Thứ Tư, 28/05/2014 22:47

Kinh tế 5 tháng: Sức cầu vẫn “đuối”

Những số liệu về doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao cũng như tốc độ tăng trưởng tín dụng và chỉ số giá tiêu dùng thấp dấy lên nhiều quan ngại về việc sức cầu đang ở mức thấp, ảnh hưởng đến "sức khỏe" nền kinh tế.

Nền kinh tế đã chuyển biến nhưng tốc độ còn chậm. Ảnh minh họa/ L.Bằng.

Băn khoăn việc CPI tăng thấp

Đánh giá về nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2014, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư “dè dặt” nhận định: Kinh tế chuyển biến từ từ.

Trong một loạt số liệu về kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2014, tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khiến nhiều người băn khoăn.

CPI 5 tháng mới tăng 1,08%, còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu kiềm chế CPI dưới 7%. Khi trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng: Đây là mức tăng khá thấp. Nhìn lại các năm vừa qua, cụ thể 5 tháng đầu năm 2013, CPI vẫn tăng 2,35%. Còn năm 2012 tăng 2,78%. Nay CPI chỉ tăng 1,08% là tương đối thấp.

"Chúng tôi cũng thấy năm nay kinh tế vẫn khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu hơn. Cho nên giá cả cũng không tăng cao. Như vậy với tốc độ tăng CPI thấp thế này, đó cũng là yếu tố cần xem xét" - ông Nguyễn Đức Thắng nói.

Ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: CPI tăng 1,08% là mức tăng rất thấp trong vòng 10 năm nay. Ước tính cả năm CPI chỉ tăng khoảng 5%.

Trước đó, tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội đã cảnh báo rằng: Nếu cuối năm, tăng trưởng không cải thiện mà CPI chỉ dừng lại ở mức 5% thì đó là điều thất bại chứ không phải thành tích.

Tín dụng vẫn "tắc"

Bà Nguyễn Huyền Dịu, Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết: Hiện nay lãi suất đã về mức năm 2005-2006. Nhiều ngân hàng còn niêm yết lãi suất huy động thấp hơn trần lãi suất của NHNN. Lãi suất cho vay cũng giảm mạnh, phổ biến ở mức 9-12%. Những dự án tốt có thể vay với lãi suất 7%. So với năm 2011, 2012, lãi suất đã giảm mạnh. Đây là nỗ lực của NHNN nhằm tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh.

Thế nhưng, trong 5 tháng đầu năm, mức tăng trưởng tín dụng không bằng cùng kì năm 2013, chỉ đạt 1,31% (cùng kì năm 2013 là trên 3%).

“Khi chúng tôi đi khảo sát tình hình, các doanh nghiệp không kêu về lãi suất nữa mà chủ yếu họ kêu về đầu ra. Cái gốc của tín dụng tăng thấp là do tổng cầu thấp" - bà Dịu nói.

Theo đại diện NHNN, các ngân hàng thương mại đang khó khăn tìm đầu ra cho dòng vốn, "đốt đuốc đỏ mắt" chưa tìm ra doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh.

Bà Nguyễn Huyền Dịu chia sẻ: Nhiều ý kiến đòi hạ chuẩn cho vay, nhưng đó không phải là ý kiến khả thi. Bởi vì ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ, nợ xấu luôn luôn là rủi ro tiềm ẩn cho nên không thể nào hạ chuẩn tín dụng được. Chúng ta tăng trưởng về tín dụng nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng tăng trưởng tín dụng.

Vốn trái phiếu Chính phủ vẫn ứ đọng

Khi phân tích nguyên nhân tác động đến tín dụng, đại diện Ngân hàng Nhà nước thấy rằng đó là do sức hấp thụ của nền kinh tế thấp. Nên dù NHNN đã dùng nhiều biện pháp để thúc đẩy tín dụng nhưng đến nay khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cũng không đáp ứng được.

Điều này không chỉ nhìn thấy ở góc độ ngân hàng mà nhìn ở góc độ chính sách tài khóa cũng rất rõ.

Vừa qua, khi ngân hàng không đẩy tín dụng ra được nền kinh tế thì ngân hàng cũng tăng cường đầu tư một lượng tiền lớn vào trái phiếu Chính phủ. Các ngân hàng hy vọng thông qua kênh trái phiếu Chính phủ, dòng tiền sẽ ra được nền kinh tế.

Tuy nhiên khi nhìn vào tốc độ tăng trưởng tiền gửi cho vay và tiền gửi của Chính phủ trong hệ thống ngân hàng, bà Nguyễn Huyền Dịu thấy ngân hàng đầu tư nhiều vào trái phiếu Chính phủ nhưng lượng tiền gửi của Chính phủ trong hệ thống ngân hàng vẫn tăng rất cao.

"Điều đó có nghĩa Chính phủ vẫn để vốn trong ngân hàng chứ chưa ra được nền kinh tế. Điều này thể hiện sức hấp thụ của nền kinh tế thấp quá cho nên không chỉ tín dụng ngân hàng không đẩy ra được nền kinh tế mà bản thân vốn ngân sách huy động được cũng không đẩy ra được nền kinh tế. Chúng tôi thấy đây là vấn đề rất nan giải và không phải chỉ riêng NHNN có thể làm được" - bà Nguyễn Huyền Dịu chia sẻ.

Lương Bằng

hải quan

Các tin tức khác

>   Địa phương sắp hết thời được cấp phát ODA "miễn phí" (28/05/2014)

>   DN Việt Nam ít sử dụng dịch vụ thuê ngoài (28/05/2014)

>   Năng suất lao động trung bình của Việt Nam giảm ở mức đáng lo ngại (28/05/2014)

>   Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần đặt nặng công tác hậu kiểm (28/05/2014)

>   Tăng mạnh nhập khẩu ôtô tháng 5 (28/05/2014)

>   Tham khảo kinh nghiệm đầu tư vốn nhà nước (28/05/2014)

>   Samsung muốn đầu tư sân bay Long Thành, hóa dầu Long Sơn (28/05/2014)

>   Từ 21/6, giá bán lẻ sữa sẽ giảm (28/05/2014)

>   Thêm 6.700 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động (28/05/2014)

>   Nga vẫn đóng cửa với cá tra Việt Nam (28/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật