Thứ Năm, 08/05/2014 09:26

Đại án bầu Kiên, Dương Chí Dũng và chuyện minh bạch

Bối cảnh hiện nay buộc chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề tạo dựng niềm tin cho môi trường kinh doanh ở VN.

Thời gian vừa qua, hàng loạt đại án kinh tế đã được đưa ra xét xử, như vụ Nguyễn Đức Kiên (tức Bầu Kiên), Dương Chí Dũng, siêu lừa Huyền Như, đã làm lộ ra những kẽ hở của pháp luật.

Hiện Quốc hội cũng đang bàn chuyện sửa Luật DN.

Bối cảnh đó buộc chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề tạo dựng niềm tin cho môi trường kinh doanh ở VN.

Hai hiện tượng trồi lên bề mặt, tác động đến quyết định đầu tư và kế hoạch kinh doanh của các nhà đầu tư tại Việt Nam, là tính chính xác, kịp thời của các thông số đo lường sức khoẻ của nền kinh tế và tính khó dự đoán của pháp luật kinh doanh. Vì vậy, chúng cần được đi vào nghiên cứu chi tiết, phân tích từng nút thắt, với hy vọng, qua đó đưa ra giải pháp nâng cao tính minh bạch của hệ thống pháp luật và sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh.

Bài viết này tập trung vào góc độ thường bị bỏ qua trong các phân tích về tính minh bạch ở Việt Nam trong thời gian gần đây: tính có thể dự đoán trước của pháp luật. Tiếp theo, phân tích các trường hợp điển hình liên quan tính minh bạch ở Việt Nam.

Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên) trong phiên tòa.

Pháp luật cần minh bạch

Pháp luật công khai chưa đủ, mà phải minh bạch. Tính minh bạch của pháp luật gồm có các yêu cầu sau:

Thứ nhất, tính thống nhất, dễ hiểu, dễ tiếp cận của pháp luật. Một hệ thống pháp luật bảo đảm tính thống nhất, dễ hiểu trước hết phải bảo đảm yêu cầu rõ ràng về nội dung; các quy phạm pháp luật trong cùng hệ thống phải đồng bộ, không chồng chéo mâu thuẫn, đúng trật tự hiệu lực pháp lý.

Sự thống nhất, rõ ràng này phải biểu hiện ra bên ngoài qua cách phân định sắp xếp các văn bản quy phạm pháp luật theo từng lĩnh vực, từng vấn đề. Các văn bản chứa đựng quy phạm pháp luật cần phải được công khai và dễ dàng tiếp cận đối với các chủ thể có quyền và nghĩa vụ liên quan, sao cho một chủ thể, dễ dàng xác định được những quy phạm pháp luật nào mà giao dịch hoặc hành vi của mình bị ràng buộc.

Thứ hai, tính ổn định. Từ bản chất bên trong của quy phạm pháp luật đã có sự ổn định. Nó thay đổi khi các hành vi riêng lẻ cùng các cá nhân đồng loạt thay đổi cơ bản và dịch chuyển đến một mức cân bằng mới.

Pháp luật trong nhà nước pháp quyền chỉ có ý nghĩa khi nó được nhân dân và các chủ thể khác trong xã hội tuân theo. Muốn tuân theo thì phải có sự chuẩn bị nhất định từ phía người dân, do đó pháp luật phải ổn định để người dân kịp lập kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện vật chất để thực thi kế hoạch.

Thứ ba, tính có thể dự đoán trước. Tính có thể dự đoán có hai cấp độ. Ở cấp độ thứ nhất, nhân dân được thông báo về khả năng sẽ xuất hiện một dự luật và nội dung cơ bản của nó.

Ở cấp độ cao hơn, pháp luật đó được ban hành (thuận) dựa theo những quy luật chung của xã hội, của tự nhiên. Nói cách khác, ở xã hội đó, một công dân bình thường, không hiểu biết sâu sắc về luật, dùng lý trí của một người bình thường có thể suy luận hành vi của mình hợp lẽ công bằng thì sẽ hợp pháp, sẽ được nhà nước bảo vệ.

Hoàn toàn tương tự, mỗi công dân có thể vận dụng các quy luật, dự đoán pháp luật trong tương lai để lập các kế hoạch, chính sách dài hạn cho việc kinh doanh của mình, cũng như mọi công việc khác.

Nếu pháp luật không bảo đảm cấp độ thứ nhất thì sự xuất hiện và có hiệu lực của một đạo luật sẽ gây sốc cho thị trường, cho xã hội. Nó sẽ trực tiếp gây thiệt hại cho một số chủ thể, đồng thời có thể là cơ hội làm giàu hợp pháp nhưng bất chính của những ai nhờ những nguồn thông tin khác nhau biết trước được sự thay đổi bất thường đó.

Nếu pháp luật không bảo đảm cấp độ hai, nghĩa là không dựa trên những quy luật xã hội, tự nhiên, thì mọi chủ thể không thể lập kế hoạch dài hạn cho việc kinh doanh của mình, gây nên tình trạng manh mún, hỗn độn, làm ăn theo kiểu chụp giật. Các chủ thể sẽ không yên tâm đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; nền kinh tế đó sẽ không có các doanh nghiệp quy mô lớn.

Việc bảo đảm ba thuộc tính trên của pháp luật là một tiêu chuẩn nhà nước pháp quyền - định hướng xây dựng nhà nước mà chúng ta theo đuổi lâu dài. Cấp bách hơn, nó còn là đòi hỏi của quá trình hội nhập quốc tế. Giữa các quốc gia khác nhau về ngôn ngữ, văn hoá, học thuyết pháp lý, để có thể trở thành đối tác trong các quan hệ kinh doanh, thì 3 thuộc tính trên của pháp luật phải đặt lên hàng đầu .

Bối cảnh hội nhập quốc tế

Muốn hợp tác quốc tế nói chung và hoạt động viễn thương nói riêng, tạo dựng niềm tin, yếu tố minh bạch càng được đề cao. Với thương nhân quốc tế, việc tìm kiếm thông tin về môi trường đầu tư rất quan trọng.

Nhưng việc thu thập thông tin về tình hình kinh tế, pháp luật, tài chính của một quốc gia khác, khi các thông tin này chưa được công khai hóa, lại có thể bị coi là hoạt động do thám tình báo và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhằm giảm chi phí thu thập thông tin, tránh các rủi ro pháp lý nêu trên, tạo khuôn khổ ổn định cho việc hợp tác đầu tư, khi ký kết các điều ước quốc tế về thương mại, các quốc gia luôn chú trọng việc bảo đảm minh bạch trong các điều ước này, cho dù có tán thành điều ước riêng hay chương mục riêng hay không.

Nhìn chung, các điều ước quốc tế, thường áp dụng ba nhóm biện pháp sau đây để bảo đảm ba yêu cầu minh bạch đã đề cập phần trên.

Không công khai, không có hiệu lực áp dụng. Nhằm bảo đảm cho các thương nhân quốc tế có thể dễ dàng tiếp cận các quy phạm pháp luật liên quan hoạt động hợp tác đầu tư, các điều ước thường quy định nghĩa vụ đăng tải công khai các quy phạm này; không chỉ công khai mà phải dễ dàng tiếp cận.

Điều này nhằm tránh việc các nhà nước sở tại công khai các văn bản nhưng thiết lập các hàng rào kỹ thuật, đặt ra các loại phí truy cập đối với các văn bản quy phạm pháp luật, làm cho việc tiếp cận trở nên khó khăn.

Nếu quy định như vậy vẫn chưa đủ ràng buộc, các điều ước còn đặt ra một biện pháp vô cùng mạnh mẽ: chỉ những quy phạm nào đã được công bố công khai đúng theo cách thức mà điều ước quốc tế yêu cầu và dễ dàng tiếp cận thì mới có hiệu lực áp dụng.

Các biến động pháp lý của các quốc gia thành viên chỉ được phép trong phạm vi các nguyên tắc, khuôn khổ pháp lý chung đã được xác lập trong các điều ước quốc tế. Thông thường hai nguyên tắc chính được nhắc tới là nguyên tắc kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền.

Tham vấn đối tượng bị tác động. Nhằm bảo đảm tính có thể dự đoán trước của pháp luật và các chính sách kinh tế, tránh gây sốc cho thị trường, tạo điều kiện cho người dân và các DN đủ thời gian chuẩn bị, điều chỉnh thích ứng với những thay đổi chính sách kinh tế, các điều ước quốc tế thường đưa ra các quy trình tham vấn ý kiến của những đối tượng chịu sự tác động tương ứng với từng văn bản quy phạm pháp luật .

Võ Trí Hảo (Khoa Luật - Đại học Kinh tế TP.HCM)

Tuanvietnam

Các tin tức khác

>   Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (07/05/2014)

>   Quan ngại về nợ công (06/05/2014)

>   Tổ điều hành thị trường: CPI tháng 5 sẽ tăng nhẹ (06/05/2014)

>   Nợ công Việt Nam: “Khả năng trả nợ rất khó khăn” (05/05/2014)

>   Để có một 'Điện Biên Phủ về kinh tế': Cởi nút thắt tư duy (05/05/2014)

>   Nguy cơ tăng thâm hụt ngân sách (04/05/2014)

>   Ngân sách: Thu bấp bênh, chi “bền vững” (02/05/2014)

>   Tổng cầu đã có dấu hiệu tăng (02/05/2014)

>   Ngăn chặn lạm phát mới chỉ giải quyết được phần ngọn (02/05/2014)

>   Cứ nghe “đầu tư” là sợ! (02/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật