Thứ Sáu, 02/05/2014 21:32

Tổng cầu đã có dấu hiệu tăng

Một trong những tín hiệu tích cực từ 4 tháng đầu năm là tổng cầu (bao gồm đầu tư, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu) đã có dấu hiệu tăng lên.

Các chỉ số thống kê cho thấy tốc độ tăng một số chỉ tiêu liên quan đến tiêu thụ 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước như sau:

 TỐC ĐỘ TĂNG MỘT SỐ CHỈ TIÊU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN TỔNG CẦU (%); (1) Quý I. Nguồn: TCTK

Một kênh tổng cầu thông thường nhất là tiêu thụ trong nước thông qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBL).

Nếu tính theo giá thực tế thì TMBL tăng 10,5%, nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng (bình quân 4 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng 4,73%), thì tăng 5,5%. Đây là tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (tăng 4,7%), cao hơn tốc độ tăng tương ứng của quý I/2014 (tăng 5,1%).

Đáng lưu ý, tốc độ tăng của doanh thu du lịch tăng 25,6%, dịch vụ tăng 24,4%- đều cao gấp gần 2,5 lần tốc độ tăng chung và cao hơn tốc độ tăng của thương nghiệp (tăng 8,5%) và khách sạn nhà hàng (10,4%). Điều đó chứng tỏ, mặc dù tiêu thụ hàng hóa thông thường qua kênh thương nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (75,6%), nhưng tốc độ tăng thấp hơn các kênh tiêu thụ có tính chất cao cấp kia.

Đáng lưu ý, du lịch tăng cao nhất trong 4 ngành hoạt động, trong đó có một phần quan trọng là do khách quốc tế đến Việt Nam 4 tháng đầu năm nay đạt trên 3,07 triệu lượt người- tức là mới qua 4 tháng đã đông hơn lượng khách đến trong cả năm 2004. Đây là tín hiệu khả quan để cả năm nay có thể đạt kỷ lục mới, vượt xa kỷ lục cũ đã đạt được trong năm 2013 (trên 7,57 triệu lượt người). Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng rất cao (tăng 27,3%), cao nhất trong các ngành, lĩnh vực. Tốc độ tăng cao đạt được ở cả 4 mục đích đến (khách đến du lịch tăng 25,3%, khách đến vì công việc tăng 27,2%, khách về thăm thân nhân tăng 33,1%, khách đến vì mục đích khác tăng 32,8%).

Một kênh tổng cầu quan trọng là tiêu thụ thông qua kênh đầu tư. Thực hiện vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn hỗ trợ phát triển, vốn đầu tư ngoài Nhà nước tăng. Tuy nhiên, lượng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong quý I tính theo giá thực tế tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì đã giảm xuống, trong đó nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước còn giảm sâu hơn.

Lượng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 4, tuy có nhiều hơn tháng 3 (15,2 nghìn tỷ đồng so với 13,6 nghìn tỷ đồng), nhưng tính chung 4 tháng vẫn còn đạt thấp so với kế hoạch năm (27,5%; Trung ương đạt 25,2%; địa phương đạt 28,2%); so với cùng kỳ năm trước còn bị giảm 0,9% (trong đó Trung ương giảm 0,5%; địa phương quản lý giảm 1%); một số bộ ngành và địa phương còn đạt tỷ lệ thấp hơn và giảm nhiều hơn. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP quý I/2014 chỉ đạt 28,4%- là mức thấp nhất trong vài chục năm qua, thấp xa so với các thời kỳ trước (2006-2010 là 39,2%, 2011-2013 là 30,4%)

Một nội dung quan trọng của tổng cầu là xuất khẩu, đúng ra là chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu (xuất siêu).

Trong quan hệ buôn bán với nước ngoài 4 tháng qua, Việt Nam đã tiếp tục xuất siêu 0,7 tỷ USD. Kết quả này đạt được chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm nay tiếp tục đạt được nhiều sự vượt trội. Quy mô xuất khẩu ước đạt 45,74 tỷ USD (bình quân 1 tháng đạt trên 11,4 tỷ USD), trong đó có 2 tháng gần đây đạt trên 12 tỷ USD. Đó là tín hiệu khả quan để cả năm đạt kỷ lục mới, vượt kỷ lục 132,2 tỷ USD đã đạt được trong năm 2013 và vượt kế hoạch đề ra (145,4 tỷ USD).

So với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng của xuất khẩu cao hơn của nhập khẩu (tăng 16,9% so với tăng 13,7%). Xuất khẩu nông, lâm- thủy sản có sự đột phá đạt 9,69 tỷ USD, tăng 13,9%.

Khu vực kinh tế trong nước đã tăng khá (tăng 16,2%) hơn hẳn các thời kỳ trước. Mới qua 4 tháng đã có 10 mặt hàng đạt từ 1 tỷ USD trở lên, gồm: điện thoại 7,67 tỷ USD; dệt may 5,94 tỷ; điện tử, máy tính 2,94 tỷ; giày dép 2,85 tỷ; thủy sản 2,24 tỷ; máy móc, thiết bị 2,13 tỷ; dầu thô 2,12 tỷ; phương tiện vận tải 2,09 tỷ; gỗ và sản phẩm gỗ 1,94 tỷ; cà phê 1,65 tỷ USD. Mới qua 4 tháng đã có 8 thị trường đạt 1 tỷ USD trở lên (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Hongkong -Trung Quốc, Malaysia).

Nhờ cán cân thương mại có số dư, cộng với nguồn ngoại tệ từ các nguồn vào Việt Nam đạt khá (FDI thực hiện đạt 4 tỷ USD, tăng 6,7%, ODA, kiều hối tăng, chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam …) và quan trọng hơn là tâm lý găm giữ ngoại tệ của doanh nghiệp, dân cư giảm, nên Ngân hàng Nhà nước đã mua được ngoại tệ, làm tăng dự trữ ngoại hối (hiện đạt 35 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay), làm tăng tính thanh khoản của quốc gia, tỷ giá ổn định.

Tuy tổng cầu đã tăng lên, nhưng đó mới là dấu hiệu ban đầu. Nhìn tổng quát tổng cầu vẫn còn yếu. Biểu hiện của nó là tiêu thụ tăng thấp hơn sản xuất, tồn kho tăng cao lên, tăng trưởng tín dụng thấp. Tình hình trên dẫn đến kết quả là sản xuất tăng chậm, doanh nghiệp còn khó khăn, tác động tiêu cực đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn.

Minh Ngọc

chính phủ

Các tin tức khác

>   Ngăn chặn lạm phát mới chỉ giải quyết được phần ngọn (02/05/2014)

>   Cứ nghe “đầu tư” là sợ! (02/05/2014)

>   PMI sản xuất Việt Nam lên cao kỷ lục trong tháng 4 (02/05/2014)

>   “Lạ” và quen tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014 (01/05/2014)

>   Chính phủ “quá lạc quan” về tình hình kinh tế? (30/04/2014)

>   Sức mua trước lễ trầm lắng (30/04/2014)

>   Tăng trưởng kinh tế 39 năm sau ngày thống nhất (30/04/2014)

>   Tồn kho lại tăng (29/04/2014)

>   CPI tháng 5 sẽ tăng nhẹ (29/04/2014)

>   Kinh tế Việt Nam đang phục hồi và sẽ phát triển ổn định (29/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật