Thứ Tư, 28/05/2014 22:57

Địa phương sắp hết thời được cấp phát ODA "miễn phí"

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, việc cấp phát vốn vay nước ngoài cho ngân sách địa phương không thể tiếp tục duy trì ở mức trước đây. Các địa phương sẽ phải vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

Địa phương phải vay lại ODA từ Chính phủ

Tại Tọa đàm "Về cơ chế cho vay lại vốn ODA và vốn vay ưu đãi đối với chính quyền địa phương" do Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức ngày 28-5, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết: Nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ (ODA, vay ưu đãi, vay thương mại) là một trong các nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong nhiều năm qua. Trong số đó, khoảng gần 30% vốn ODA và vốn vay ưu đãi được dành để thực hiện các chương trình, dự án của địa phương dưới nhiều hình thức.

Trong quá trình huy động vốn vay nước ngoài phục vụ đầu tư phát triển, Bộ Tài chính thấy về trung hạn chúng ta chuẩn bị chạm tới hạn mức nợ công của quốc gia (cuối năm 2013 đạt khoảng 53,4% GDP trong khi hạn mức tới năm 2020 là không quá 65% GDP). Định hướng chiến lược vay nợ công giai đoạn đến 2020 đưa ra nguyên tắc việc vay nước ngoài của Chính phủ trong tương lai sẽ giảm dần, tăng vay trong nước.

Trong bối cảnh đó, theo ông Trương Chí Trung, việc hỗ trợ của ngân sách Trung ương theo hình thức cấp phát vốn vay nước ngoài cho ngân sách địa phương không thể tiếp tục duy trì ở mức trước đây.

"Trong khi đó, nhu cầu đầu tư của địa phương ngày càng lớn, nhiều địa phương còn chưa sử dụng hoặc sử dụng rất ít hạn mức vay nợ của mình. Chúng tôi cho rằng vẫn còn dư địa cho các địa phương huy động vốn đầu tư theo hình thức vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ" - ông Trương Chí Trung nói.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới tại tọa đàm, trong 2 thập kỉ qua, vốn ODA và vốn vay ưu đãi cam kết cho Việt Nam lên tới 78 tỉ USD. Năm 2013, 1/5 tổng vốn ODA được dành cho chính quyền địa phương (842 triệu USD), chủ yếu dưới hình thức cấp phát từ ngân sách Trung ương và chỉ 10% dành cho chính quyền địa phương vay lại theo dự án (88 triệu USD).

Nói về hạn chế của cơ chế cấp phát vốn, đại diện Cục Quản lí nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho rằng: Các cơ quan liên quan của địa phương khó giám sát chặt chẽ dự án do tâm lí đây là vốn cấp phát của Trung ương, nguồn tăng thêm ngoài ngân sách địa phương.

"Do đó việc cho vay lại đối với các địa phương có khả năng ngân sách để tập trung nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương chưa cân đối được thu chi trong một số lĩnh vực là phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lí nợ công và xu thế phát triển chung" - đại diện Cục Quản lí nợ và tài chính đối ngoại nhấn mạnh.

Xây dựng khung pháp lí

Ông Peteri Gabor, tư vấn quốc tế, chuyên gia có kinh nghiệm cho vay lại đối với chính quyền địa phương chia sẻ: Việt Nam đã bước sang một giai đoạn phát triển mới khi tỉ trọng vốn ODA và vốn vay ưu đãi sẽ từng bước và phần nào được thay thế bởi các khoản vay kém ưu đãi hơn. Khi quốc gia đã bước sang ngưỡng quốc gia thu nhập trung bình thấp, các quy tắc quản lí tài chính mới sẽ được áp dụng.

Chính vì vậy vào năm 2014, Bộ Tài chính dự kiến xây dựng một văn bản pháp quy mới về quản lí các hoạt động mở rộng về cho vay lại nguồn vốn ODA. Các quy định được thiết kế hợp lí sẽ đem lại những cải thiện về phân bổ và sử dụng các nguồn lực công.

"Chúng tôi nhấn mạnh đây là quá trình chuyển đổi từng bước, theo lộ trình, không thể ngay lập tức chuyển toàn bộ từ cơ chế cấp phát sang cơ chế vay lại" - ông Peteri Gabor nói.

Theo Thứ trưởng Trương Chí Trung, Bộ Tài chính thấy cần có cơ chế chia sẻ trách nhiệm và nguồn lực giữa các cấp ngân sách. Theo đó, Bộ Tài chính cần xây dựng khung pháp lí quy định cụ thể tiêu chí xác định đối tượng UBND cấp tỉnh cần vay lại từ ngân sách Trung ương, quy trình thẩm định năng lực trả nợ của địa phương và các yêu cầu quản lí nhà nước về nợ của chính quyền địa phương.

Ông Peteri Gabor cho rằng: Sự chuyển hướng dần sang cho vay lại ODA sẽ làm tăng nhu cầu nâng cao năng lực hành chính và kĩ thuật ở cả cấp chính quyền Trung ương và địa phương. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm soát quy trình lập kế hoạch đầu tư của địa phương và phê duyệt từng khoản vay của địa phương. Tuy nhiên việc chủ động hơn trong vay lại ODA và đánh giá mức độ tín nhiệm sẽ làm gia tăng gánh nặng hành chính đối với Bộ Tài chính. Vì vậy, cần phải thiết lập các hình thức quản lí và tổ chức hiệu quả hơn.

"Rõ ràng điều đó có thể làm tăng chi phí cho vay lại ODA và khiến cho chi tiêu mà chính quyền Trung ương phải chịu trở nên rõ ràng hơn. Việc mở rộng cho vay lại vốn ODA cũng đòi hỏi phải nâng cao năng lực hành chính và kĩ thuật cho chính quyền địa phương" - Ông Peteri Gabor nói.

Lương Bằng

hải quan

Các tin tức khác

>   DN Việt Nam ít sử dụng dịch vụ thuê ngoài (28/05/2014)

>   Năng suất lao động trung bình của Việt Nam giảm ở mức đáng lo ngại (28/05/2014)

>   Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần đặt nặng công tác hậu kiểm (28/05/2014)

>   Tăng mạnh nhập khẩu ôtô tháng 5 (28/05/2014)

>   Tham khảo kinh nghiệm đầu tư vốn nhà nước (28/05/2014)

>   Samsung muốn đầu tư sân bay Long Thành, hóa dầu Long Sơn (28/05/2014)

>   Từ 21/6, giá bán lẻ sữa sẽ giảm (28/05/2014)

>   Thêm 6.700 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động (28/05/2014)

>   Nga vẫn đóng cửa với cá tra Việt Nam (28/05/2014)

>   Tháng 5: Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 5,9% (28/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật