Chính sách khó đẽo cày giữa đường
Khi mà nhiều chuyên gia khuyến nghị có thể xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ, nhiều tranh cãi bắt đầu bùng phát.
Nền kinh tế suốt thời gian vừa qua chìm trong trạng thái lạm phát thấp dần và tốc độ tăng trưởng cải thiện chậm - xét theo số liệu thống kê. Một số ý kiến cho rằng, lạm phát thấp là điều kiện để nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa... Thậm chí, có ý kiến cho rằng, nếu tiếp tục để mức lạm phát tụt xa quá thấp, cách xa chỉ tiêu đặt ra cho cả năm nay là một thất bại…
Thực tế, những nhà điều hành chính sách vẫn còn lo lắng nhiều về ổn định vĩ mô hơn là tăng trưởng lúc này.
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2014, một nhận định quan trọng tiếp tục được nêu: Kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc. Có thể hiểu rằng, các yếu tố gây lạm phát cao hiện còn chưa khẳng định sẽ kìm cương. Do vậy, bất kỳ tác động của chính sách mang tính đột biến nào cũng có thể tạo ra những biến động không lường trước so với tình hình ổn định vĩ mô hiện nay. Trong khi, cung và cầu đều yếu rất khó được cải thiện chỉ bằng nới lỏng dòng tiền từ phía tín dụng hay đầu tư, ngược lại dễ gây nên lạm phát. Chính vì vậy, về ưu tiên chính sách, Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 4 bên cạnh yêu cầu hỗ trợ DN hồi phục vẫn tái khẳng định: “Hệ thống ngân hàng cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện các tỷ lệ an toàn đối với hoạt động ngân hàng”.
Chính sách điều hành nền kinh tế đã từng có qua giai đoạn “đẽo cày giữa đường”: lúc suy giảm thì muôn ý ủng hộ nới lỏng, rồi khi bong bóng nổ ra lại dồn dập kiến nghị thắt chặt. Chính sách chạy giữa hai thái cực trên khiến tình hình ngày càng xấu đi, với tác động nới lỏng chính sách khiến tăng trưởng cải thiện chậm dần mà lạm phát thì “bốc hỏa” dữ dội. Sự bất ổn về vĩ mô không có lợi cho bất kỳ thành viên thị trường nào, từ người dân, DN, cho đến cơ quan điều hành chính sách.
Đặc biệt, cần nói thêm là những ý kiến kêu gọi nới lỏng chính sách tiền tệ, dường như từ lâu nay, được đưa ra một cách dễ dãi. Trên thế giới, đa số quốc gia có nền tài chính tiên tiến đều có chính sách tiền tệ chỉ hướng tới một mục tiêu: ổn định giá trị đồng tiền. Nhiều chuyên gia từ các NHTW nước ngoài khẳng định, việc hỗ trợ tăng trưởng không phải thuộc trách nhiệm của chính sách tiền tệ. Trên thực tế, việc ổn định giá trị đồng tiền theo nghĩa kiểm soát được lạm phát mục tiêu, không dễ lồng ghép thêm vai trò hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Khi mà, nới lỏng chính sách có thể khiến tăng trưởng cải thiện, nhưng lạm phát cũng lại sẽ thổi bùng và ngược lại. Về lý thuyết là như vậy.
Điều này càng đúng với trường hợp Việt Nam, khi mà nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, các dòng tiền nóng rất dễ chảy vào hoạt động đầu cơ giá trị “ảo”. Giá nhà đất cao quá mức khả năng có thể chi trả của đại đa số người dân có thể xem là điều đáng tiếc nhất từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ giai đoạn trước, gây bất bình đẳng trong xã hội về tiếp cận nhà ở. Điều này không nên lập lại trong giai đoạn tới.
Ngay thời gian này, nhiều ý kiến trái chiều khiến cơ quan điều hành chính sách lúc nào cũng lôi cuốn sự chú ý của dư luận. Khi mà phía DN đánh giá cao chủ trương giảm lãi suất khoản vay cũ về dưới 15% rồi 13%/năm; khi mà các lĩnh vực yếu thế như nông nghiệp nông thôn, hay phục vụ mục tiêu phát triển của Nhà nước như công nghiệp phụ trợ được ưu tiên tiếp cận tín dụng… thì ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng đó là kiểu điều hành bằng mệnh lệnh hành chính.
Sẽ là dễ dàng hơn cho chính sách tiền tệ, nếu chỉ gắn với mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền. Công cụ OMO được sử dụng linh hoạt thời gian qua, cùng với các chính sách điều hành về lãi suất chủ chốt, tỷ giá... khiến lạm phát và tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng đột biến, trong khi an toàn hệ thống tín dụng được kiểm soát. Tái cơ cấu hệ thống đang sàng lọc những bất ổn cuối cùng để kiến tạo một cơ thể khỏe mạnh hơn cho hệ thống ngân hàng.
Hơn ai hết, NHNN biết rõ việc mình cần làm để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, đảm bảo ổn định vĩ mô và cả hệ thống tín dụng, đồng thời hỗ trợ hợp lý tăng trưởng kinh tế. Đây có lẽ là một nhiệm vụ “kép” của chính sách tiền tệ mà ít có cơ quan NHTW nào trên thế giới đang phải gánh cùng lúc trên đôi vai của mình.
Phải chăng, khuyến nghị chính sách nên là tham khảo, không thể gây sức ép lên một hệ thống đang vận hành trơn tru và theo hướng cải thiện dần, đảm bảo vai trò tích cực trong nền kinh tế như chính sách tiền tệ?
Anh Quân
thời báo ngân hàng
|