Thứ Năm, 22/05/2014 11:19

Tăng sức vận tải biển Việt Nam

Với khoảng 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) được vận chuyển bằng đường biển, ngành vận tải biển nước ta ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lưu thông hàng hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh quyết liệt của các hãng tàu ngoại, đội tàu biển Việt Nam đang ngày càng yếu ớt, kinh doanh thua lỗ triền miên.

Đông vẫn yếu

Tính đến cuối năm 2013, đội tàu vận tải biển Việt Nam có 1.788 tàu các loại, với tổng dung tích 4,3 triệu GT và tổng trọng tải khoảng 6,9 triệu DWT, đứng thứ 5/10 nước ASEAN. Thế nhưng, trọng tải bình quân của tàu Việt Nam tương đối thấp (3.960 DWT/tàu), xếp hạng 9/10 nước ASEAN. Tàu có trọng tải dưới 5 vạn DWT chiếm gần 80%, tàu 5-15 vạn DWT chiếm khoảng 17%, tàu trên 15 vạn chỉ có 2 chiếc, chiếm 3,3%.

Sở hữu đội tàu đó là khoảng 600 chủ tàu thuộc mọi thành phần kinh tế, trong đó chỉ có 33 chủ tàu lớn sở hữu đội tàu có tổng trọng tải trên 1 vạn DWT, còn lại là đội tàu nhỏ thuộc các thành phần kinh tế tư nhân, nhỏ lẻ tại các địa phương Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Bình...

Năm 2013, lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam đạt 326 triệu tấn, năm 2012 là 294 triệu tấn, năm 2011 đạt 286 triệu tấn. Mức độ tăng trưởng bình quân hàng năm về sản lượng vận tải biển đã giảm từ 19,6%/năm giai đoạn 2002-2008 xuống 17% năm 2009 và 4,41% năm 2012. Các DN vận tải biển vẫn đang trong giai đoạn kinh doanh khó khăn do giá cước thấp, khan hiếm nguồn hàng, chi phí nhiên liệu tăng cao, hàng loạt DN nhỏ ở địa phương bị phá sản, các DN lớn của Nhà nước cũng lâm vào tình trạng thua lỗ, nợ nần.

Ngoài ra, còn một số tồn tại làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh như: cơ cấu đội tàu không phù hợp, tình trạng kỹ thuật yếu kém, tàu bị lưu giữ nhiều ở nước ngoài. Việc tổ chức quản lý, cung ứng dịch vụ của DN Việt Nam còn yếu, thiếu sự liên kết giữa các hãng tàu, chủ hàng, thương mại, bảo hiểm. Nguồn tài chính khó khăn. Nguồn nhân lực yếu và thiếu.

Tập quán mua CIF, bán FOB làm mất cơ hội thuê phương tiện… Trong khi đó, hiện có khoảng 40 hãng tàu nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, đảm nhận gần 90% thị phần chuyên chở hàng hóa XNK. Trong đó có những thương hiệu nổi tiếng thế giới như Maerk Lines, NYK Line, CMA CGM, MSC... Những hãng này nổi tiếng có tiềm lực tài chính mạnh, kinh nghiệm, hệ thống logistics rộng khắp… nhưng họ vẫn liên minh, bắt tay nhau để thống lĩnh thị trường.

Hỗ trợ giảm chi phí

Chi phí vận tải biển được cấu thành bởi nhiều yếu tố như: chi phí vận tải, bốc dỡ, phí lưu kho bãi, cảng phí và phí hải quan, phí đóng gói. Trong đó phí vận tải chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 58% tổng chi phí, phí bốc dỡ chiếm 21%, phí lưu kho bãi chiếm 10%, phí đóng gói chiếm 8%, cảng phí và phí hải quan chiếm 3%. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tổng chi phí logistics Việt Nam thuộc loại khá cao, khoảng 25% GDP, Thái Lan là 19%, Trung Quốc 18%, Nhật Bản 11%, Singapore 8%, Hoa Kỳ 7,7%.

Chi phí logistics càng giảm theo cấp độ phát triển của nền kinh tế: ở các nước phát triển, chi phí logistics chiếm khoảng 10-13% GDP, các nước đang phát triển khoảng 15-20% GDP, với nước kém phát triển thì tỷ lệ này có thể hơn 30%. Bên cạnh đó, do phần lớn các nhà xuất khẩu Việt Nam xuất khẩu hàng theo điều kiện FOB, FCA nên quyền định đoạt về vận tải đều do người mua chỉ định, và dĩ nhiên người mua sẽ chỉ định một công ty nước họ để thực hiện điều này.

Bất cập này là do phần lớn các nhà xuất khẩu của Việt Nam đều gia công hoặc xuất hàng cho những khách hàng lớn đã có những hợp đồng dài hạn với các DN vận tải biển nước ngoài. Các DN vận tải biển của Việt Nam hoạt động còn độc lập, thiếu hẳn sự liên kết cần thiết.

Cảng Sài Gòn Hiệp Phước.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, để nâng cao năng lực cạnh tranh, thị phần vận tải cần phải giảm chi phí. Cụ thể, cần đầu tư nâng cấp trang thiết bị, công nghệ bốc dỡ, nâng cao năng lực bốc dỡ để giảm thời gian quay vòng của tàu và tiết kiệm chi phí lưu kho bãi, cảng phí. Áp dụng công nghệ thông tin trong trao đổi dữ liệu để giảm chi phí thủ tục giấy tờ, tiết kiệm thời gian...

Về phía Cục Hàng hải sẽ kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ các DN vận tải biển Việt Nam được mua nhiêu liệu với mức giá ưu đãi tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đồng thời, có chính sách giảm thuế đối với hàng hóa là vật tư, thiết bị phục vụ cho sửa chữa, bảo dưỡng tàu biển. Với hoạt động vận tải nội địa của tàu mang cờ Việt Nam sẽ áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 5% trong vòng 3 năm.

Đối với nguồn thu từ vận tải hàng hóa trên tuyến vận tải biển, được giảm 15% thuế thu nhập DN trong thời gian 10 năm. Hỗ trợ những DN đầu tư tàu biển tham gia vận tải hàng hóa XNK vay vốn lưu động với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Hàng hóa nhập khẩu dùng tàu biển Việt Nam vận chuyển cũng được giảm 10% mức thuế nhập khẩu.

Minh Tuấn

Sài gòn đầu tư

Các tin tức khác

>   Nhiều cơ hội xuất khẩu tại thị trường Hungary (22/05/2014)

>   Việt Nam thu hút nhiều công ty hương liệu, phụ gia thực phẩm quốc tế (22/05/2014)

>   Đại biểu lo lắng về quy định thế chấp phương tiện thủy (21/05/2014)

>   Mỹ tăng thuế chống bán phá giá cá tra gấp 3 lần (21/05/2014)

>   Kết luận của Thủ tướng về hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh (21/05/2014)

>   Hà Tĩnh bảo đảm an ninh, đẩy nhanh tiến độ dự án Formosa (21/05/2014)

>   Du lịch Việt Nam chuyển hướng sau khi TQ gây hấn trên Biển Đông (21/05/2014)

>   TS Lê Đăng Doanh: Hiệp định TPP là cú hích cho nền kinh tế VN (21/05/2014)

>   Lợi ích nhóm cản đường tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (21/05/2014)

>   Tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và WEF (20/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật