7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển KT-XH
Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và xuất phát từ thực tiễn tình hình những tháng đầu năm, Chính phủ xác định rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Trình bày "Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2014" tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII sáng nay (20/5), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2014, sáng 20/5
|
Một là, tiếp tục thực hiện nhất quán nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô
Chính phủ xác định điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng hợp lý. Tiếp tục điều hành mặt bằng lãi suất phù hợp. Phân bổ tín dụng hợp lý, phấn đấu cả năm đạt mức tăng trưởng 12-14%, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng. Điều hành tỷ giá linh hoạt, bảo đảm ổn định giá trị đồng Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối. Thực hiện các giải pháp phù hợp phát triển ổn định thị trường chứng khoán, nâng cao hiệu quả huy động vốn cho doanh nghiệp.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách Nhà nước. Kiên quyết cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các khoản chi chưa thực sự cấp bách. Từng bước xử lý các khoản mà ngân sách còn nợ. Bảo đảm bội chi ngân sách Nhà nước trong phạm vi Quốc hội quyết định. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, quản lý chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia, bảo đảm trong giới hạn an toàn.
Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tập trung vốn để thực hiện đúng tiến độ các công trình hạ tầng quan trọng, cấp bách, hoàn thành trong năm 2014. Thực hiện các giải pháp phù hợp để thu hút mạnh các nguồn lực ngoài Nhà nước cho đầu tư phát triển. Sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách đất đai, tài chính, thuế, giá, phí, lệ phí, nhượng quyền… để nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng tính thương mại của dự án.
Hai là, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần củng cố niềm tin của xã hội, người dân và doanh nghiệp. Tập trung xử lý nợ xấu, tăng khả năng tiếp cận vốn; rà soát, loại bỏ các rào cản, vướng mắc; cải cách chính sách thuế, phí, lệ phí; đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là về đăng ký kinh doanh, tín dụng, thuế, hải quan, bất động sản... và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch cụ thể để chủ động thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, cam kết quốc tế nhằm tận dụng cơ hội, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, bảo đảm chất lượng hàng hóa, nâng cao khả năng giải quyết tranh chấp thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường thế giới. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn, lậu thuế...
Ba là, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực. Rà soát, hoàn thiện các chính sách thuế, đất đai, xã hội hóa... để khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thực hiện tái cơ cấu sản phẩm, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hỗ trợ có hiệu quả các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm mới.
Chỉ đạo quyết liệt cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo nguyên tắc thị trường và kế hoạch đã được phê duyệt cho từng bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế trong năm 2014-2015. Công khai minh bạch kết quả hoạt động theo quy định của pháp luật. Tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ pháp luật, kiện toàn công tác cán bộ, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, nhất là tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước. Tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng cường thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án lớn, công nghệ cao.
Tiếp tục tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, tập trung xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng. Khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách về xử lý tài sản đảm bảo và bán đấu giá tài sản. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm quy chế an toàn hoạt động ngân hàng; tăng cường thanh tra, giám sát, bảo đảm an toàn hệ thống.
Thực hiện quyết liệt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý có hiệu quả; tăng cường hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân. Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ưu tiên nguồn lực và huy động toàn xã hội tham gia thực hiện có hiệu quả xây dựng nông thôn mới.
Bốn là, phát triển văn hóa, xã hội
Tiếp tục rà soát, điều chỉnh và triển khai đồng bộ các chính sách người có công, dạy nghề, giải quyết việc làm, bảo trợ xã hội, giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, vùng ATK, các huyện nghèo và các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, đời sống và có chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao hiệu quả dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, nhất là cho thanh niên, lao động nông thôn; mở rộng thị trường xuất khẩu lao động. Tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn lao động và việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Chủ động phòng chống dịch bệnh, không được để dịch lớn xảy ra. Tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện.
Tập trung triển khai Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, quan tâm hơn tới vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học theo tinh thần đổi mới. Quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm.
Chủ động thông tin kịp thời, khách quan về tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại. Tăng cường quản lý Nhà nước, kỷ luật phát ngôn, đề cao trách nhiệm của các cơ quan thông tin truyền thông, ngăn chặn có hiệu quả việc lợi dụng tự do, dân chủ để chống phá đất nước.
Năm là, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu
Triển khai hiệu quả Chương trình hành động về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Chiến lược phát triển bền vững và Chiến lược tăng trưởng xanh. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm, nhất là tại các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp, lưu vực sông, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nặng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Thúc đẩy phát triển sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Tăng cường khả năng điều tiết các nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, tăng khả năng tích nước cho mùa khô. Nâng cao năng lực phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Chủ động hợp tác với các tổ chức quốc tế và các nước trong khu vực để có giải pháp sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong.
Sáu là, đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí
Tập trung thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, xây dựng các dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương; chỉ đạo và giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Bảo đảm chất lượng và tiến độ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước. Tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư. Nhân rộng cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại và thí điểm tổ chức các trung tâm dịch vụ hành chính công. Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức; tinh giản biên chế. Xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ.
Chỉ đạo triển khai có hiệu quả Luật, Chương trình hành động và Kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng. Tăng cường kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Bảy là, tăng cường quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế
Tiếp tục tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, ứng phó kịp thời trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ. Củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, nhất là tại các địa bàn trọng điểm. Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế. Tiếp cận công nghệ quốc phòng tiên tiến, làm chủ trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí hiện đại.
Thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Tăng cường công tác thông tin truyền thông, tạo sự đồng tình, ủng hộ của đồng bào ta cả trong và ngoài nước và của cộng đồng quốc tế. Đồng thời chủ động ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Thực hiện các biện pháp cần thiết theo đúng pháp luật và các cam kết quốc tế của Việt Nam, bảo đảm an ninh và an toàn tuyệt đối cho các cơ quan, doanh nghiệp và người nước ngoài tại Việt Nam.
Lê Sơn
chính phủ
|