TS Lê Đăng Doanh: Hiệp định TPP là cú hích cho nền kinh tế VN
Các yêu cầu TPP đang theo đúng xu hướng phát triển kinh tế của Việt Nam. Thế nên đây sẽ là động lực cho quá trình tái cấu trúc kinh tế nhanh chóng.
Ngày 20-5, bộ trưởng Thương mại các nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc vòng đàm phán kéo dài hai ngày tại Singapore.
Năm 2014 sẽ là năm quan trọng có tính chất quyết định cho việc đàm phán TPP của Việt Nam và cũng là năm thực hiện chương trình hành động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được đưa ra trong thông điệp đầu năm mới. Chuyên gia kinh tế -TS Lê Đăng Doanh cho rằng đây là điều may mắn của Việt Nam. Việc gia nhập TPP là một cú hích lớn trong việc cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế.
Phải bỏ thói kinh doanh bằng “mối quan hệ”
. TPP sẽ tạo ra động lực gì cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014?
+ TS Lê Đăng Doanh: Nếu như WTO trước đây, Việt Nam tham gia chủ yếu là các hiệp định về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ, đầu tư... thì bây giờ TPP đi vào chiều sâu hơn, bao gồm tất cả lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế-xã hội. Đặc biệt trong quy định của TPP có điều khoản về thuế nhập khẩu bằng 0% vào năm 2015 giữa các thành viên.
Chính vì thế, hàng hóa Việt Nam sẽ có cơ hội vào các thị trường lớn với những khoản thuế ưu đãi, tuy nhiên cùng với đó là những yêu cầu khắt khe về chất lượng, nguồn gốc hàng hóa… Thị trường trong nước cũng sẽ đón nhận một luồng lớn doanh nghiệp (DN) nước ngoài nhảy vào đầu tư sản xuất, DN nội sẽ đối mặt với những thách thức cạnh tranh sòng phẳng với DN ngoại, tạo ra áp lực không nhỏ ngay trên sân nhà. Đặc biệt, TPP thúc đẩy môi trường kinh doanh ở Việt Nam phải có cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và bỏ tất cả ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
. Thông điệp đầu năm của Thủ tướng nhấn mạnh việc cải cách thể chế, dân chủ, thực hiện cạnh tranh trong cơ chế thị trường, kiểm soát độc quyền. Điều này trùng với yêu cầu từ TPP. Vậy cụ thể, Việt Nam phải tập trung cải cách gì, thưa ông?
+ Theo tôi, trước hết phải công khai minh bạch, cạnh tranh bình đẳng bằng pháp luật và loại bỏ các kiểu kinh doanh bằng mối quan hệ. Hiện nay, động lực rất chệch hướng của kinh doanh Việt Nam là bằng mối quan hệ. Nhiều ông vỗ ngực xưng đại gia ở Việt Nam không có công nghệ gì mà họ đi lên bằng khai thác tài nguyên... Nếu cứ tiếp tục như thế thì kinh tế Việt Nam không bao giờ chuyển sang được nền kinh tế tri thức và cạnh tranh bằng sáng tạo được. Còn các DN Việt Nam phải tự đổi mới mình và thực hiện liên kết. Các DN Việt Nam hiện nay quá nhỏ so với các DN nước ngoài nên dễ bị thâu tóm.
Thúc đẩy giám sát quyền lực
. TPP sẽ tạo ra động lực gì đối với việc quản lý DNNN?
+ Đối với DNNN, Chính phủ cần xem TPP yêu cầu gì với loại hình DN này, công khai, minh bạch và ưu đãi ra sao? Cạnh tranh bình đẳng, kể cả mua sắm của Chính phủ cũng cần phải tính đến. Đó là yêu cầu cơ bản trong cải cách. Muốn thế cần xóa bỏ lợi ích nhóm; quyền lực phải được giám sát bằng các cơ chế công khai, minh bạch, bằng chế độ giải trình.
. Còn về yếu tố quyền minh bạch thông tin, TPP yêu cầu Việt Nam phải điều chỉnh ra sao cho hợp lý?
+ TPP đòi hỏi những vấn đề quan trọng phải thông qua Quốc hội. Ví như, Quốc hội Mỹ đòi hỏi và đưa ra rất nhiều điều, trong đó có quyền con người, nhân quyền, tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin, biểu đạt ý kiến một cách ôn hòa. Đấy là những điều mà tới đây chúng ta nên xem xét và chú ý nhiều hơn, bởi Quốc hội nước họ không thông qua thì mình vẫn không vào được TPP.
. Xin cảm ơn ông.
Trà Phương
DN còn mơ hồ về TPP
Theo chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực, cố vấn cao cấp Ngân hàng BIDV, hiện nay phần lớn các DN Việt Nam vẫn mơ hồ về TPP. TPP tác động ra sao đến DN và bản thân DN phải chuẩn bị những gì sau khi ký kết để bắt nhịp hội nhập, tôi chắc chắn nhiều DN Việt không nắm rõ vấn đề này. Chúng ta hãy nhìn sang Mỹ để thấy các DN của họ chuyên nghiệp đến mức nào. Ngay từ lúc các nước chưa ký nhưng ngày 24-2 đã có 32 DN hàng đầu của Mỹ đến Việt Nam để đón lõng thị trường, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Thậm chí TPP được báo giới đưa tin rất nhiều nhưng dường như việc TPP là của các bộ, ngành tham gia đàm phán.
Phải tạo môi trường kinh doanh minh bạch
TPP tương thích với những gì Việt Nam đang làm, đó là cải cách thể chế tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó cải cách thể chế liên quan đến hoàn thiện pháp lý, khuôn khổ pháp lý phải phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập. Vào TPP là hội nhập tổng thể chiến lược. Trong cải cách này, câu chuyện dân chủ hóa là vấn đề rất quan trọng, dân chủ gắn với cải cách kinh tế theo hướng thị trường và hội nhập, môi trường kinh doanh tự do, bình đẳng. Ngoài ra, khi tham gia TPP, Nhà nước buộc phải tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh trong DNNN để hạn chế độc quyền.
TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
|
pháp luật tphcm
|