Vẫn còn nhiều vấn đề lưu ý với Hiệp định TPP
Hiện Việt Nam và các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang nỗ lực đàm phán. Phóng viên báo Công Thương có cuộc trao đổi với ông Rick Rowland- Trưởng phòng Chương trình Cao cấp về Quản trị Dân chủ của ActionAid Quốc tế- xung quanh vấn đề này.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, khi tham gia vào TPP, ngoài những lợi ích kỳ vọng sẽ đạt được, Việt Nam cũng đối mặt với khá nhiều bất lợi. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Thật vậy, hiệp định TPP yêu cầu Việt Nam phải có những thay đổi mạnh mẽ trong các chính sách đối nội và các quy định pháp luật hiện hành mà trong nhiều trường hợp, những thay đổi này về lâu dài sẽ làm suy yếu khả năng xây dựng những ngành công nghiệp mới trong nước. Đặc biệt là đối với các ngành sản xuất và dịch vụ tiên tiến với mức chi trả cao mà Việt Nam cần xây dựng trong vòng 15 đến 30 năm tới.
Ông Rick Rowland- Trưởng phòng Chương trình Cao cấp về Quản trị Dân chủ của ActionAid Quốc tế
|
Một trong những chương quan trọng trong TPP là về hàng hóa. Khi Việt Nam tham gia vào TPP, thuế suất của nhiều mặt hàng sẽ giảm xuống còn 0% và chỉ còn có một hay hai biểu thuế được giữ lại. Theo đó, Việt Nam sẽ phải cắt giảm các dòng thuế quan bảo hộ trên các sản phẩm nhập khẩu; đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ các công ty lớn của Nhật Bản, Hoa Kỳ và Australia. Điều này sẽ cản trở quá trình Việt Nam xây dựng các doanh nghiệp sản xuất trong nước để phục vụ những lĩnh vực tiến bộ hơn trong tương lai.
Ngoài ra, về vấn đề mua sắm Chính phủ, Việt Nam sẽ phải tuân thủ nguyên tắc về đấu thầu cạnh tranh. Nếu nhìn trong ngắn hạn, những nguyên tắc đó sẽ tạo được hiệu ứng khá tốt bởi ngay lập tức Chính phủ có thể tiết kiệm được ngân sách trong hoạt động đấu thầu mua sắm, nhưng ngành công nghiệp trong nước có khả năng sẽ phải chịu những tổn thất kinh doanh rất lớn.
Theo ông Việt Nam cần phải lưu tâm những vấn đề gì khi tham gia hiệp định này?
Tôi cho rằng Việt Nam cũng cần đặc biệt lưu tâm đến chính sách ưu đãi cho vay tín dụng. Trước đây, Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nhưng khi tham gia TPP thì các chính sách sẽ phải hướng tới sự công bằng hơn trong việc cung cấp các khoản ưu đãi cho công ty trong và ngoài nước. Đây là chính sách đối xử quốc gia, tuy nhiên vấn đề này lại có thể gây nguy hiểm cho doanh nghiệp Việt Nam bởi các công ty lớn có thể gây áp lức đối với các DN Việt Nam có tiềm lực nhỏ bé.
Trong khi đó, trước đây những công ty lớn của nước ngoài cũng đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính phủ nhưng nay những quốc gia này lại lên tiếng kêu gọi cần phải thay đổi chính sách kinh tế để phù hợp với giai đoạn mới.
Tuy nhiên, lịch sử phát triển kinh tế thế giới cho thấy các quốc gia phát triển đều phải trải qua giai đoạn gắn kết các nhà nước với doanh nghiệp và đến một thời điểm nào đó, các doanh nghiệp này mới tách khỏi sự hỗ trợ của nhà nước. Vì vậy, tôi cho rằng, muốn phát triển dài hạn phải nhìn vào thành công của các quốc gia phát triển khác.
Ông có lời khuyên gì cho Việt Nam trong thời điểm này?
Cũng giống như WTO, TPP có nhiều chính sách ưu đãi cho các nước kém phát triển hơn. Nhưng tôi không chắc Việt Nam có thực hiện những điều này trong TPP hay không vì hiện nay Việt Nam là quốc gia có mức thu nhập trung bình. Vì vậy, Việt Nam cần cố gắng nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thực tế, theo một nghiên cứu mới nhất của Nam Phi cho thấy, một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào nước này lại không bắt nguồn từ những nước ký kết hiệp định thương mại. Các quốc gia đầu tư ra nước ngoài thường quan tâm nhiều hơn đến thị trường, cơ sở hạ tầng và nhân lực. Việt Nam cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này.
Xin cám ơn ông!
Nguyễn Hường
công thương
|