Thứ Sáu, 02/05/2014 10:29

Cứ nghe “đầu tư” là sợ!

Lẽ thường, nghe tin Nhà nước đầu tư xây dựng những công trình quốc kế dân sinh, người dân phải vui mừng mới phải. Nhưng không biết từ bao giờ, người dân có tâm trạng hễ cứ nghe hai tiếng “đầu tư” (công) là sợ.

Sợ tiền đầu tư chạy vào túi tham nhũng, chất lượng công trình thì kém mà chi phí cao. Sợ món nợ công đã cao càng thêm cao. Sợ cho ngân sách quốc gia cạn kiệt, phải lấy đầu này đắp đầu nọ trong khi những nhu cầu bức xúc hơn của người dân không được quan tâm, như giải quyết nạn bệnh viện quá tải, cầu, đường cho người dân đi lại và các em học sinh tới trường ở vùng sâu vùng xa. Sợ cho túi tiền vốn đã teo tóp của mình càng teo tóp thêm, vì rút cục lại người dân sẽ là người phải bỏ tiền ra, bằng cách này hay cách khác, bù đắp vào những khoản thất thoát, lãng phí trong đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Cách nặn hầu bao của dân dễ nhất là qua việc tăng các loại phí, tăng giá liên tục các mặt hàng thiết yếu cho đời sống như điện, nước, xăng dầu…

Trong suy nghĩ và tâm lý của không ít quan chức, ngân sách không khác gì “tiền chùa” muốn lấy bao nhiêu tùy ý và sử dụng sao cũng được, họ dường như không biết nghĩ đến gánh nặng trên vai người dân và doanh nghiệp. 

Nỗi sợ của người dân không hề vô căn cứ. Chỉ cần nhớ lại những khoản tiền lớn đã đổ vào cho Vinashin trước đây để xây dựng ngành công nghiệp đóng tàu hay cho Vinalines để xây dựng ngành hàng hải để cuối cùng mục tiêu thì không đạt được trong khi lại để lại cho ngân sách quốc gia những khoản nợ khổng lồ, hay gần đây là việc Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) khai lại quả đến 16 tỉ đồng cho cán bộ lãnh đạo Ban quản lý các dự án đường sắt để có được hợp đồng (khoản lại quả tất nhiên sẽ được đưa vào giá thành công trình). Đó là chỉ kể những vụ việc nổi cộm nhất.

Mới nhất là việc công trình đường sắt nội đô Cát Linh-Hà Đông, một công trình vay vốn ODA của Trung Quốc, bị đội vốn đầu tư đến 339 triệu đô la Mỹ. Dư luận đặt vấn đề. Người ta đổ cho sự “thiếu kinh nghiệm” của cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu Trung Quốc. Và thật bất ngờ, ông Nguyễn Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đường sắt, nói tỉnh queo: “Điều chỉnh một tí đã rùm beng cả lên”.

Đội vốn đến 339 triệu đô la mà ông Thắng xem chỉ là “một tí”, không đáng làm rùm beng thì người dân làm sao không lo sợ cho ngân sách quốc gia, cho túi tiền của họ và những khoản nợ mà con cháu sau này phải trả? Cái “một tí” của ông Thắng trị giá đến 339 triệu đô la (hơn 6.000 tỉ đồng), trong khi trước đó chưa lâu công luận đã phải vất vả phản biện việc đăng cai Asiad mà theo Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chỉ tốn khoảng 150 triệu đô la, cũng như con số dự kiến 34.000 tỉ đồng chi cho việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra rồi sau đó rút lại trước phản ứng của dư luận. Rõ ràng, trong suy nghĩ và tâm lý của không ít quan chức, ngân sách không khác gì “tiền chùa” muốn lấy bao nhiêu tùy ý và sử dụng sao cũng được, họ dường như không biết nghĩ đến gánh nặng trên vai người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã tạm đình chỉ chức vụ của ông Thắng không chỉ vì phát ngôn gây sốc dư luận của ông mà còn yêu cầu ông kiểm điểm trách nhiệm trong việc để dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đội vốn. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc kiểm điểm như trước nay vẫn làm trong nhiều vụ việc thất thoát lãng phí, chắc chắn vấn nạn thất thoát lãng phí nguồn lực của đất nước sẽ vẫn tiếp tục. Vấn nạn trên chỉ có thể chặn đứng bằng cách bịt tất cả các lỗ hổng, từ lỗ hổng trong xử lý triệt để trách nhiệm của những người có liên quan, nhất là người đứng đầu, song song với việc bịt những lỗ hổng trong cơ chế, luật pháp liên quan đến đấu thầu và đầu tư công.

Thất thoát như thế, lãng phí như thế từ năm này qua năm khác mà không có cách gì bịt lỗ hổng, sức dân nào chịu cho nổi? Hỏi sao dân không sợ khi nghe hai tiếng “đầu tư”!

Đoàn Khắc Xuyên

tbktsg

Các tin tức khác

>   PMI sản xuất Việt Nam lên cao kỷ lục trong tháng 4 (02/05/2014)

>   “Lạ” và quen tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014 (01/05/2014)

>   Chính phủ “quá lạc quan” về tình hình kinh tế? (30/04/2014)

>   Sức mua trước lễ trầm lắng (30/04/2014)

>   Tăng trưởng kinh tế 39 năm sau ngày thống nhất (30/04/2014)

>   Tồn kho lại tăng (29/04/2014)

>   CPI tháng 5 sẽ tăng nhẹ (29/04/2014)

>   Kinh tế Việt Nam đang phục hồi và sẽ phát triển ổn định (29/04/2014)

>   TS Trần Du Lịch: 'Kinh tế Việt Nam ốm không ra ốm, khỏe không ra khỏe' (29/04/2014)

>   “Điều lạ lùng” không xa lạ với kinh tế Việt Nam (28/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật