khăn” (05/05/2014)

>   Để có một 'Điện Biên Phủ về kinh tế': Cởi nút thắt tư duy (05/05/2014)

>   Nguy cơ tăng thâm hụt ngân sách (04/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật