Dự thảo Luật DN sửa đổi, đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường
Dự thảo Luật DN sửa đổi chuẩn bị được đưa ra kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 13 với nhiều nội dung sửa đổi mang tính đột phá. Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Đình Cung – Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Ban soạn thảo cho biết, thay đổi quan trọng nhất trong sửa đổi Luật DN lần này là thủ tục ra nhập thị trường của DN.
Theo ông Cung, quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong dự thảo Luật mới sẽ được mở rộng như Hiến pháp quy định. DN được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, thay vì DN chỉ được làm những gì đã đăng ký trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Luật hiện hành.
- Ông có thể phân tích những điểm lợi khi mở rộng quyền cho DN trong thủ tục ra nhập thị trường?
Theo dự thảo Luật DN sửa đổi, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD) của DN chỉ là giấy chứng nhận về tư cách pháp nhân của DN. Giấy chứng nhận này không ghi ngành nghề kinh DN. Qua đó, DN được hoàn toàn tự chủ đối với các lĩnh vực kinh doanh mà pháp luật không cấm. Khi nộp hồ sơ xin GCNĐKKD, DN có thể ghi một vài ngành nghề mà họ dự kiến sẽ kinh doanh. Đến khi trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh thì họ chỉ cần thông báo với cơ quan chức năng lĩnh vực mình bắt đầu tham gia.
Tuy nhiên, những lĩnh vực mà họ chỉ cần thông báo phải không thuộc lĩnh vực cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện. DN phải tìm hiểu lĩnh vực kinh doanh của mình có bị cấm hay phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định hiện hành.
Việc không ghi ngành nghề kinh doanh trong GCNĐKKD trước tiên có lợi về mặt quản lý nhà nước. Thực tế, thời gian qua, để tránh phải xin phép kinh doanh những lĩnh vực mới, các DN thường ghi hàng chục thậm chỉ cả trăm lĩnh vực ngành nghề trong GCNĐKKD. Do đó, nếu căn cứ vào GCNĐKKD thì cơ quan quản lý và thống kê không biết DN đang kinh doanh cái gì.
Còn về phía DN, Luật hiện tại quy định, DN đã đăng ký ngành, nghề kinh doanh bắt buộc phải hoạt động (theo đăng ký); nếu mở rộng ngành, nghề phải đăng ký bổ sung và được cơ quan quản lý chấp thuận mới được làm. Quy định này gây lãng phí cho cả DN và cơ quan quản lý (mỗi lần thay đổi, bổ sung ngành, nghề DN phải mất phí và thời gian).
Không chỉ vậy, quy định trên còn gây rủi ro về mặt pháp lý với DN trong hoạt động kinh doanh bình thường. Chẳng hạn, tranh chấp xảy ra với hợp đồng đã ký, lĩnh vực trong hợp đồng không nằm trong phạm vi được hiểu là DN đã đăng ký, tòa án có thể tuyên hợp đồng vô hiệu.
- Thực tế, lĩnh vực cấm sản xuất kinh doanh và kinh doanh có điều kiện được quy định rải rác trong quá nhiều văn bản. Thậm chỉ đến những người am hiểu luật đôi khi còn gặp khó khăn chứ không chỉ đối với DN. Phải làm gì để hạn chế tình trạng này, thưa ông?
Đúng là hiện nay việc cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện đang quy định rất thiếu đồng bộ và gây khó khăn cho DN. Theo số liệu mà chúng tôi có được, hiện có 51 ngành nghề cấm kinh doanh. Các ngành nghề cấm kinh doanh được quy định bởi ba văn bản gồm: lĩnh vực cấm đầu tư, lĩnh vực cấm kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ cấm mua bán.
Còn đối với lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, hiện có 334 ngành nghề bị hạn chế kinh doanh, được quy định bởi 235 văn bản. DN muốn kinh doanh những lĩnh vực này phải đáp ứng những điều kiện nhất định. Với hệ thống các văn bản cấm và hạn chế kinh doanh phức tạp như trên đang khiến DN rất khó khăn. Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng cũng phải bức xúc khi phát biểu tại một kỳ họp mới đây “nếu cấm như thế này thì cấm hết à!”.
Theo Luật DN hiện hành, kinh doanh vàng bạc là ngành nghề kinh doanh có điều kiện
|
Chúng tôi kiến nghị rà soát lại tất cả hệ thống các văn bản và quy định về ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Trước tiên là giúp DN có thể dễ dàng trong tim hiểu, tra cứu các lĩnh vực cấm và hạn chế kinh doanh. Tiếp đến, những lĩnh vực nào không cần hạn chế, không cần cấm thì phải mở rộng để DN được tham gia.
- Liên quan đến DN FDI, Luật mới cũng sẽ tạo điều kiện để khu vực này ra nhập thị trường một cách dễ dàng hơn, thưa ông?
Dự thảo Luật DN mới đã đề xuất tách bạch hai loại giấy phép đăng ký kinh doanh và giấy phép chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài. Quy định mới này hướng tới hai mục đích. Thứ nhất, tạo sự bình đẳng giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước trong việc gia nhập thị trường. Tiếp đến, giải quyết một thực tế, tạo điều kiện cho những nhà đầu tư nước ngoài mở rộng các dự án và lĩnh vực đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn gần đây đã đầu tư nhiều lĩnh vực ở nhiều địa phương khác nhau. Họ sẽ chỉ cần xin giấy chứng nhận đầu tư cho những dự án mới thay vi phải xin cả giấy phép đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đầu tư.
- Vấn đề xác định nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước được giải quyết cụ thể trong Luật mới ra sao, thưa ông?
Theo dự thảo Luật DN mới, DN có vốn đầu tư nước ngoài sẽ là DN có từ 51% trở lên vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, Luật Đầu tư chỉ định nghĩa DN có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm DN do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam và DN Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại.
Như vậy, những DN có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài dưới 51% sẽ được đối xử như DN trong nước. Tuy nhiên, những DN đã được xác định là DN có vốn đầu tư nước ngoài nếu đầu tư tiếp cho các DN mới, Cty con cũng được xác định là DN nước ngoài khi được DN mẹ góp trên 51% cổ phần.
Việc xác định thế nào là DN có vốn đầu tư nước ngoài thời gian qua chưa thống nhất tại nhiều địa phương. Điều này ảnh hưởng rất lớn trong việc xác định thương quyền. Trong nền kinh tế hiện nay, thương quyền mang ý nghĩa, cũng như giá trị rất lớn đối với mỗi DN.
- Xin cảm ơn ông!
GS TSKH Nguyễn Mại Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài: Nguy cơ khó quản lý
Dự thảo Luật DN sửa đổi nếu cứ dễ dàng quá thì dẫn đến nguy cơ khó quản lý. Nếu khách "du lịch ba lô" cũng có thể lập DN với dăm ba chục triệu đồng vốn kinh doanh thì đi ngược lại chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc của Chính phủ.
Đối với lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, đây là vấn đề của giấy phép con. Chính phủ cần quy định cứng không cho tái lập các loại giấy phép con. Ví dụ năm nay đã có bao nhiều giấy phép con rồi thì Chính phủ sẽ công bố công khai và không cho phép bất cứ giấy phép con nào được ra đời nữa.
Để nói đến vấn đề thực thi luật, tôi cho rằng, chừng nào các công chức nhà nước không có lòng yêu thương DN, mà vẫn cứ hành hạ DN thì đất nước khó có thể phát triển được.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Cụ thể hóa công tác hậu kiểm
Chúng tôi ủng hộ định hướng đơn giản hóa thủ tục thành lập DN trong Luật DN sửa đổi. Tuy nhiên, công tác hậu kiểm phải được cụ thể hóa trọng luật để đảm bảo rằng DN đã đăng ký là có tồn tại, có hoạt động, không phải DN ma… Điều này có thể giải quyết được lo ngại là vì thủ tục thành lập DN đơn giản sẽ dẫn tới DN dễ dàng thành lập để lừa đảo, mua bán hóa đơn…
Việc thực hiện hậu kiểm cần phải nêu rõ yêu cầu về sự phối hợp chặt chẽ và thông tin hai chiều giữa cơ quan đăng ký kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan thuế. Quy định này cũng để tránh gây khó khăn cho DN từ việc phải chịu hậu kiểm về những vấn đề giống nhau nhưng lại do nhiều cơ quan khác nhau cùng làm.
Về việc ghi và mã hóa ngành nghề kinh doanh khi đăng ký DN, chúng tôi đồng tình với chủ trương bỏ việc ghi mã ngành nghề kinh doanh khi đăng ký DN. Bởi mục tiêu quản lý Nhà nước không đạt được trong quy định này, do những bất cập thực tế từ cả phía DN (đăng ký khống nhiều ngành nghề) và cơ quan Nhà nước (áp mã ngành nghề chưa phù hợp và chưa bao quát được trên thực tế, trong khi lại phải tốn kém thời gian công sức dành cho việc này).
Ông Nguyễn Công Ái Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH KPMG: Lỗ hổng pháp lý
Ở góc độ một Cty thường xuyên tư vấn cho DN, chúng tôi thấy rằng, pháp luật Việt Nam về đăng ký thành lập DN đã tiên tiến hơn nhiều nước có nền kinh tế phát triển. Việc không ghi ngành nghề kinh doanh trên GCNĐKKD có thể tạo ra lỗ hổng pháp lý khi cơ quan quản lý chuyên ngành không nắm rõ ngành nghề kinh doanh của DN để kiểm tra, giám sát. Ví dụ, trường hợp DN có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký sản xuất phần mềm máy tính, nhưng trên thực tế thực hiện cả các hoạt động nhập khẩu, phân phối điện thoại di động.
Mặt khác, một số nhà đầu tư nước ngoài có thể cố tình lợi dụng sự thông thoáng này để đăng ký thành lập DN với một số ngành nghề không thuộc diện kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, họ lại hoạt động tràn lan cả một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài như thu gom nông sản, sản xuất các hàng hóa có tác động tiêu cực đến môi trường... Hơn nữa, dễ nảy sinh hiện tượng “DN trên giấy”, như đã thấy ở nhiều nước phát triển. Công tác quản lý của Việt Nam liệu đã đáp ứng được bất cập này?
|
Bá Tú thực hiện
Diễn đàn doanh nghiệp
|