Nhập khẩu gỗ từ Campuchia tăng mạnh
Do được nhập khẩu gỗ từ Campuchia không cần giấy phép của Bộ Công Thương nên trong thời gian qua lượng gỗ nhập khẩu từ quốc gia này tăng mạnh.
Công nhân đang làm việc tại một công ty sản xuất đồ gỗ ở Phú Yên. Ảnh: Uyên Viễn.
|
Theo Tổng cục Hải quan, trong ba tháng đầu năm 2014, gỗ và sản phẩm gỗ nhập từ Campuchia có trị giá 97,3 triệu đô la Mỹ, tăng gần 15 lần so với mức 6,63 triệu đô la Mỹ cùng kỳ năm 2013. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN–PTNT), trong 4 tháng đầu năm 2014, Việt Nam phải bỏ ra 861 triệu đô la Mỹ để nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu lớn nhất là từ Lào chiếm gần 32%, Campuchia chiếm gần 17% giá trị.
Giám đốc một công ty ở Bình Dương có nhập khẩu gỗ từ Campuchia không muốn nêu tên cho biết trước đây, doanh nghiệp muốn nhập khẩu gỗ từ Campuchia phải mất nhiều thời gian hơn trong việc xin giấy phép.
Từ khi có Thông tư 01/2014/TT – BTC, được ban hành ngày 15-1-2014, doanh nghiệp Việt Nam được phép nhập khẩu gỗ từ Campuchia mà không cần giấy phép nhập khẩu của Bộ Công Thương. Thông tư có hiệu lực từ ngày ký. Như vậy, thương nhân chỉ cần đóng thuế nhập khẩu tại hải quan biên giới là được nhập về.
Do lượng gỗ nhập từ Campuchia tăng mạnh, mới đây Thủ tướng Campuchia có công văn gởi Thủ tướng Việt Nam đề nghị quay lại thực hiện theo quy trình thủ tục cũ, tức là doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ Campuchia phải có công văn thông báo và giấy phép xuất khẩu gỗ của Bộ Thương mại Campuchia và có sự đồng ý của Bộ Công Thương Việt Nam mới có thể nhập khẩu.
Vào thời điểm đó, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), khi trả lời phỏng vấn của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã nói rằng, mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu gỗ từ 40 nước khác nhau nhưng không có nước nào có yêu cầu phải đăng ký với Bộ Công Thương mới được nhập về. Vì thế, mới có chuyện Bộ Công thương có thông tư 01 nhằm bỏ quy định này để tránh những thủ tục không cần thiết.
Ông Quyền cũng cho hay, gỗ Campuchia chủ yếu là gỗ quý và được quản lý rất chặt theo Công ước Cites (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp). Theo quy định Cites, nếu một sản phẩm nào nằm trong danh mục này khi xuất qua một nước khác thì phải có sự đồng ý của Cites của cả nước nhập và nước xuất mới được tiến hành mua bán.
Ngọc Hùng
thời báo kinh tế sài gòn
|