Samsung muốn đầu tư sân bay Long Thành, hóa dầu Long Sơn
Sau các dự án sản xuất điện thoại di động và sản phẩm điện tử, Tập đoàn Samsung đang muốn mở rộng đầu tư vào các dự án hóa dầu, đóng tàu, nhiệt điện và cả dự án sân bay Long Thành...
Chiều 27-5, trong buổi tiếp kiến Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, ông Shin Kim, Tổng Giám đốc Văn phòng Chiến lược toàn cầu Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), đã bày tỏ Samsung mong muốn được tiếp tục đầu tư vào những dự án quy mô lớn ở những lĩnh vực nói trên.
Tập đoàn Samsung đề nghị được tạo điều kiện, cho phép tham gia đầu tư, xây dựng dự án sân bay Long Thành, dự án hóa dầu Long Sơn (Vũng Tàu), Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3, Nhà máy đóng tàu tại Khánh Hòa, và một số dự án xây dựng dân dụng khác, theo Chinhphu.vn.
Các dự án trị giá hàng tỉ đô la Mỹ này đã được phía Samsung xúc tiến tìm hiểu ở các mức độ trên thực tế trong thời gian qua.
Trong đó đáng chú là là dự án sân bay quốc tế Long Thành ở tỉnh Đồng Nai vừa được Thủ tướng Chính phủ duyệt đưa vào danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài tới năm 2020. Giai đoạn 1 của dự án này nhằm phát triển sân bay quốc tế có công suất thiết kế đón 100 triệu khách/năm cần số vốn đầu tư lên đến 5,62 tỉ đô la Mỹ với hình thức đầu tư là PPP hay BOT. Đây là dự án đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư và công chúng trong thời gian qua.
Đối với dự án đầu tư Trung tâm nhiệt điện Vũng Áng 3 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Samsung cho biết đã tập trung khảo sát, nghiên cứu một thời gian khá dài. Thực tế vào cuối năm rồi, đại diện nhóm dự án điện của Samsung cho biết ý định của Samsung là sẽ đầu tư Trung tâm nhiệt điện Vũng Áng 3.1 và 3.2 với tổng công suất 2.400 MW.
Cũng theo nguồn tin này, đại diện phía Samsung cho biết tập đoàn đã tìm hiểu, nghiên cứu 6 địa điểm để đầu tư dự án nhiệt điện chạy than và có ý định chọn đầu tư tại Vũng Áng bởi đây là địa điểm tốt mà Samsung đã từng thăm dò tại Việt Nam.
Theo Quy hoạch điện VII, dự án này có quy mô 4 tổ máy, với công suất 2.400 MW. Tuy nhiên, dự án này đã từng được đề nghị tách đôi, chia nhỏ quy mô để dễ lựa chọn nhà đầu tư, cũng như dễ triển khai.
Mong muốn đầu tư vào các dự án trên ở Việt Nam được Samsung đẩy mạnh kể từ khi Công ty Samsung C&T (Samsung Xây dựng và Thương mại) thuộc tập đoàn Samsung ký kết một biên bản ghi nhớ (MOU) với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hợp tác đầu tư và phát triển hạ tầng ở Việt Nam vào cuối tháng 9 năm ngoái.
Biên bản ghi nhớ mở ra nhiều cơ hội cho tập đoàn điện tử Hàn Quốc này tham gia nhiều lĩnh vực khác ở Việt Nam như nhà máy điện, đóng tàu, sân bay, các tổ hợp lọc hóa dầu, công nghệ thông tin... bên cạnh việc đã rót hàng tỉ đô la Mỹ vào các dự án sản xuất điện tử, điện thoại di động hiện nay của Samsung.
Hiện nay hai tổ hợp sản xuất điện thoại và sản phẩm điện tử của Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên thu hút gần 60.000 lao động tạo kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Khoảng 35% sản lượng điện thoại di động của Samsung cung ứng trên thị trường toàn cầu được lắp ráp và sản xuất tại các nhà máy của Samsung ở Việt Nam và con số này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 50% trong thời gian tới.
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao mong muốn đẩy mạnh hợp tác đầu tư của tập đoàn Samsung.
Đối với các dự án cụ thể được đề cập, Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Samsung triển khai các bước chuẩn bị cần thiết, các thủ tục theo quy định để các cơ quan thẩm quyền Việt Nam xem xét, giải quyết theo mục tiêu và tình hình thực tế của từng dự án, theo chinhphu.vn.
Hùng Lê
tbktsg
|