CPI tháng 5 tại Tp.HCM bật tăng sau hai tháng giảm
Cục Thống kê Tp.HCM vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2014 của thành phố đã tăng 0,36% so với tháng trước và tăng 0,51% so với tháng 12 năm trước. Ở một gốc so sánh khác, CPI so với tháng 5/2013 cũng đã tăng 5,04%.
Diễn biến CPI các tháng tại Tp.HCM - Nguồn: Cục Thống kê Tp.HCM.
|
Mức tăng CPI trong tháng là cộng hưởng của hai nhóm hàng giảm giá, hai nhóm hàng giá không đổi và 7 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước.
Do không phải tháng có sự điều chỉnh học phí và giá các mặt hàng đồ dùng học tập ổn định nên chỉ số giá nhóm giáo dục không đổi so với tháng trước. Tương tự, nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép cũng giữ nguyên giá so với tháng trước.
Hai nhóm hàng giảm giá là nhóm bưu chính viễn thông và nhóm thuốc và dụng cụ y tế có giảm so với tháng trước nhưng ở mức rất nhẹ, dưới 0,1%.
Ở phía các nhóm hàng tăng, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng mạnh nhất ở mức 0,71% so với tháng trước, trong đó lương thực tăng 0,03%, thực phẩm tăng 1,41% và ăn uống ngoài gia đình không đổi so với tháng trước.
Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong vụ Đông Xuân với năng suất cao, là nguồn cung dồi dào cho thị trường Tp.HCM, là điều kiện tiền đề giúp giá lương thực ổn định, gần như không đổi so với tháng trước.
Trong tháng, ngày nghỉ lễ kéo dài khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân có tăng lên khiến giá cả các mặt hàng thực phẩm tăng đáng kể so với tháng trước. Giá thực phẩm đã tăng mạnh, thậm chí còn cao hơn mức tăng của tháng Tết chủ yếu là do giá các mặt hàng thịt tươi sống như thịt lợn, thịt gia cầm.
Giá thịt lợn tăng vọt phần lớn là do thị trường Campuchia đang vào mùa lễ hội, kéo theo giá thịt lợn ở các tỉnh Nam Bộ tăng theo, thậm chí lợn hơi từ các tỉnh phía Bắc cũng đang “ngược” vào Nam để đáp ứng nhu cầu này. Tuy nhiên, theo một doanh nghiệp kinh doanh, giết mổ tại Tp.HCM, đây chỉ là yếu tố thời vụ và giá thịt lợn khó có thể tăng thêm.
Mặc dù trong tháng có nhiều ngày nghỉ lễ nhưng giá các mặt hàng ăn uống ngoài gia đình không đổi so với tháng trước cùng với việc chỉ số giá nhóm văn hóa, thể thao, giải trí tăng nhẹ 0,15% đã phản ánh người dân Tp.HCM vẫn tiết kiệm, cân nhắc kỹ càng trong các khoản chi tiêu hàng ngày chỉ tập trung vào các nhu cầu thiết yếu và hạn chế các khoản chi dùng cho vui chơi, giải trí.
Trong tháng, hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào chỉ số giá tiêu dùng là vàng và đô la Mỹ diễn biến trái chiều khi ghi nhận ở các mức tương ứng giảm 0,61% và tăng 0,03% so với tháng trước.
Thái Hà
vneconomy
|